Giới Thiệu Đời Tươi Thắm
Một hôm, anh Thẩm Thệ Hà đến chơi, đưa cho tôi bản thảo quyển “ĐỜI TƯƠI THẮM” và nói:
– Anh xem thử và nhớ cho giùm vài lời phê bình nghiêm khắc. Tôi cầm tập bản thảo hỏi anh:
– Gần đây đọc mục “Tin văn nghệ” ở vài tờ báo, thấy loan tin anh đang viết quyển “lý thuyết Văn nghệ”. Có phải đây là tác phẩm biểu dương lý thuyết mới của anh không?
– Không, quyển nầy đã viết xong cách đây hơn ba năm và đã đăng một đoạn dài ở tuần báo “Văn nghệ” do một người bạn chủ trương. Khi truyện còn đăng ở tuần báo “Văn nghệ” vài nhà soạn sách giáo khoa đã có nhã ý trích vài đoạn văn làm bài Tập đọc cho học sinh trong bộ “Quốc văn toàn thư”. Và mới đây, ở kỳ thi tú tài Pháp phần thứ nhất tại Rennes, người ta cũng có trích một đoạn văn làm đề thi dịch văn cho thí sinh môn sinh ngữ 1. Đó là một điều khích lệ vô cùng cho nhà văn, khi mà tác phẩm mình chưa được in thành sách. Nay tôi sửa chữa lại định cho xuất bản quyển nầy chỉ là một tiểu thuyết luận đề như vài truyện trước của tôi. Anh thử xem luận đề tôi trình bày có hợp với quan niệm của anh không? Về lý thuyết văn nghệ mới của tôi, tôi đang sáng tác một truyện khác, sẽ cho xuất bản sau quyển nầy.
Đến đây anh Thẩm Thệ Hà bắt tay tôi thân mật, hẹn tôi khi đọc xong, sẽ có một cuộc thanh đàm văn nghệ khác để xác định lập trường của anh.
Đêm hôm ấy, dưới bóng hoa đèn tôi đã chăm chú đọc hết tác phẩm của anh. Tôi đã đọc say mê hấp dẫn bởi nguồn tư tưởng triền miên biểu hiện qua động tác nhân vật. Đọc xong tác phẩm, tôi cảm thấy một nguồn vui dạt dào như xâm chiếm cả tâm hồn. Có lẽ tôi đã bị chi phối bởi tâm tình của nhân vật, bởi cuộc đời tươi thắm đang lên hương.
Quả như lời anh lời anh Hà nói:
– “ĐỜI TƯƠI THẮM” là một tiểu thuyết luận đề. Cái luận đề anh đưa ra không mới mẻ gì: “Ái tình và Tôn giáo” hay nói rộng ra “Đời và Đạo”. Nhiều nhà văn đã đề cập vấn đề nầy rồi: Khái Hưng với quyển “HỒN BƯỚM MƠ TIÊN”, Nguyễn Tuân với quyển “CHÙA ĐÀN”. Khơi lại một vấn đề cũ, anh Thẩm Thệ Hà cố ý phủ nhận cách giải quyết vấn đề mà anh cho là không tưởng của những nhà văn trên. Anh cho Khái Hưng “giải quyết vấn đề một cách lơ lửng, phản tâm lý và phản tôn giáo”. Về Nguyễn Tuân, anh không đá động đến. Nhưng đối chiếu cách giải quyết vấn đề của Nguyễn Tuân và của anh, ta thấy Nguyễn Tuân giải quyết một cách quá trừu tượng, còn anh, anh giải quyết một cách thực tế, căn cứ vào tâm lý nhân vật và bối cảnh lịch sử. Cô Tơ của Nguyễn Tuân kết cuộc vẫn là Sư Thầy Tuệ Không còn Thúy của Thẩm Thệ Hà thì từ một Thúy lãng mạn bi quan, đã trở nên một Thúy lành mạnh, yêu đời.
Cái khác nhau giữa những tác phẩm trên là thay vì lồng sự kiện vào cửa thiền như Khái Hưng, Nguyễn Tuân và như bao nhiêu nhà văn phương Đông khác từ xưa đến nay, Thẩm Thệ Hà đã lồng nó dưới mái giáo đường để tìm ở đó những làn không khí mới mẻ. Phần khác, anh đã mượn một phần lớn ngoại cảnh để cảnh giác tâm hồn, chớ không giải quyết thuần bằng tình cảm như Khái Hưng. Do đó mà anh phải mượn một bối cảnh lịch sử đặc biệt, lúc toàn dân Việt Nam nổi dậy chống ách thực dân , để những sự kiện xảy ra đều gần với thực tế và tâm lý nhân vật cũng biến chuyển một cách hợp lý, theo đúng trật tự thời gian và không gian.
Có một điều tôi chưa thỏa mãn là càch bố cục của anh không cân đối và Thúy nhân vật chánh, hoạt động theo đà tình cảm của mình nhiều quá, cho nên không có một phản ứng tích cực đối với lý tưởng mà nàng phụng sự.
Vài hôm sau gặp lại tác giả “ĐỜI TƯƠI THẮM”, tôi thành thật nêu lên những nhận xét. Anh Hà cười đáp:
– Tôi, không muốn bố cục một cách quá cổ điển như những tác phẩm xưa nay. Vả lại, trong truyện nầy, động tác tâm lý là chánh mà bối cảnh lịch sử chỉ là phụ, mặc dù cái phụ cần thiết. Tôi muốn làm nổi bật cái dụng ý ấy. Về động tác tâm lý của Thúy, tôi cho nàng hoạt động theo đà tình cảm là phải vừa hợp với cái tuổi của nàng, vừa hợp với tâm hồn lãng mạn của nàng. Diễn tả trái lại, e nó không xác thực và vì đó động tác tâm lý sẽ có tính cách giả tạo chăng.