Giới Thiệu Hoa Hậu Bồ Đào
Tới trước cửa nhà thương Thuốc Chó ở đường Bát-Tơ, thầy bảy Nam ngừng xe lại như thường lệ cho thầy tư Trung xuống để đi bộ, rồi thầy mới quẹo xe vào ngõ hẻm nhà thầy.
Thầy tư Trung vừa toan mở cửa xe thì thầy bảy Nam nói:
– Mà thôi, để tôi đưa thầy luôn tới đằng ấy.
– Cám ơn, nhưng mỏa sợ mắc công toa, thầy tư Trung phản đối lấy lệ nhưng trong bụng thích lắm.
– Đi chơi một vòng với anh, mất công mất linh gì đâu…
Sẵn xe còn rồ máy, chủ xe sang số rồi chạy.
Thầy tư Trung lấy làm kỳ cho lòng tử tế của thầy bảy Nam hôm nay lắm. Cho xe đi cọp một đỗi dài mỗi ngày đã là tốt bụng rồi, thế mà chiều nay còn đưa về tận nhà thì khó hiểu lắm.
Đành rằng hôm nay là ngày lương, phần đông công tư chức nho nhỏ đều vui vì mua sắm được chút ít cho vợ con, nhưng thầy bảy Nam lại là thủ quỹ của hãng mà họ làm việc chung, lương cao, thì ngày lương không phải là ngày quan trọng lắm đối với thầy mà thầy vui rộn trong lòng, tử tế thêm với bạn đồng sở.
Xe quẹo qua mặt, vào đường Nguyễn-Đình-Chiểu rồi quẹo trái vào Huỳnh-Tịnh-Của. Thầy tư Trung băn khoăn mãi cho đến khi xe chạy tới ngoài sau trường học mới tìm ra duyên cớ tốt bụng của bạn nên vụt cười khan lên: khi trưa, có một cô tuyệt đẹp đến thăm thầy thủ quỹ và thầy ta đã khoe với anh em cùng sở là đời thầy ta lên hương.
– Anh cười gì?
– Mỏa nhớ ra hôm nay toa lên hương.
– Lên hương, lại lên hương nữa. Tháng nầy ông chủ tăng thêm cho tôi năm trăm đồng.
– Toa thật là đẻ bọc điều.
Xe đã chạy mút con đường Huỳnh-Tịnh-Của. Nhà thầy tư Trung ở con xóm Cù-Lao, đường Yên-Đổ, bên kia đầu đường Huỳnh-Tịnh-Của nầy. Thầy cứ băng bộ qua đường Yên Đổ rồi vào ngõ hẻm của xóm, chớ xe hơi đâu có vào ngõ đó được, thế mà thầy nài nĩ:
– Toa chạy luôn qua bển đi.
– Xe vào ngõ sao được, ngõ anh đổ dốc quá.
Thầy Nam chắc lưỡi lắc đầu rồi chiều bụng người bạn vong niên của thầy.
Nơi đầu ngõ có đặt một phong-tên công cộng, người trong xóm ra đó gánh nước đông nghẹt, nên thầy Trung định le với xóm giềng là mình đi làm về bằng xe nhà, mặc dầu chỉ là đi xe cọp.
Đường Yên-Đỗ mép bên kia, đất nghiêng triền đổ xuống rạch Cầu Kiệu, nên những ngõ hẻm đưa vào các xóm bên đó như là xóm Bến Ngựa, xóm Cù Lao, v.v… đều đổ dốc.
Ngõ hẻm trải đá đỏ lâu đời bị nước mưa chảy xiết mài lõm nhiều nơi nên gập ghềnh rất khó đi. Thầy Trung mang giày bố đế xẹp bằng cao su thế mà đã sụp nhiều lần muốn trẹo giò, và mấy gói quà mua cho vợ con, cột bằng dây lát, đứt dây rơi rớt xuống đất nhiều phen.
Bấy giờ đã đỏ đèn. Thầy đi rất xa, qua không biết bao nhiêu căn nhà hẹp mới vào đến ngã ba bên trong và quẹo qua tay trái. Thầy lại đi thật xa nữa, qua không biết bao nhiêu nhà hẹp mới đến chiếc cầu ván đưa vào nhà thầy.
Rạch Cầu Kiệu chảy đến đó thì giữa rạch mọc lên một cù lao. Trong vòng mười mấy năm nay, sau ngày biến động, nông dân bỏ làng lên thủ đô rất đông. Họ đã lấn mặt nước, tha từng mảng bùn lấp cái ngạch con ngăn đất liền và cù lao để lấy chỗ ở.
Nhà thầy Trung là nhà sàn ở mãi ngoài vàm lạch, chưa ai lấp, nên phải qua cầu.
Cầu ván hình lưng lừa như các cây cầu miệt Bình Nhâm, Lái Thiêu, thầy Trung đi tới đầu cầu bên nây thì thấy chiếc đèn măng-xông nhà thầy, treo trên trần mà là như đặt nằm ở trên mô cầu.
Thầy mới bước tới giữa lưng chừng cầu thì từ trong nhà, một đạo binh trẻ con túa ra.