Giới Thiệu Con Đường Sáng
Duy hãm xe, tắt máy rồi quay sang phía Nga nói :
– Còn kịp chán. Tầu đường này bao giờ cũng chậm ít ra là nửa giờ.
Vừa mệt vừa chán, Duy thở dài một cái thật mạnh rồi quặt hai tay chống vào lái xe, yên lặng đợi Nga nhặt các thức lặt vặt rơi trên đệm. Nga đưa mắt nhìn Duy, nói đùa :
– Cấm anh không được buồn đấy. Em về cố lên ngay.
Duy vội vàng mỉm cười và tươi tỉnh nét mặt, nhưng việc cỏn con ấy chàng thấy sao nặng nhọc, khó khăn thế! Không phải chàng buồn vì tiễn Nga đi. Sau bao nhiêu ngày gần gụi Duy đã chán hẳn Nga, người mà lúc mới gặp chàng tướng có thể yêu mãi mãi chứ không như những tình nhân trước. Thấy Nga đòi về Hà Nội vì có việc nhà, chàng sung sướng như được thoát nợ. Duy dựa vào câu nói của Nga làm như mình buồn sắp từ biệt Nga để khỏi phải cố vui gượng :
– Vui làm sao được. Chắc đâu còn gặp nhau nữa.
Câu nói khách sáo ấy chàng đã nhiều lần dùng để đuổi nhẹ các cô tình nhân hay bám riết, nhưng lần này là lần đầu chàng ngượng mồm vì đã nói dối; cái nguýt lẳng lơ của Nga đáp lại câu nói sao chàng thấy trơ trẽn thế và chàng tự thẹn với mình khi nhận thấy mình cũng trơ trẽn như một con đĩ khi tiễn khách đi. Duy nói dối không phải vì sự ngượng với Nga; chàng có thể giở mặt với Nga như không được nếu trước sau chàng vẫn khách sáo với Nga cũng như với mọi người khác; nhưng lần này, trong khi còn mê man người mới, chàng đã nói sẽ yêu Nga trọn đời, mãi mãi mà nói một cách rất thành thực; chàng phải cố gượng để khỏi nhận thấy sự thay đổi rất nhanh chóng của mình, để khỏi ngượng vì mình đã giở mặt với chính mình.
Nga cũng hiếu rằng Duy có ý muốn đuổi mình. Nàng không yêu Duy, nàng về ở với Duy vì Duy là một người tình nhân dễ chịu, giàu có và tính hào phóng. Nếu Duy thực tình yêu nàng thì nàng cũng có thể bỏ cái đời ăn chơi để trở lên một người vợ rất ngoan của Duy được. Nhưng hôm đầu, nàng đã phải cố làm ra cao thượng, không để ý gì đến tiền của, vì nàng thấy Duy đối đãi với mình như đối đãi với một người vợ rất yêu thương. Bây giờ nàng thật hết hy vọng; nàng biết chắc là Duy đã chán rồi và dẫu nàng có quay lại Vĩnh Yên, Duy cũng trốn tránh không để nàng gặp mặt nữa. Duy cũng chỉ như những người đàn ông khác đã gặp. Nàng không buồn và cũng không tiếc, vì dẫu sao nàng cũng đã được sống một cách rất dễ chịu bên cạnh Duy trong bấy lâu.
– Mấy giờ rồi anh?
– Năm giờ kém mười lăm, còn thong thả chán.
– Thế à? Thích nhỉ!
Nga vừa nói vừa để ý nhìn cái đồng hồ đeo tay của Duy, cái đồng hồ vàng nàng đoán đáng giá trăm bạc.
Xuống xe, Duy nhường Nga đi trước; mấy người đàn ông mặc âu phục đứng trong ga nhìn Duy và Nga đi lại. Họ thì thầm nói với nhau, mắt vẫn nhìn về phía hai người. Đã quen rồi nên Duy không thấy ngượng khi biết có người ngắm nghía mình; chàng đi có phần mạnh bạo hơn. Tấm khăn (san) mong manh của Nga theo gió đưa ngang qua mặt Duy, với một luồng hương thơm của phấn và nước hoa. Dưới bước chân nhẹ của Nga, bụi hồng là là bay từng làn trên mặt đường. Gió buổi chiều lành lạnh ở phía bắc thổi về phía Tam Đảo; chàng không nghĩ hẳn đến một cảnh nào nhưng chàng thoáng thấy ở đâu rất xa, như ở trong sương mù, một nỗi buồn không cỗi rễ vẫn yên lặng đợi chàng và hiện ra mỗi khi chàng quên những cái bên ngoài, âm thầm nghĩ đến lòng mình. Khi chợt nhận thấy mình nghĩ sâu vào trong như vậy, Duy vội vã đập mạnh hai bàn tay vào nhau như mọi lần để thôi khỏi nghĩ.
Tuy trong lòng như vậy mà chàng vẫn có cái thú tự kiêu lúc bước vào nhà ga, bên cạnh một thiếu nữ đẹp và sang trọng, Những người đứng gần cửa, Duy thấy họ lùi lại sau, để nhường chỗ cho Nga và chàng bước qua. Thoáng thấy có người quen, Duy tự nhiên khó chịu; chàng muốn lánh mặt và chàng thấy Đạm cũng có ý lùi lại sau, trốn tránh, nhưng cả hai người đều không kịp, đành phải gượng cười giơ tay bắt tay nhau.