Giới Thiệu Giăng lưới bắt chim
Giăng lưới bắt chim khoắng vào những ô nhiễm trong “thế giới tư tưởng” của người lớn và Tuổi hai mươi yêu dấu trình bày hệ quả tác quái của các chế độ xập xí xập ngầu.
Giăng lưới bắt chim là một tập tiểu luận, tạp văn, phê bình như thế. Bốn bài đầu, viết trong khoảng từ 89 đến 92, thường gọi là thời kỳ cuối cởi trói. Sau đó Nguyễn Huy Thiệp ngừng luôn tám năm, đến 2000, mới viết lại những bài nho nhỏ, ký bút hiệu Dương Thị Nhã, đăng trên các báo ngoại vi, rồi đến gần đây, vẫn theo lời giới thiệu của Đỗ Hồng Hạnh, người sưu tầm, thì Nguyễn Huy Thiệp mới lại ký tên thật và bắt đầu dè dặt giới thiệu một số người như Đồng Đức Bốn, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, v.v…
Điểm đầu tiên có thể gây thích thú hay ác cảm là cái giọng viết như chơi, như đùa, vậy mà làm chơi ăn thật. Ai muốn lên tiếng phê phán hay tưởng thưởng một cuốn sách như vầy là mắc nỡm ngay. Nhưng chơi không phải chuyện đùa, chỉ những Tú Xương, Tản Đà… mới dám chơi và chơi ngông. Nguyễn Huy Thiệp cũng ngông. Cái ngông của Thiệp ở đây là đã đem tất cả những thứ mà người ta thường làm một cách trịnh trọng -người ta ở đây là các nhà lý luận phê bình- họ phô đầy những phương pháp, chủ nghĩa, trường phái ra để lý giải điều nọ thuyết kia, nhưng lại làm bằng những chữ chết, còn Thiệp với những con chữ tươi rói như mẻ cá vừa đánh dưới ao, tôm tép vừa hớt ngoài đồng, chúng là những chữ sống, chữ động, chữ cười, chúng bẻm mép với bạn, chúng luận đùa, lý phiếm những vấn đề nghiêm chỉnh.
Làm cho người cười đã không dễ. Cười thâm thúy lại càng chẳng dễ tí nào. Người Việt Nam, theo Nguyễn Văn Vĩnh, gì cũng cười. Nhưng cái cười mà ông Vĩnh nói đến, hình như, nếu không phải cười ruồi thì cũng là cười trừ, cười vô duyên, rất nhạt, ít “tư tưởng”. Có thể vì ta có ít tác giả trào phúng lớn, hay vì ta không biết cười cho hay, hoặc cả hai. Rồi có một dạo cười trở thành tabou, người ta cấm cười: Vũ Trọng Phụng bị coi là kẻ phản động mãi trong nhiều thập niên sau mới được phục hồi, rồi vinh thăng.
Ở Nguyễn Huy Thiệp là cái cười tủm tỉm, có khi cả năm phút sau nghĩ ra mới cười, đôi khi cười ra nước mắt, cũng có lúc thì cười khì, nhưng không bao giờ cười nhạt, cười chay. Những người không thích cười chớ đọc Thiệp.
Lấy ví dụ như “thân phận nhà văn”, thứ chủ đề thường được khêu ra, gợi đến một cách vừa trân trọng vừa thương xót, đôi khi với rất nhiều nước mắt (cá sấu), thì Thiệp đem đào bới xới lộn, lật tùng phèo nó lên, có lúc không ngại “cập nhật hoá” ca dao, cho “hội nhập với đời sống mới: “Ra đường võng giá nghêng ngang, về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày? Cám rang tôi để cối xay. Hễ chó ăn chết thì mày với ông”. Thử hỏi có cách diễn đạt nào “thi vị” và có “hồn dân tộc” hơn về “thân phận ngựa xe” tấp nập của đám sĩ phu đương thời như thế?
Khi đem chữ nghĩa bác học để cạnh ngôn ngữ nông dân thuần túy, đôi khi họ nói rất tục, mới thấy cái duyên của những con chữ cởi trần, và sự thiếu mắm muối của những cô chiêu cậu ấm chữ con các đồng liêu trong triều. Nguyễn Huy Thiệp chọn lối chữ trần, lối nói nông dân, cách viết nông dân, cách luận nông dân… Cả cách viết truyện ngắn của Thiệp cũng xẩy ra theo diệïn nông dân như thế, nghĩa là chỉ biết “kể”, toàn diện nông dân, nghĩa là hà tiện chữ, ít chữ, khiến cho nhiều người phải chép miệng chê Thiệp ít học. Nói như Thiệp, từ ít chữ đến ít học ranh giới chỉ là cái tặc lưỡi.
Nhưng đó là một lựa chọn có “ý thức”, có “cơ sở”: Mẹ tôi là nông dân. Theo thuật ngữ phê bình bác học thì Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra một “chủ nghĩa nông dân” trong nền văn học đương thời. Tại sao, ta có thể dám chắc như vậy? Trước hết là tại cái nhan đề cạm bẫy “Giăng lưới bắt chim“. Đọc xong bạn sẽ ngơ ngẩn hỏi: hắn muốn bắt ai kìa? Hỏi như vậy mắc nỡm rồi, chỉ có dân nhà quê mới ngu như vậy, hay nói cho đúng: hỏi như vậy là “tỉnh” quá rồi, chỉ có Việt kiều hay dân thành phố mới hỏi vậy, người nhà quê, chẳng ai hỏi thế bởi đọc Thiệp là họ hiểu ngay, đấy là cuộc đời chén tái, là bản lai diện mục của họ.Ví dụ Thiệp kể: “Hồi bé tôi rất hãi hùng truyện cô Tấm lấy xác cô Cám làm mắm để gửi cho dì ghẻ ăn, đến khi ăn đến đầu lâu mới biết là con gái mình. Tôi cũng rất hãi sợ một gã chôn sống mẹ mình vì bà đứng ra nhận tội cho con dâu khi sàng gạo đã đánh chết con gà chọi yêu dấu của gã, truyện này có tên là “Đứa con trời đánh”. Kho tàng truyện cổ ở ta đầy rẫy những thằng ngốc, thằng khù khờ nhưng rút cục đều “ăn nên làm ra”, những anh hùng thì bị chém cổ mà phụ nữ thì đức hạnh tuyệt vời” Đố bạn biết Thiệp nói ai? Nếu không phải là nông dân, bạn cứ việc mày mò tìm kiếm, chứ người nhà quê họ thấy từ khuya rồi: từ đầu đến cuối, tất tật đều đã nhỡn tiền, tất tật đều đã xẩy ra trong đời sống nông thôn, từ chuyện đầu lâu, chôn sống, đến thằng ngốc, thằng khờ, đứa con trời đánh… không một khúc, một đoạn nào, trong lời kể nôm na này mà người dân quê đã không sống qua, không có kinh nghiệm tử sinh trong gia đình, trong dòng họ.
Cứ như thế, Nguyễn Huy Thiệp có thể đi từ hạt cát, cọng rơm, cọng cỏ… để phát triển ra con chó sói, con cáo già, con khủng long, con quái vật ở Hắc Hồ… nói rõ hơn, Thiệp có thể xuất hành từ nhà “lão nhà giầu nứt đố đổ vách, lớ quớ ra sông ngã xuống sông chết đuối”, để luận sang sự lớn lao hay ti tiện của nhà văn, nhà chính trị, để bàn đến sự chính danh, sự chính và bất chính, và cuối cùng đi đến kết luận “chính tà đều chẳng thiết, thanh tịnh đến vô cùng”.
Cách viết tiểu luận của Nguyễn Huy Thiệp có ngông, nghĩa là đôi khi nói toẹt ra những điều mà nhiều người có chút nhân phẩm, tự trọng đều muốn nói, nhưng nhát, chỉ dám rỉ tai thì thầm to nhỏ với nhau, hoặc chẳng dám thì thầm với ai cả, chỉ lâm râm cắn rứt bụng mình. Dùng lối trực luận, pha mật đắng, Nguyễn Huy Thiệp, đi từ bình văn bình thơ, sang số phận nhà văn nhà thơ, sang tư cách và phong cách của họ, sang mối tương quan giữa chính trị và văn học, sang tính chất song song giữa nhà văn, nhà chính trị, giữa sự bất chính trong văn chương và sự bất chính trong chính trị. Nhà văn nằm giữa cửa ải trống rỗng mênh mông của tờ giấy trắng và sức ép của bốn trùm băng đảng Mafia: dục vọng, quyền lực, tiền bạc và tôn giáo.