Giới Thiệu Kẻ Di Trú Đi Tìm Chất Xám
Thoạt nhìn hắn lần đầu tôi đã thấy thích, hắn không đep trai nhưng thu hút tôi một cách kỳ lạ. Chắc có lẽ vì hắn không giống ai trong lớp, nên đã thu hút sự chú ý của tôi. Tôi không dám tự xưng là người sành sỏi trong việc ăn mặc nhưng nhìn cách ăn mặc của hắn là tôi biết ngay hắn là dân “Hai lúa”. Hắn cũng trang phục quần xanh áo trắng, cũng chơi quần “xịn” loại trăm mấy ngàn nhưng thợ may đồ cho hắn thì ra nghề ở thế kỷ trước.
Nói chung , hắn đến với lớp tôi và làm cho tất cả mọi nguời trong lớp chú ý vì cái vẻ quê mùa của hắn. Riêng tôi, tuy chưa tiếp xúc với hắn lần nào nhưng tôi vẫn thích hắn. Nhìn khuôn mặt háo hức thèm học hỏi của hắn là tôi có cảm tình ngay. Hắn có đôi mắt đen, sáng và luôn hướng vào chúng tôi với sự thân thiện rỏ rệt.
Tôi dự định ngày hôm nay, tôi sẽ làm quen với hắn nhưng Phú đã đi trước tôi một bước. Lúc ra về, Phú cùng đám bạn “Làm quen” với hắn.
– Ê! Hai lúa, lại đây hỏi thăm chút coi.
Hắn đưa mắt nhìn bọn tôi với ánh mắt đầy thiện cảm.
– Gọi tui phải không?
Phú hất mặt.
– Ở đây chỉ có mày là hai lúa, không gọi mày thì còn gọi ai nữa.
– Tui…tui tên Sơn chứ đâu phải tên lúa.
– Tao đây có hỏi tên của mày. Mày tên núi, tên đá hay tên bùn thây kệ mày.Tao thích gọi mày là hai lúa thì tao gọi được không?
– Tui…tui..
– Ê ! Ở đây nói chuyện cấm xưng tui nghe không. Ra thị xã học thì phải tập văn minh lịch sự nói chuyện không có xưng tui.
Vốn biết Phú là vua trêu chọc nên lũ con gái lớp tôi kéo nhau tới vây quanh và cười ồ khi nghe Phú lên lớp. Phú chỉ chiếc xe đạp của hắn và nói. – Ở thị xã người ta cấm chạy xe loại này.
Xe đạp của hắn là loại xe leo núi có phuột trước, phuột sau, vỏ xe thì tua tủa những gai. Nghe Phú nói tôi cũng không hiểu, vì bọn tôi cũng đi học bằng xe đạp. Hắn thì làm thinh chỉ nhìn Phú cười hiền.
Phú trợn mắt.
– Mày cười cái gì, bộ tao nói giởn với mày sao? Mày chạy xe vỏ gai chôm chổm làm hư đường thị xã, công an tịch thu xe của mày đó. Mày nhìn xem ở đây đâu có ai chạy xe giống như mày không. Xe của mày người ta làm để chạy đường đất thôi, cấm chạy đường nhựa mày có biết không.
Chuyện Phú nói thì cũng đã buồn cười, nhưng khi thấy hắn đưa mắt dáo dác nhìn những chiếc xe của bọn tôi thì lũ con gái bật cười rủ rượi. Nhìn chúng tôi cười khuôn mặt hắn thộn ra trông đến tội. Phú thì tỉnh bơ còn làm ra vẻ thân thiện vổ vai hắn.
– Mày ở quê mới ra nên còn rất nhiều chuyện mày chưa biết, chuyện nào biết, tao nói cho mày biết. Nhớ mai đừng có chạy xe này nữa nghe không. Mày chạy công an họ thấy họ lấy thì uổng lắm, xe mày mua bao nhiêu?
– Tui mua một triệu hai.
– Lại xưng tui nữa, tao cấm mày không được nói chuyện xưng tui.
Hắn lẳng lặng nhìn bọn tôi rồi bỏ đi để lại sau lưng những tiếng cười. Nhìn theo hắn mà tôi thấy tội tội. Hắn tuy quê mùa thật nhưng Phú đùa như vậy cũng hơi quá đáng.
Hôm sau, lớp tôi lại được một trận cười đau cả bụng khi hắn tin lời Phú thay cả hai vỏ của chiếc xe đạp. Phú còn bắt tay hắn chúc mừng.
– Mày thật chịu khó học hỏi, tao tin chỉ trong một thới gian ngắn mày thành dân thị xã chính tông.
Tôi lắc đầu cười với Phú.
– Tao chịu thua mày luôn.
Tôi với Phú chỉ mới học chung trong năm nay. Năm trước, Phú học lớp 9c, còn tôi học 9a. Phú cũng là học sinh có tên tuổi nên chúng tôi biết nhau. Năm lớp chín Phú được huy chương vàng karate, tôi cũng huy chương vàng cờ vua trong một cuộc hội thi vòng tỉnh.
Năm nay, thành phần lớp tôi cũng không có gì thay đổi so với năm ngoái. Một số bạn học yếu được thuyên chuyển qua lớp khác và bù lại là một số bạn học khá ở các lớp khác chuyển về lớp tôi, trong đó có trường hợp cá biệt là Sơn được chuyển từ một trường vùng sâu vào học cùng lớp.
Vẫn như năm trước Ngọc Uyển “Đại tiểu thư ”làm lớp trưởng, tôi lớp phó học tập, còn Tuyết Ngân học sinh lớp 9d củ làm lớp phó văn thể mỹ, lớp phó lao động thì dành cho nhà đương kiêm vô địch karate Trần Quang Phú.