Giới Thiệu Đèn Cần Giờ
Thái đọc
CẦU Ô
Thanh niên hoạt động và chịu khó, đang học lớp đệ tam chuyên khoa, muốn dạy học thêm ở các tư gia. Hỏi cậu Hồng, 233/20 đường Phát Diệm.
Chàng mỉm cười. Cái cậu Hồng nầy sao mà giống chàng quá cũng hoạt động, cũng chịu khó, cũng học đệ tam chuyên khoa, mà nhứt là cũng muốn dạy học ở các tư gia. Chỉ có khác là chàng không đăng báo để tìm việc thôi.
Có hằng trăm thanh niên võ trang bằng những đức tính, giống hệt cậu Hồng nầy, và cùng một mong mỏi với cậu. Thái biết rõ thế. Như vậy, chàng thấy đăng báo không hiệu quả bao nhiêu:
mình đăng báo này, họ đăng báo khác, khó hy vọng được người ta mời.
Thái lại đọc tiếp:
Thanh niên đẹp trai, học lực trung học đệ nhứt cấp giỏi âm nhạc, thể thao, biết lái mọi thứ xe có động cơ, sành chụp ảnh, cỡi ngựa giỏi, rất tháo vát, sẵn lòng làm bất cứ công việc gì, với bất kỳ lương bổng nào, đi xa bao nhiêu cũng được. Hỏi cậu Tân 469/ 178F Phan Đình Phùng.
Thái để từ báo xuống rồi thở dài. Một thanh niên giỏi chừng ấy công việc, lại phải thất nghiệp đến cam kết nhận bất kỳ đồng lương nào và nhận đi bất kỳ nơi nào, thì xã hội Việt Nam quả đang ở vào giai đoạn tranh sống quyết liệt rồi đây.
Nhưng sau một lúc nghiệm kỹ, chàng giựt mình. Có bao nhiêu tài giỏi như anh bạn trên đây, cũng bằng không. Đó là những tài ba ăn trợt, khó lòng sử dụng được. Người ta cần một bác thợ hồ giỏi để đưa đi Ban mê thuột, người ta cần một anh thợ điện giỏi để coi điện cho một xưởng nào đó ở Sàigòn, nhưng chắc chắn không ai biết dùng vào công việc nào một thanh niên cỡi ngựa tài, hoặc sành âm nhạc.
Xét bản thân mình, chàng thấy chàng còn nghèo tài vặt hơn anh bạn ấy nhiều lắm. Mà tài lớn, chàng cũng chưa có, hoặc có, cũng không thể bán hoặc cho thuê được.
Như bất kỳ cậu học sinh nào, Thái đã viết văn và làm thơ. Chàng hơn bạn hữu một tí là thơ chàng được đăng lên vài tờ báo. Chàng lại hơn những mầm non văn nghệ được đăng báo là giới phê bình đã bắt đầu nói sơ đến chàng.
Một người bà con của chàng, vốn là ký giả, một hôm xui dại chàng gởi thơ cho những báo nào đăng thơ chàng để đòi tiền nhuận bút.
Đợi mãi không thấy báo nào trả lời cả, mà lạ lùng hơn nữa là thơ chàng bỗng dưng vắng bóng trên mấy báo ấy, mặc dầu chàng cứ tiếp tục gởi đến họ. Và cũng như bất kỳ mầm non nào, Thái nghĩ ngay là họ muốn dìm một tài ba chớm nở: trong các tòa soạn ấy có những biên tập viên cũng là thi sĩ, sợ chàng lên quá rồi lấn mất họ, nên họ dìm chàng chăng? Chớ làm gì bỗng dưng tài của chàng lại thình lình triệt thối ở khắp các mặt trận như vậy được.
Chàng băn khoăn cậy người bà con nói trên điều tra giùm, và kết quả của cuộc điều tra ấy đã đánh tan mất trong trí chàng cái ảo mộng đổi ra sách vở và xi-nê những vần thơ của chàng.
Người bà con ấy nói: „Chỉ có một ông chủ báo là chịu cho biết vì sao không có tiền nhuận bút cho thơ của anh, còn mấy tòa soạn khác, nhứt định không trả lời tôi. Ông ấy bảo rằng lệ của nhà báo, bất kỳ báo nào, hay phần lớn các báo ở đây, không có tiền nhuận bút chữ thơ. Một bài thơ chỉ choán có một phần tư cột báo thôi, thì không lẽ đưa mười đồng hay hai mươi đồng. Mà đưa nhiều hơn, một trăm chẳng hạn, để xem cho được con mắt, thì hóa ra mỗi cột báo chi phí biên tập phải lên đến bốn năm trăm, và một trang tám cột phải mất đi bốn ngàn bạc à? Ông ấy nói làm thơ là làm cái gì cao quý, là phục vụ nghệ thuật, thì không nên làm hoen ố công việc đẹp đẽ ấy bằng cách đòi tiền công.
Thế là rõ! Và đã lâu rồi, Thái chỉ trông cậy vào tiền mà gia quyến anh gởi lên cho mỗi tháng một ít thôi.
Chàng đọc tiếp quảng cáo, và lầm thầm nghĩ rằng chỉ có bọn người thất nghiệp và bọn người túng thiếu như chàng mới đọc quảng cáo thôi.
CẦN DÙNG
Một học sinh bục trung học đệ nhứt cấp để kèm hai trẻ lớp nhứt tại nhà. Hỏi ông phạm Văn Mìn, thầu khoán 758 đường Cao Thắng.
À, đây rồi? Thái reo thầm lên. Nhưng chàng thấy cái mỉa mai trong hai bài quảng cáo trên và dưới, nên buồn cười lắm: trên thì tìm việc, dưới lại tìm người, đúng là cái người tìm việc trên: mà 2 quảng cáo cứ đăng mãi mấy ngày rồi. Hai người chưa gặp nhau à? Hay đã gặp nhau mà không thích nhau?
Thái nhứt quyết đi đến nơi cần dùng thầy giáo nầy, và không để trễ, chàng đứng dậy đi thay đồ.