Giới Thiệu Hành trình tìm lại cội nguồn
Đầu năm 2005, khi may mắn có được những tư liệu mới nhất về con đường phương nam của người hiện đại tới Việt Nam, tôi viết chuyên luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguồn văn hóa”, công bố trên mạng.
Sau đó, được sự cổ vũ của bạn bè, tôi tìm thêm tài liệu, triển khai bài viết thành cuốn sách Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt.
Bản thảo hoàn thành giữa năm 2005, tôi mang tới một nhà xuất bản lớn. Bạn bè tôi ở đây vui mừng thực sự và giúp tôi chỉnh sửa những gì cần thiết rồi cho vẽ bìa, làm bản nhũ để cuốn sách sớm ra đời. Nhưng rồi nó được đưa về giam tại Hà Nội, cùng lời giải thích: “Tổng biên tập mới hưu trí, chưa có người giám định cuốn sách này.” Hơn năm trời trôi qua uổng phí !
Không còn cách nào khác, tôi mang tới chi nhánh phía nam của Nhà xuất bản Văn học. Đọc xong, nhà văn Triệu Xuân nói : “Những vấn đề bác nêu ra quá mới, nó cũng không phải lĩnh vực chuyên môn của tôi. Nhưng tin vào cái lý, cái thiện trong sách của bác, tôi đồng ý cho in. Sẽ có ý kiến trái ngược. Vì vậy, tôi phải viết lời giới thiệu để chuẩn bị dư luận.” Lời giới thiệu không chỉ thuyết phục mà còn thể hiện trách nhiệm cao của người biên tập muốn cho tác phẩm giá trị được ra đời.
Trong đêm vắng, đọc đến dòng cuối cùng bản “can”, tôi rời khỏi bàn viết, bước mấy bước trong phòng. Cuốn sách chưa thực ưng ý, tôi tự nhủ. Nhưng không phải sách dở mà vì thời gian qua tôi đã trưởng thành, đã vượt xa, đã đứng cao hơn những gì tôi thể hiện trong đó.
Mọi sửa chữa lúc này là bất khả.
Chỉ có thể bắt đầu một cuốn mới.
Hôm nay cuốn sách đó đã trên tay bạn: Hành trình tìm lại cội nguồn.
Nó đem tới bạn những tri thức mới nhất và đáng tin cậy về cội nguồn dân tộc, về văn hóa Việt: Đọc lại truyện Hùng Vương trong ánh sáng mới của khoa học – Xác lập cơ sở khoa học cho học thuyết Kim Định – Phương pháp luận mới nghiên cứu tiền sử người Việt – Về nguồn gốc người Hán và sự hình thành nước Tàu – Viết lại lịch sử hình thành kinh Dịch – Truy tìm gốc tích cây kê – Tổ tiên người châu Âu là ai? – Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại…
Bằng những tiểu luận, những bài viết đối thoại với tác giả khác, tôi trình bày về cội nguồn và văn hóa Việt theo bút pháp khoa học nghiêm túc, với những lập luận chặt chẽ, những chứng cứ vững chắc. Cuốn sách thể hiện cái nhìn hoàn toàn mới về lịch sử văn hóa Á Đông. Đó chính là kết tinh của tri thức nhân loại do toàn cầu hóa đem lại.
Là người đã đọc “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” hẳn bạn sẽ thấy, nếu đó là phác thảo, là mô hình thì đây là bức tượng đài hoành tráng biểu trưng cho cội nguồn và văn hóa của người Việt.
Không chỉ chiêm ngưỡng với lòng tự hào mà chúng ta còn nhận được từ đó sức mạnh tinh thần và tâm linh lớn lao trong sự nghiệp đưa dân tộc đi lên.
Với tình thân ái, tôi trao nó cho bạn.
Sài Gòn, cuối năm Đinh Hợi
Hà Văn Thùy