Giới Thiệu Hoa Tam Giác Mạch
Một nỗi buồn nho nhỏ lửng lơ trong không trung, một chút vấn vương bay theo gió, một chút nhớ thương hoà trong nắng, một chút tình trải dài với núi sông,… Trong làn khói bếp mờ bay, lòng người da diết nhớ, tìm hơi ấm, tìm lời ru, tìm cảm giác thân quen, tìm con đường đi về,… Và hình như càng tìm càng thấy lạ, càng thấy vắng, càng thấy lẻ loi, càng cô đơn và buồn!
Chiều.
Xóm núi hơi kém nắng, chỉ đủ đọng lại thành vệt óng lên như dải lụa nhuộm sáp ong, vương vào mái nhà, vương vào rặng cây, vương vào vạt nương đang trổ cờ trắng xoá.
Chiều.
Mẹ lảy cái bắp non, sữa ngô ứa ra bàn tay…
Mùi thơm bay ra ngào ngạt nơi đầu ngõ, từng chiếc bánh ngô xinh xắn bọc trong tàu lá chuối, vàng ngầy ngậy, ngọt lịm nơi đầu lưỡi…
Dáng mẹ bé nhỏ ẩn hiện giữa rừng ngô, hôm thì hứng nắng, hôm thì hứng mưa,… Mẹ về nhà, bóng chiều ùa về, con đường nghiêng nắng còn hằn in dấu chân mẹ!
Chiều.
Chị đi lấy chồng, trong câu chuyện bà kể, nước mắt tiễn chân đi. Con đường chị bước, một bên là con đường yêu, con đường thương, có người mong nhớ; một bên là con đường gả bán, con đường gán nợ, con đường khổ ải, con đường trần ai. Chị giận người mối, chị giận người mai, chị giận ông trời đã se sai duyên thắm, đưa chị đến con đường lầm, đưa chị vào con đường tối, dẫn lối chị xuống vực sâu… Chị đi lấy chồng trên con đường dát nắng mà trong lòng tầm tã mưa rơi.
Chiều.
Bố đi nương về, mồ hôi ướt áo, ướt cả bó cỏ bố gùi trên lưng cho con bò có cái ăn buổi tối.
Và đấy, khói bếp lam chiều gieo trên mái nhà, gieo vào hàng cây bên bờ suối, gieo vào núi, gieo vào mây, gieo vào lòng người miền thương nhớ, và tự nhiên trong sâu thẳm tâm hồn đưa ta về với hương thơm đồng nội, với những ký ức ngọt ngào, với nét duyên quê đằm thắm, với làn hơi cơm mới gọi mời…
Chiều.
Nơi xa xôi nào đó, nơi cõi lòng mơ ước, nơi chốn thần tiên, trong câu chuyện bà kể, người với người chan hoà thân thiện, cuộc sống luôn vui tươi đầy ắp tiếng cười…
Và ta, đang mơ khi ngắm chiều, ngắm chiều mà như mơ, để rồi bất chợt nhận ra cái màu hồng tươi đỏ ấy ẩn chứa một điều gì đó khác lắm, lạ lắm so với những cái vẫn gặp hàng ngày.
Khi ráng chiều dần tắt, ở nơi tít tắp xa kia chợt ánh lên một tia sáng rất nhỏ, rất nhỏ, rất nhỏ thôi, làm thế giới quanh ta trở nên mờ mờ ảo ảo, một không gian như thơ như mộng cho ta tưởng nhiều hơn, thấy ít đi…
Và cứ thế, chiều vẫn cứ là chiều mà ta ngắm hoài không chán!
Mí Chứ đã không nén nổi nỗi lòng trào dâng niềm thèm khát được thấy buổi chiều rơi nơi sườn núi nhô lên như bờ vai con trâu mộng, nơi sóng đá vỗ thì thùm vào gió, vào nắng, vào bìa rừng xanh xanh…
Bước chân Mí Chứ đã khựng lại khi gặp mùi hương thơm nồng của hoa tam giác mạch thoảng bay. Những đoá hoa li ti mong manh, nếu đứng một mình gió có thổi thì hãy nhè nhẹ hơn một chút, đừng mạnh quá như thế, chỉ hiu hiu thôi kẻo nát cánh hoa.
Đứng trước đoá hoa Mí Chứ có cảm tưởng như đó là báu vật của trần gian, là những gì tượng trưng cho sự mềm mại, là hình mẫu của sự mỏng manh, là chân lý của sự sống… – điều này là của riêng Mí Chứ!
Vậy mà, ngay phía trước kia thôi có cả một rừng hoa kéo dài đến tận chân núi, triệu triệu bông hoa tam giác mạch đan cài với nhau, trắng, hồng, đỏ, tím cùng khoe sắc làm ngợp con mắt nhìn. Nắng, gió và hoa đang đùa vui, chúng hò hét đuổi nhau làm rạp cả cỏ cây gần đó.
Bà kể nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng, chiều đã buông dài nơi rừng cây mà vẫn chưa thấy ai nhóm bếp. Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.