Giới Thiệu Kiếp Người
Mỗi con người trong truyện của Bùi Bình Thi đều thường thường – bình thường như mọi người một thuở nào. Lọt lòng, rồi đến khi nhớn nhao, rồi thì kẻ có người khó, mỗi số phận một rủi may và éo le khác nhau đã tạo nên muôn vẻ tính nết – như cái vân đầu ngón tay, chẳng ai giống ai.
Nhưng ngay những bình thường và khác nhau ấy đều trong một hoàn cảnh không bình thường. Những người Việt nam vào đời giữa thế kỷ, nhất thiết đều qua những thử thách của vận hội đất nước, cũng là những thử thách trong mỗi chúng ta. Người ấy xả thân vào lửa đạn hay người ấy lẩn trốn thì ba mươi năm kháng chiến – ba mươi năm ngày tháng nửa đời bão táp cũng cứ ập đến. Những nhân vật của Bùi Bình Thi đều trải những thực tế lớn lao ấy.
Vết tích chiến tranh in dấu vào tất cả. Người chiến sỉ hay đứa mất tinh thần đều đã trở lại, lại vào một giai đoạn quyết liệt khác trong lòng người và cuộc đời. Nhưng trận chiến đã qua vẫn sừng sững đấy.
Thời chiến và thời bình hòa quyện trong mỗi nhân vật của Bùi Bình Thi. Sau cơn ác liệt, đời lại dữ dằn một cách khác khi trở lại bình thường. Những mối tình đẹp quá mà buồn quá đến phải khóc, phải cười, nhưng không bao giờ là ngậm cười.
Những câu hỏi và trả lời được đặt ra ở mỗi trường hợp: nhân đạo và chân thực là tính gốc của con người. Từ đời thường vào đời dữ, trở lại đời thường, Bùi Bình Thi đã đưa các nhân vật vượt lên.
Có phải cái ông lão tàng tàng vốn chắt bóp hà tiện, người có tuổi thâm trầm đáng kính ấy màng cốt lõi triết lý tinh thần mọi chuyện ở đời?
Tên ông là Giản. Nhà ông có ba con số tại giữa một đường phố lớn và dài ở Hà nội. Tôi được biết ông cách đây đã hơn ba chục năm. Dạo ấy vào khoảng giữa năm 1966, tôi bắt đầu làm quen rồi đâm mê một cô gái. Đang thời buổi chiến tranh, dân thành phố đi sơ tán, tôi đạp xe về thăm người chị ruột của cô gái ấy, chị là cô giáo dậy học tại một trường cấp ba, ở nhờ một xã thuộc vùng bán sơn địa của huyện Tiên phong tỉnh Bắc ninh. Lúc tôi đang trò chuyện với mấy cậu bé con của chị để chờ chị về, thì một ông trạc ngoài năm mươi, với chiếc xe đạp cà khổ hiện ra ngoài đầu hè. Tôi ngước nhìn ông trong tiếng chào của lũ con trai cô giáo. Ông lão ngồi thụp xuống ôm choàng lấy đám trẻ con và sau đó ông đứng lên gỡ chiếc cặp lồng to treo tòn ten trên ghi đông xe, gọi tên một cô bé lớn nhất cái đám trẻ ấy, ông bảo cô bé đem ra một đĩa sắt tráng men to và một đôi đũa. Ông lại ngồi bệt xuống hè, mở cặp lồng gắp từng miếng thịt đặt gần vành đĩa. Ông gắp đến miếng thứ hai, thứ ba rồi thứ tư, thứ năm, năm miếng thịt đặt đều đặn theo vành đĩa. Và cứ thế ông gắp tiếp, lặng lẽ, nghiêm túc, cẩn thận cho kỳ năm xuất thịt mỗi xuất sáu miếng. Sau đấy ông lại bảo cô bé lấy ra một cái bát ăn cơm và gắp vào bát hai miếng thịt để tách riêng ra hai bên và mỗi bên đủ năm miếng thịt. Ông ngẩng lên, nhìn đăm đăm vào mặt năm đứa trẻ bốn trai một gái rồi giọng ông trong và nhẹ như hơi thở:
– Ông cho năm cháu năm xuất thịt. Mỗi miếng ăn dè được hai bữa, vị chi là sáu ngày. Còn hai xuất trong cái bát thì cho bố mẹ các cháu đủ ăn trong năm ngày tới. Đến thứ sáu ông lại về cho nốt bố mẹ mày một xuất nữa cho đủ sáu xuất và ông sẽ cho các cháu mỗi đứa hai miếng bằng những miếng này để các cháu ăn trong ngày chủ nhật, rõ chưa?
Bọn trẻ con dạ ran…