Giới Thiệu Hương Phi, Mối Tình Tuyệt Vọng Của Vua Càn Long
Trong nhiều thế kỷ, những khách thương Trung Hoa trên đường đi Ấn Ðộ và Tây Phương, phải vượt qua một vùng đất khắc nghiệt. Vùng đất ấy ngày nay được gọi là Trung Á và Tân Cương của Trung Hoa. Những nỗi gian nan nguy hiểm của cuộc hành trình thì thật là khủng khiếp. Họ phải đi qua những sa mạc nóng cháy không có nước, vượt qua những ngọn núi cao, dốc đứng và hiểm trở, trong khi lúc nào cũng bị những thổ dân hung hãn ở sa mạc tấn công. Ðấy là một vùng đất đáng sợ cho khách thương. Nhưng từ thời đế quốc La Mã, và có thể trước đó nữa, những đoàn thương nhân cưỡi lạc đà chở sản phẩm từ Trung Hoa đã bất chấp những sự nguy hiểm và khổ cực của con đường sa mạc này.
Vì là một địa điểm chiến lược, vùng Trung Á bao giờ cũng là mối ưu tư của các hoàng đế Trung Hoa. Từ thời nhà Hán, các hoàng đế Trung Hoa khi hùng mạnh thường phái quân viễn chinh để chinh phục vùng này, và thiết lập những căn cứ quân sự tại đây, để bảo vệ các khách thương Trung Hoa. Nhưng vào những thời kỳ khác, khi trong nước loạn lạc, các vua chúa Trung Hoa mải lo đối phó với những vấn đề nội bộ, thì những tiền đồn này lọt vào tay các thế lực trong vùng. Khi nội bộ ổn định rồi, các hoàng đế lại phải tìm cách tái chiếm khu vực, và thường là tổn thất khá nhiều sinh mạng cho cả hai bên. Những sắc dân Tây Phương, một số thuộc giống Nhật Nhĩ Man, xâm nhập vào Trung Á khi Trung Hoa yếu kém, và như vậy vùng này trở thành quê hương của nhiều giống dân khác nhau. Những giống dân này phải lìa bỏ quê hương gốc vì lý do kinh tế hoặc tôn giáo.
Những ốc đảo trong vùng Trung Á trở thành những vương quốc nhỏ, hoặc những đô thị lớn. Vào thời nhà Ðường, một nền văn minh cao đã phát triển tới đây; nhiều chùa chiến, đền thờ Hồi giáo và những nhà thờ của giáo hội Thiên Chúa Nestorian đã đứng cạnh nhau. Ðây là một bằng chứng rõ ràng về sự đa dạng của tín ngưỡng và nòi giống của những người sinh sống trong vùng đất này. Những khách thương từ Trung Hoa, Ấn Ðộ hoặc Ba Tư thường lưu lại trong các thành phố tại đây, để hưởng thụ sự tiện nghi của văn minh sau những cuộc phấn đấu sinh tử với thiên nhiên khắc nghiệt. Khi trở về quê hương, họ mang theo những truyện về
những mỹ nhân và những truyện kỳ lạ về những triều đình xa hoa của của những ông vua sống cô lập tại sa mạc. Những truyện kể lại trải qua nhiều đời vẫn giữ nguyên vẹn như lúc khởi đầu, và đối với thế giới bên ngoài thì miền Trung Á đã trở thành một nơi mang huyền thoại của những chuyện tình thơ mộng và những nỗi nguy hiểm khôn lường, trong khi sự bí mật luôn luôn bao phủ những miền đất xa xôi, tô điểm thêm những yếu tố thần bí vào một nền văn hoá mang nặng tính chất truyền thuyết.
Nhưng sự phì nhiêu của những ốc đảo tùy thuộc vào một yếu tố, và chỉ một yếu tố thôi: đó là nước. Một hệ thống dẫn nước rất công phu đã biến một phần của sa mạc thành những khu vườn hoa. Nhưng các trận chiến tranh của Thành Cát Tư Hãn vào thế kỷ thứ 13 đã tiêu diệt dân chúng trong vùng, nên không còn người khai thông việc dẫn nước. Dần dần cát bao vây các đô thị, đền đài, dinh thự, và những nghệ phẩm vô giá bị xoá bỏ hết. Khi đường thủy thay thế đường bộ, miền Trung Á không còn là con đường chính đi từ Trung Hoa sang Tây Phương nữa. Cả một vùng mênh mông bị thoái hoá, và chỉ còn là cái bóng mờ của quá khứ.
Vào thế kỷ thứ 18, khi vua Càn Long nhà Thanh ngồi trên ngai vàng Trung Hoa thì vinh quang của vùng Trung Á đã nhạt rồi. Nhưng một biến cố lớn xảy ra và vùng này bỗng trở nên quan trọng, bước ra khỏi sự thờ ơ và quên lãng của người đời. Hai anh em nhà họ Hojas cai trị miền Trung Á bỗng vùng lên chống lại sự bảo hộ của nhà Thanh, và tranh dành quyền làm chủ khu vực. Càn Long phải phái quân đội tới can thiệp. Hai anh em nhà họ Hojas gồm có người anh được gọi là Ðại Hojas, và người em là Tiểu Hojas. Khi đại quân nhà Thanh tới tái lập trật tự thì anh em nhà Hojas thất bại, không chống cự lại được quân nhà Thanh, và phải bỏ chạy tới nương nhờ quốc vương Badakshan, một ông vua của một nước láng giềng trong vùng.
Tiểu Hojas đem theo người vợ trong cuộc chạy trốn. Người vợ của Tiểu Hojas được gọi là Công chúa Hương Phi, và nhan sắc của Hương Phi tuyệt vời đến nỗi danh tiếng về sắc đẹp của nàng được truyền tụng khắp nơi. Ở đâu người ta cũng bàn tán về người phụ nữ tuyệt sắc này. Người ta không biết nhiều về tuổi thơ ấu cũng như thời kỳ mới lấy chồng của Hương Phi, ngoại trừ chỉ biết rằng nàng sống với chồng tại Aksu, một thành phố cách xa Bắc Kinh sáu tháng đường bộ. Tuy ở xa hàng ngàn dặm, Càn Long cũng nghe nói về sắc đẹp và mùi hương thơm đặc biệt tỏa ra từ thân thể nàng Hương Phi. Mùi hương này tuyệt diệu đến nỗi nó làm mọi cảm giác của những ai lại gần nàng phải tê dại đờ đẫn. Người ta tin rằng sắc đẹp của nàng là cái đẹp từ một thế giới khác. Chính vì cái mùi hương đặc biệt từ thân thể nàng mà nàng đưọc gọi là Hương Phi, một nàng công chúa thơm tho.
Giống như tất cả đàn ông đã được trông thấy Công chúa Hương Phi, quốc vương Badakshan bỗng thấy say mê và thèm khát được làm chủ nàng. Lợi dụng cơ hội là người đang bảo vệ chồng nàng, quốc vương nghĩ rằng có thể đạt được giấc mộng làm chủ nàng bằng cách chặt đầu chồng nàng, và gửi về Bắc Kinh như một lễ vật cầu hoà với vua Càn Long. Làm như thế, quốc vương Badakshan hy vọng giải hoà được với vua Càn Long, và đồng thời giữ được Công chúa Hương Phi làm của riêng. Nhưng kế hoạch giữ lại Hương Phi của quốc vương đã không thể thực hiện được, vì một yếu tố phụ thuộc mà lúc đầu quốc vương không biết được. Viên tướng do Càn Long sai tới để dẹp loạn, nhận được lệnh phải mang cho bằng được Công chúa Hương Phi về Trung Hoa cho nhà vua. Ngay sau khi ám sát Tiểu Hojas, quốc vương Badakshan nhận được lệnh phải nộp Hương Phi. Quốc vương Badakshan không có một lựa chọn nào khác hơn là phải vâng lệnh, và vô cùng tiếc rẻ khi phải viết bản phúc thư trả lời sau đây:
“Hương Phi là người đàn bà Hồi giáo đẹp nhất. Chiếm được nàng không phải dễ, nhưng bỏ bông hoa thơm tho ấy còn khó hơn nữa. Tôi xin đổi nàng lấy mười cặp nhẫn bạch ngọc của tỉnh Hồ Nam.”