Giới Thiệu Hà Nội Trong Mắt Tôi
Hà Nội, trái tim của cả nước luôn là đề tài được nhiều nhà văn, nghệ sĩ quan tâm khai thác. Với Nguyễn Khải cũng vậy, ông sinh ra ở Hà Nội nên có sự gắn bó và hiểu sâu hơn về Hà Nội, điều này thể hiện rõ trong những tác phẩm của ông. Bằng giọng văn trần thuật nhưng Nguyễn Khải đã lôi cuốn được bao nhiêu thế hệ độc giả đến với Hà Nội, đến với tác phẩm của mình.
“Hà Nội trong mắt tôi” là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Khải. Trong đó có nhiều truyện tiêu biểu như: Nếp nhà, Đất kinh kỳ, Một người ở Hà Nội, Đã từng có ngày vui, Một mẹ chồng tuyệt vời, Một chiều mùa đông…
Mỗi lần ra Hà Nội việc đầu tiên là tôi phải tới thăm bà cô tôi. Chẳng có quà cáp gì cả, đến tay không, nhưng vẫn cứ phải đến. Vì bà là cái túi khôn của tôi mà. Năm nay các con bà sẽ làm lễ mừng thọ mẹ tám mươi tuổi. Các cụ nói: Năm mươi tuổi hiểu được mệnh trời. Người tám mươi tuổi lại vẫn minh mẫn, khôn ngoan, không chừng hiểu được cả then máy của Tạo hóa. Nói chuyện với bà tôi vẫn trờn trợn như ngày nào được hầu chuyện cụ Nguyễn. Nghĩa là vẫn phải uốn lưỡi trước khi hỏi, trước khi trả lời. Một ngôi nhà đẹp, một cửa hàng tuyệt vời ngay giữa một đại lộ trung tâm trông thẳng ra hồ Hoàn Kiếm mà chỉ bày bán lèo tèo mấy mặt hàng sơn mài, tượng gỗ thì uổng quá, coi khinh thiên hạ quá. Bà cụ cười: “Anh đã bắt đầu có con mắt thương mại rồi đấy nhỉ?”. Con mắt thương mại thì chả dám nhưng với con mắt của người bây giờ thì ngôi nhà, nói cho chính xác hơn là miếng đất, của bà cô tôi cũng phải đáng giá một triệu…, tất nhiên là triệu đô. Cũng chả phải do mình đặt giá mà là đại diện các công ty nước ngoài tới trả giá. Ngày nào cũng có vài nhóm người tới hỏi nhưng bà cụ chỉ nhã nhặn trả lời: “Tôi không có ý định bán hoặc cho thuê cái nhà này”. Cho thuê cũng nhiều tiền lắm. Đã có người hỏi thuê chỉ mấy chục mét vuông của gian ngoài thôi, mỗi tháng trả năm ngàn đô, trên mười cây vàng. Vẫn là không, không bán mà cũng không cho thuê. Tại sao cụ lại gàn thế? Vì các em anh không muốn thế, cho đến hôm nay chúng nói vẫn đi làm cho nhà nước, không buôn bán gì cả, không mánh mung gì cả. Lương tiêu không đủ thì tôi bù. Bán các mặt hàng vớ vẩn như anh nói nhưng mỗi tháng cũng kiếm được khoảng trên dưới dăm triệu. Này, dăm triệu không phải là ít đâu anh nhá! Theo tôi được biết từ trẻ đến già cô tôi sống theo một số nguyên tắc, thời thế có thể thay đổi nhưng cách sống của bà dứt khoát không thay đổi. Đó là: sống thẳng thắn, sống lương thiện và sống theo pháp luật hiện hành. Những năm Pháp tạm chiếm Hà Nội, chú tôi vẫn mở trường dạy học tư như thời trước, còn cô tôi ấn hành sách giáo khoa cấp tiểu học do chú tôi soạn. Có một tác giả đưa tập thơ “Đồi thông hai mộ” bán cho bà. In tập thơ đó chắc chắn sẽ thu lãi nhiều, bà biết thế nhưng vẫn từ chối.
Vì nhà xuất bản Nguyễn Du do bà chủ trương chỉ in có sách giáo khoa, đúng như trong giấy phép. Năm 56, cán bộ thuế tới kiểm tra kho giấy của bà để đánh thuế tồn kho, khoảng hai chục triệu. Chú tôi tính vốn nhát, vui vẻ bằng lòng ngay. Cho đỡ phiền. Nhưng bà vợ không chịu vì giấy in sách giáo khoa xưa nay không phải đóng thuế. Đã được miễn thuế thì làm gì có thuế tồn kho. Bà bướng bỉnh đến nguy hiểm, ai cũng sợ nhưng bà vẫn thản nhiên: “Lý của mình đúng, việc gì phải sợ”. Quả nhiên bà đúng thật. Bà luôn luôn đúng vì bà rất tỉnh táo trong mọi mối quan hệ, chỉ nhận những gì đáng có, có quyền được có, tuyệt đối không để bị dụ hoặc về tiền bạc cũng như về tình cảm. Một cái đầu hơi lạnh, lắm lúc tôi đã nghĩ về bà như thế. Nói cho ngay, nếu không có cái đầu lạnh làm sao bà giữ nổi một ngôi nhà quá ngon lành, quá quyến rũ trong bấy nhiêu năm, không gặp một chuyện rắc rối nào. Cho đến bây giờ đã sang tuổi tám mươi bà vẫn biết từ chối những đồng tiền rất hợp pháp ắt hẳn phải có một tính toán khôn ngoan nào đó. Cái khôn ngoan cao siêu chứ không phải là khôn vặt.