Giới Thiệu Cuống Rún Chưa Lìa
Những ngỡ không bao giờ còn viết thơ cho anh nữa! Chắc anh đã ngạc nhiên trước sự im lặng của tôi dạo sau nầy, và chắc anh đã hờn tôi, nên tôi cũng chẳng được thơ từ gì của anh.
Ngày nào chồng tôi vào nhà thương thăm tôi, tôi cũng hỏi có phong thơ nào mà bì màu ngà, trên ấy có in riêng hai chữ N.Đ. hay chăng, chồng tôi lắc đầu. Anh biết, chồng tôi là người Pháp thì anh ấy không có ghen xằng mà thủ tiêu thơ của bạn trai của tôi đâu.
Chắc anh đã hơi đoán được cái gì rồi, khi nghe tôi nói đến mấy tiếng „nhà thương“.
Vâng, tôi vừa ốm khỏi anh ạ! Mà cả nước Pháp đều không biết tôi mắc bệnh gì, cái mới nguy cho chớ!
Không rõ tôi đã hành động, ăn nói ra sao mà chồng tôi phải đưa tôi vào một bệnh viện đặc biệt kia mà sau đó, tôi mới hay rằng đó là bệnh viện La Timone một nhà thương điên to nhất của miền Nam nước Pháp do giáo sư khoa tâm bệnh B. làm giám đốc.
Sau nhiều lần khám bệnh tôi bằng đủ các phương pháp tối tân, giáo sư B. cho rằng tôi thuộc loại con bệnh không cần thuốc men, mà phải được chữa bằng trị liệu tâm bệnh (Psychothérapie), bởi bệnh tâm trí có nhiều loại do nhiều nguyên nhân gây ra.
Thật ra thì tôi không có điên anh T. à, bằng cớ là tôi còn nhớ tới anh và hỏi thăm chồng tôi về thơ từ của anh. Tôi chỉ buồn bực, quạu quọ, cau có với chồng tôi và có những lúc tôi ngồi đó mà như đi vắng, chồng tôi nói gì, tôi cũng chỉ ừ hử lấy lệ mà thôi.
Ban đầu anh ấy tức giận lắm, nhưng sau anh ấy đoán rằng tôi mắc bệnh tâm trí nên ảnh hành động theo chiều hướng tin tưởng của ảnh và quả giáo sư B. đã xác nhận rằng tâm thần tôi không được bình thường.
Mỗi ngày tôi „bị“ đàm thoại với giáo sư B. một tiếng đồng hồ. Đó là thuốc của ông ấy đấy.
Giáo sư B. chọc cho tôi xì ra những nén tâm, những uẩn khúc của lòng tôi để giúp tiềm thức tôi có cách tháo củi sổ lồng cho những ẩn ức trong nội tâm của tôi.
Nhưng chính vị y sĩ lão thành, suối râu bạc phơ, sang giàu hiểu biết và kinh nghiệm ấy lại suýt hóa điên vì ông ấy bí tì,chịu rằng không thể biết tôi mang nặng những ẩn ức nào.
Biết rằng bệnh mà không được điều trị thì càng ngày nó càng tiến triển đến nguy kịch; trong trường hợp tôi, có thể đến tình trạng điên loạn, thì còn gì là đời tôi nên tôi nỗ lực để hợp tác với giáo sư B., không hề giấu chuyện lớn, chuyện nhỏ nào cả.
Ông ấy lục lạo trong dĩ vãng của tôi, thám hiểm thuở thiếu thời và thơ ấu của tôi, tìm biết cả cha, mẹ, ông bà, tam đại của tôi nữa, không có xó kẹt nào trong quá khứ của đời tôi từ ba bốn thế hệ qua mà ông không bắt tôi tự phanh phui ra, nhưng thật là không có gì cả: hiện tôi đang sống hạnh phúc với chồng tôi mà những dĩ vãng xa hay gần mà tôi để lại nước nhà cũng đều không có gì cho tôi phải xấu hổ thầm hoặc hối hận.
Giáo sư B. hồ nghi rằng tôi không thành thật, và đoán rằng tôi có một bí mật gì lớn lắm mà quyết giấu, nên ông cho một vị bác sĩ trẻ tuổi, giỏi thôi miên, đưa tôi vào một giấc ngủ nhơn tạo mà trong đó tôi phải hoàn toàn khuất phục uy quyền của các ông ấy.
Thế mà tôi cũng không có „cung khai“ ra cái gì hết, mặc dầu hai ổng đã hỏi khéo léo tôi bằng trăm câu hỏi hóc búa trong khi tôi mơ màng dở tỉnh dở say.
Tôi và chồng tôi lo sợ lắm, và tôi ngỏ ý muốn tìm bệnh viện cừ hơn và danh y khác hơn.
Nhưng bạn hữu của chúng tôi bảo rằng tôi mà có lên Ba-lê, có đi Đức, đi Áo, quê hương của Freud là ông tổ của khoa phân tâm học đi nữa, tôi cũng chỉ sẽ tìm ra được một giáo sư B. II mà thôi, vì giáo sư B. là một tay cự phách trong khoa tâm bệnh, khét tiếng ở khắp Âu châu và cả bên Mỹ nữa. Thật là khổ cho tôi.
Giáo sư B. vừa ban bố ơn huệ, vừa bắt buộc vợ chồng tôi điều này là mỗi chiều chồng tôi phải vào nhà thương để đưa tôi đi dạo phố, vì ông thầy thuốc già ấy không còn biết làm gì nữa cả để giúp tôi.
Con phố mà tôi thích nhứt là con phố La Canebière đưa thẳng xuống bến tàu (bến cũ) khung cảnh danh tiếng của ba vở kịch danh tiếng của nước Pháp: Marius, Fany và César, cùng một tác giả, một đầu đề một câu chuyện.
Chồng tôi cứ tưởng tôi thích nơi đó vì đó là một con phố xưa, mang nhiều dấu vết lịch sử và vang danh trong văn chương Pháp với không biết bao nhiêu là tác phẩm nói đến nó, nhưng sự thật thì khác, mà mãi về sau, chúng tôi mới biết.
Chồng tôi muốn nói thạo tiếng Việt nên chúng tôi chỉ chuyện trò bằng tiếng Việt mà thôi. Một chiều kia, chúng tôi rảo bước như thường lệ trên vỉa hè, và tôi hỏi chồng tôi:
– À, anh có cho nhuộm lại chiếc áo bị bẩn rượu vang của em hay chưa?
Chồng tôi chưa kịp mở miệng để thốt ra tiếng nào thì thình lình có một lão Tây già ồ, già ghê đi, chỉ kém già hơn vị giáo sư đã chữa bệnh cho tôi mà thôi, lão ta từ đâu không rõ, nhảy đến chận đường vợ chúng tôi mà nói bằng tiếng Pháp:
– Xin lỗi bà, bà làm ơn lặp lại câu mà bà vừa nói với ông.