Giới Thiệu Côi cút giữa cảnh đời
Về đề tài thiếu nhi, Ma Văn Kháng đã để lại ấn tượng sâu sắc với “Chó Bi, đời lưu lạc”. “Côi cút giữa cảnh đời” tiếp tục đánh dấu đỉnh cao của nhà văn ở phần văn chương viết về tuổi măng non.
“Thật tình tôi không hiểu đời mình sẽ ra sao, nếu như cách đây mười năm, khi tôi lên năm tuổi, tôi không có bà nội tôi” Tác giả mở đầu câu chuyện như vậy. Nhân vật người kể chuyện là cậu bé tên Duy – xưng “tôi”. Khi tôi năm tuổi, bố đã đi bộ đội lâu rồi, biền biệt không tin tức. Mẹ ở nhà, một buổi chiều kia bỏ bà cháu đi theo một ông lái xe tải. Chủ tịch phường lộng hành, chiếm gần hết đất hai bà cháu ở (chỉ để lại cho họ vỏn vẹn 6m vuông). Tôi đi học, quần áo xuyền xoàng, bị bọn bạn con nhà giàu, quyền chức bắt nạt. Ở nhà hai bà cháu sống trong nghèo khổ cùng với sự áp bức của chính quyền mà đại diện là chủ tịch Luông… Nhưng tai họa không chỉ có thế. Một ngày cô ruột tôi làm công nhân nông trường về giao cho bà nội đứa bé gái đỏ hỏn chưa đầy tuần tuổi rồi bỏ đi. Nghèo đói trở thành quẫn bách. Hàng ngày bà phải bế cái Thảm (tên em do bà đặt, không được cấp giấy khai sinh) ra đón đường những người đi chợ để xin bú nhờ… Chú Dũng là công nhân địa chất, đi bộ đội đặc công trở về để chuẩn bị vào đại học, phản ứng quyết liệt với những bất công ngang trái ở địa phương, bị bắt vào tù… Cuối truyện cũng là mô típ đoàn tụ, có hậu nhưng âm hưởng toàn truyện như một tiếng thở dài não nuột. Cuộc sống còn ngổn ngang quá! Còn nhiều thân phận xứng đáng được hưởng hạnh phúc lại bị đọa đày, vùi dập quá! Nhưng họ vẫn tồn tại và phát triển bởi “sự sống chẳng bao giờ chán nản”, bởi trên đời này còn rất nhiều người tốt sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ họ khi họ gặp hoạn nạn. Đó là các cụ trong tổ hưu trí, là cô Đại Bàng, cô Quyên, là những nhân vật vô danh “thảo dân” trong truyện. Trên hết là hình tượng người bà lung linh tỏa sáng. Cậu bé Duy đã nghĩ bên mộ bà: “Bà ơi, vắng bà rồi mà cháu vẫn có bà. Ơn bà mãi mãi cháu để hai vai. Bà nhịn cho chúng cháu ăn. Bà lạnh cho chúng cháu ấm. Bà bế bồng dìu dắt chúng cháu đi qua những năm tháng cách trở, lọc lừa, phản trắc, bất công. Bà đưa chúng cháu qua nơi hỗn độn đến sự an bằng. Có mẹ, có cha mà hóa ra côi cút. Bao oan khổ, đắng cay, thiệt thòi của chúng cháu đều được bà san lấp, đền bù, an ủi. Những đau tủi, buồn khổ của tuổi ấu thơ đơn côi giữa cảnh đời, nhờ có bà, đã được gột rửa khỏi tâm hồn. Nhờ bà, chúng cháu bước qua vùng tủi hổ, đến với hi vọng và tin yêu. Bà là sự nhẫn nhịn, là lòng hỉ xả, là tuyết sạch giá trong, là tình thương, là lẽ phải, là sự cứng cỏi, kiên trinh. Bà là cổ tích. Bà là bà mụ đỡ nâng trong linh hồn chúng cháu. Bà là Phật bà hay là cô tiên giáng trần đã che chở cưu mang chúng cháu bằng tình thương yêu và các phép màu huyền nhiệm, thần kì…”
Để có được những trang viết xúc động sâu sắc tới người đọc, Ma Văn Kháng, ngoài tài năng còn vằng vặc một tấm lòng nhân ái, độ lượng và bao dung. Tôi tin là tác giả không thể không rơi lệ khi miêu tả tiếng khóc của bé Thảm khi nó mới ba tháng tuổi: “Em Thảm hay tủi thân lắm. Em khóc nhiều hơn những đứa trẻ khác. Em khóc suốt cữ, và tiếng khóc cũng khác những đứa trẻ khác. Có khi đang ngủ, tự nhiên em múm mím môi, rồi nhếch miệng hự hự mấy tiếng rất ảo não. Em mang nỗi ấm ức xót xa trong kí ức non nớt của em. Bà bảo em nhớ mẹ, em tủi phận đấy. Và đêm nào cũng vậy, không ít hơn một lần, đang ngủ bỗng dưng bừng thức với tiếng khóc hờn dỗi kéo dài khoảng gần một giờ đồng hồ. Khóc vì đói thì chỉ cần cho em ăn là em nín. Vì rét thì ủ thêm chăn cho em. Vì nóng thì bế em ra sân cho em thoáng. Còn vì tủi thì dỗ thế nào em cũng không nguôi.”
Quả thật, những người lớn rất cần đọc tác phẩm này!