Giới Thiệu Diệu Lực Sâu Thẳm Của Doanh Nhân
I – DIỆU LỰC SÂU THẲM – MẦM SỨC MẠNH TUYỆT HẢO CỦA DOANH NHÂN
“Bên dưới sự điều hành của anh, anh phải có một cái nhìn anh không phải là giám đốc. Anh ở trong cương vị giám đốc mà không có ý tưởng mình là giám đốc, không say đắm trong vị trí ấy thì cái thấy ấy lại tạo cho anh một cảm xúc. Cảm xúc đó gọi là cảm xúc tự do. Chính cảm xúc tự do này tạo ra một sức mạnh thật cho vị trí giám đốc, cho công việc của một vị giám đốc. Cảm xúc tự do này chính là một năng lượng vô giá tạo cho cương vị giám đốc một sức mạnh đặc biệt.”
Vượt qua những khái niệm ràng buộc sự tự do trong đầu óc của doanh nhân.
Sẵn sàng đương đầu với sóng gió.
Đi ngược như thế nào để đầu óc luôn tự do?
Thế nào là cạnh tranh lành mạnh?
Lắng nghe không phản ứng.
Phối hợp hai luồng lực diệu kỳ: Diệu Lực Thông Minh Sâu Thẳm và Kinh nghiệm lực.
Sự tai hại của mê tín dị đoan và sức mạnh của thực tế.
Vượt qua những khái niệm ràng buộc sự tự do trong đầu óc của doanh nhân
Hôm nay chia sẻ với các doanh nhân trong gia đình Minh Triết – là các Hiền giả đang thực hành Phương pháp Duy Tuệ, tôi mượn hai ý trong Phật giáo, đó là hai khái niệm trong Kinh Duy Ma Cật để chia sẻ với quý vị, nhằm mục đích giúp cho quý vị phát triển khả năng nhìn thấy giải thoát, phát triển cách ứng xử giải thoát và phát triển những hành động trong cuộc sống bình thường nhưng mang tính chất đầu óc tự do với lòng chấp, hay tự do với những khái niệm trong cuộc sống của thế gian để quý vị có một cuộc sống thoải mái trong tinh thần, trong đầu óc mà không xa lìa tất cả mọi hoạt động của thế gian. Đặc biệt là những người đang đóng vai trò doanh nhân, quý vị sẽ không còn lấn cấn trong đầu óc giữa quan niệm đạo đức và việc quý vị phải làm, bởi đó là vấn đề kinh doanh đầy phức tạp, cạnh tranh gay gắt, rất căng thẳng trong đầu óc.
Đất nước chúng ta hơn hai ngàn năm chịu ảnh hưởng rất lớn về văn hóa Phật giáo. Dù quý vị có tôn giáo hay không có tôn giáo, dù theo Phật giáo hay là tín đồ của các tôn giáo khác thì việc người Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Phật giáo suốt trong hơn hai nghìn năm qua, sự ảnh hưởng ấy đã biến thành văn hóa ứng xử trong cuộc sống của hầu hết người Việt Nam. Khó mà tránh khỏi được!
Đó là lý do chính mà tôi mượn tạm một số khái niệm ở trong kinh sách Phật giáo để chia sẻ cùng với quý vị. Làm sao để quý vị thật dễ hiểu lời tôi chia sẻ, cũng như thấy được tình trạng làm việc của đầu óc chúng ta đã bị ảnh hưởng các nền văn hóa, các tôn giáo như thế nào. Trong đó, chủ yếu là nền văn hóa Phật giáo – đã chi phối suy nghĩ, chi phối cảm xúc, chi phối quan niệm sống của chúng ta, làm cho chúng ta ngập ngừng giữa một bên là cần phải sống, phải chiến đấu, phải cạnh tranh gay gắt để tồn tại với một bên là ảnh hưởng văn hóa tôn giáo về quan niệm đạo đức. Thật không dễ dàng!
Cũng như nhiều vị đọc sách của Khổng Tử, Lão Tử, thiền học… quý vị đọc rất nhiều, nghiên cứu rất nhiều, và ít nhiều đều bị ảnh hưởng bởi các khái niệm trong các cuốn sách đó. Tuy nhiên, quý vị không biết xử lý tình trạng tinh thần của mình như thế nào để nó đúng, nó phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống và những điều mình đã nghiên cứu học tập.
Hầu hết người Việt Nam có một tinh thần rất đặc biệt là đề cao đạo lý làm người. Dân tộc Việt Nam có một điểm rất tốt ở chỗ đó. Chúng ta đề cao đạo lý làm người nên buộc phải nghiên cứu rất nhiều trong các tôn giáo. Dựa vào đó, chúng ta mong muốn tìm kiếm một con đường tốt nhất để phát triển đạo lý làm người. Thế nhưng, đến nay chúng ta vẫn chưa thỏa mãn đạo lý làm người mà ông bà mình đã đúc kết, phổ biến cho con cháu từ trăm năm này đến trăm năm khác.
Trong khi đó, cuộc sống càng ngày càng gay gắt, càng phức tạp, chẳng những trong nước mà trên toàn thế giới, phức tạp vô cùng. Sự cạnh tranh càng ngày càng gay gắt, sự giành giật ngày càng lớn, điển hình như tình trạng cuộc sống của các loài động vật ở trong rừng, những cánh đồng, cây cối… Cây cối thì cần sống, cỏ cũng cần sống, từng giống từng loài cũng cần sự sống riêng của chúng nhưng khó lòng thoát khỏi được sự chết. Đấy, tình trạng hiện nay là như vậy.
Tôi thu nhỏ lại vấn đề trong một gia đình giữa mẹ chồng với nàng dâu thôi để cho quý vị dễ thấy. Một mặt, mẹ chồng muốn thể hiện mình làm mẹ chồng, mẹ của một người con trai. Nàng dâu cũng muốn thể hiện mình là vợ của một người đàn ông. Chỉ cần hai người này thôi cũng đã xảy ra sự cạnh tranh gay gắt. Người mẹ muốn giành lấy quyền làm mẹ đối với người con trai của mình. Người vợ cũng muốn giành lấy cái quyền làm vợ của người đàn ông ấy. Người nào cũng có quyền, người nào cũng đúng. Nhưng “cái quyền” và sự đúng của mỗi người lại không có điểm nào gặp chung hết. Do đó mà xảy ra sự gay gắt giữa mẹ chồng và nàng dâu. Hôm nào tôi sẽ có một bài nói chuyện riêng cho quý vị về vấn đề tình trạng giữa mẹ chồng và nàng dâu, và cách chúng ta giải quyết tình trạng không có điểm chung giữa mẹ chồng và nàng dâu như thế nào, làm sao để tạo điểm chung. Đây cũng là vấn đề không đơn giản trong đất nước Việt Nam chúng ta.
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com