Giới Thiệu Đi Tới Cuối Đường
Tất cả những điều tôi đã biết về Tiểu Phụng chỉ là một lý lịch mơ hồ. Mười bảy tuổi, mồ côi cha mẹ, sống với một người nhận là dì, nhưng thật ra chỉ là một bà chủ keo kiệt mà ra vẻ nhân đức. Đây là một trong những lý do tôi đã muốn mang cô ấy đi. Bởi vì tôi tin rằng tôi là một người nhân đức thật sự mà không cần phải chứng minh bất cứ điều gì. Ngay khi nhìn thấy Tiểu Phụng lần đầu và nghe cô ấy nói “Mời ông uống nước cho mát. Ông không cần phải mua thuốc đâu”, tôi đã cảm thấy nỗi gay cấn mông muội của lòng tử tế. Mặc dù tôi biết đấy chỉ là một nghệ thuật bán hàng. Một tay bưng thùng thuốc Nam, một tay xách xô nước sâm lạnh, nhưng xem ra nó vẫn rất nhẹ nhàng với cô. Tiểu Phụng đặt thùng thuốc Nam xuống bên cạnh tôi trên chiếc ghế đá. Chắc chắn tôi không thể không nhìn vào thùng thuốc ấy với một chút tò mò.
Tuy nhiên, “trời nóng, ông uống miếng nước cho mát”, cô đưa cho tôi ly nước bằng cả hai tay. “Cám ơn em”, tôi uống. “Ngon quá” và tôi nói. “Cháu nấu bằng thuốc trong thùng này đó, giải độc gan tốt lắm”, Tiểu Phụng bảo. “Sao em biết nó giải được độc trong gan?”. “Có nhiều người uống xong còn đến tìm cháu đó”. “Một ngày em dụ được bao nhiêu người khách?”. “Sao lại nói là cháu dụ?”. “Ok. Không phải dụ, một ngày em bán được bao nhiêu?”. “Có khi ba bốn trăm ngàn”. “Lời một nửa phải không?”. Cô giễu cợt tôi: “Sai rồi. Hai phần ba”. Tôi nhìn ra biển. Hòn Phụ Tử gãy rồi. Tay phụ xế xe đò xuống Kiên Lương nói “bây giờ người ta gọi là Hòn Gãy”. Nhưng Tiểu Phụng bảo: “Cháu gọi nó là Hòn Tự Tử vì nó đã tự tìm cái chết”. “Em có thích nó chết luôn không?”, tôi hỏi. “Không, nó sống mới đẹp”. Hòn Phụ Tử cần khách du lịch để cho Tiểu Phụng bán hàng. Tôi nói để tôi kiến nghị với chính phủ phục dựng lại Hòn Phụ Tử cho cha con họ không mất nhau. Tiểu Phụng chớp chớp đôi mắt như thể thương cảm. Cô kể cho tôi nghe truyền thuyết về hai cha con cứu nhau trong một cuộc tấn công của con cọp mà họ cùng chết dưới biển. Ở chỗ đó mọc lên hai ngọn núi như hai cha con. Tôi nói ở đây sau này, cũng sẽ mọc lên hai ngọn núi và người đời sẽ gọi đó là núi Phụng Hoàng. “Tại sao là Phụng Hoàng?”. “Vì tôi tên Hoàng, em tên Phụng”. “Sao biết cháu tên Phụng?”. “Vì tôi tên Hoàng”. “Ông xạo quá”. “Không phải em tên Phụng sao?”. “Nhưng tại sao lại có núi mọc ở đây?”. “Tôi cũng không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng đây sẽ là nơi chôn xác tôi khi tôi chết”. “Ông sẽ không chết ở đây”, Tiểu Phụng nói. Tôi cũng nghĩ vậy, Tiểu Phụng có màu da đen đẹp và sáng, cô ấy sẽ đi những dặm trường lắc lẻo của con người. Tiểu Phụng cho biết cô chỉ bán hàng ở Hòn Phụ Tử hai tháng mỗi năm. Những tháng còn lại cô bán ở những điểm du lịch khác rất xa nhau như Vũng Tàu, Biên Hòa, Phan Rang, Châu Đốc, nơi có núi có chùa và có những con người tin vào thần thánh, tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống.
Tiểu Phụng sống nhờ vào những niềm tin ấy. Nhưng số tiền kiếm được mỗi ngày cô phải nộp hết cho người dì nuôi. Người dì nuôi này có ông chồng người Tiều trên núi Cấm, Châu Đốc. Ông ấy trồng thuốc và cung cấp hàng cho người vợ cả, là bà dì nuÊi của Tiểu Phụng, bán để nuôi ba đứa con mà ông đã bỏ.
Hiện ông ta sống với bà vợ thứ ba, người Việt. Dì nuôi của Tiểu Phụng người Miên. Mẹ của cô cũng người Miên. Nhưng cô không biết cha mình là ai. Mãi sau này tôi mới biết, chính ông người Tiều, chồng của bà dì nuôi là cha của cô. Ông đã mang cô về từ Nam Vang khi cô còn nằm trong bọc và giao cho bà vợ cả. Tôi hỏi Tiểu Phụng: “Sống như vầy em có buồn không?”. “Tại sao lại buồn?”, cô hỏi ngược lại tôi. Ừ nhỉ, tôi cảm thấy mình ngớ ngẩn.