Giới Thiệu Diễm Dương Trang
Chẳng biết thằng ranh nầy nó làm gì mãi bây giờ chưa thấy ra?
Người thiếu niên nói ra câu ấy hình như chỉ buột mồm như vậy thôi, chớ không có ý gì trông đợi lắm. Chàng đi chậm rãi từng bước một trên bãi cát trắng tinh, thỉnh thoảng lại cúi mình xuống lấy tay bứt ít bụi cỏ bồng thả cho quay tít theo luồng gió. Chàng ngẩng lên trông theo sẽ nhách miệng cười, cái cười nở nang của con người vô tư lự. Mình vận âu phục theo lối cũ vài năm, chàng trông rong rỏng cao và nét mặt hơi gầy, nhưng vẫn giữ cái khí sắc hồng hào của một trang thanh niên cường tráng.
Trần Hoài Trang, (tên người thiếu niên) lúc bấy giờ cũng vào lối hăm lăm hăm sáu tuổi. Nhưng vẻ mặt chàng mỗi khi không có cái cười hiện ra, ai mới thoạt trông qua sẽ thấy nó nghiêm nghị lạ thường. Hoặc xem kỹ lại, ai đó sẽ thấy tự hồ như có cái sầu sâu xa kín đáo gì nó ẩn trong cặp mắt xanh mơ màng kia, thì có thể đoán ngay rằng chàng ta hẳn đang ôm một mối hận gì đây. Song cái cảm giác đó chỉ thoáng qua trong chớp mắt thôi vì hễ Trang trông thấy ai là cười tươi ngay, thành thử cũng ít ai ngờ chàng có cái tâm sự gì chôn sâu trong trí cả. Bảo rằng đẹp thì cũng không hẳn là đẹp, song mỗi khi chàng kể chuyện, vẻ mặt trung hậu mà hăng hái, giọng nói hơi trầm, ban đầu nhỏ rồi dần lớn lên từ từ thốt ra trên cặp môi đỏ như son, những cái đó đã có cái năng lực làm cho người nghe dễ sinh lòng yêu mến chàng vậy.
Ngày hôm đó đương vào khoảng thượng tuần tháng năm. Cảnh mặt trời chiều đã bày trên bãi bể Mỹ Khê một bức tranh cực kỳ diễm lệ. Dãy núi Trà chạy dọc về phía đông bắc không có điểm một vợn mây nào: mấy trái núi tròn trịa uốn mình vạch một đường lục thẫm giữa lưng trời xanh biếc. Ngũ Hành Sơn, xa xa chỉ còn bé bằng một chồng non bộ. Mấy chiếc thuyền câu chạy ngoài khơi, cánh buồm trắng trông tít mù như một đàn chim âu đùa trên mặt nước. Sóng bể đã dần dần êm, vào đến bờ cũng không có lộn nhào dữ dội nữa.
Bãi bể Mỹ Khê chiều hôm ấy trừ Trang ra không còn có một khách thành phố nào. Vì là ngày các công sở làm việc, ai nấy cũng đều đưa nhau ra tắm trong vịnh cho gần hơn. ở Mỹ Khê chỉ đến chiều thứ bảy và chủ nhật là đông người, mà trong số đó phần nhiều lại là người tây. Cho nên Trang cứ mỗi buổi chiều một mình ra tắm, như vậy đã gần nửa tháng, các người chài lưới họ cũng dần quen mặt.
Chàng thanh niên bấy giờ trong lòng nghe khinh khoái lạ thường, ngả mình ra nằm dài giữa cát, cùi tay chống xuống đất và đầu ngẩng trông ra bể. Tay kia sờ soạng tìm diêm trong túi đốt thuốc hút một hơi dài. Chàng đương nhắm mắt lim dim, miệng thì thầm ít câu kiều lẩy, chợt nghe sau lưng lịch thịch có tiếng người đi. Chàng quay đầu nhìn lại thì ra thằng Cồ là đứa bé con mới theo ở với chàng đã mang thức ăn ra.
Trang tính làm bộ rầy nó một mẻ lấy uy, thằng bé con đã tất tả chạy đến đặt cái nả thức ăn xuống, vừa gạt mồ hôi vừa nói:
– Con chỉ hụt một chuyến đò mà ra trễ, nhưng cũng may là mới năm giờ rưỡi thôi.
– Thằng nầy chỉ chực láo! Mấy giờ sao mầy biết? Trang trong bụng cười thầm lần nầy là lần thứ mấy thằng bé con bướng bỉnh lại kiếm điều định dối mình, chàng liền xắn tay áo đưa đồng hồ lên xem:
– Sáu giờ mười lăm, thôi được, ta cũng còn thì giờ chán.
Thằng Cồ đã lanh lẹ tháo cái nả thức ăn ra, trải một tờ báo xuống đất rồi đặt từng ngăn lên đâu vào đấy:
– Bây giờ cậu có cần dùng gì nữa không, nếu không cậu cho phép con xuống tắm một tí.
– ừ, nhưng mầy khá liệu hồn, chớ ra xa cho sóng kéo bừa bỏ mạng.
Thằng Cồ dạ một cái là vụt chạy bong ra đằng mé bể ngay.
Trang bấy giờ mới lê mình lại soạn thức ăn xem. Trên tấm nhật trình mấy cái ngăn bằng song ngâu sáng choang bày ra mấy cái bánh tây cắt lát, một con bồ câu hầm, vài chiếc bánh ngọt, ít quả cam hoa kỳ với một bình nước chè để gần bên cái chén tống.