Giới Thiệu Chuyện Tình Kể Trước Lúc Rạng Đông
Dương Thu Hương sinh ra ở Thái Bình, sống nhiều năm ở Hà Nội. Năm 1967, lúc mới là sinh viên 20 tuổi tại Hà Nội, bà tình nguyện tham gia Thanh niên xung phong, phong trào Tiếng hát át tiếng bom, phục vụ trong một đoàn văn công tại một trong những khu vực chiến tranh ác liệt nhất lúc đó: Bình Trị Thiên. Bà là một trong bốn người trong đoàn sống sót trở về. Sau chiến tranh, trở ra Bắc, bà cầm bút viết văn và công tác trong ngành điện ảnh. Bà tham dự khóa đầu tiên Trường viết văn Nguyễn Du (1980). Trong tháng 4 năm 2006, bà được mời sang Paris (Pháp) và sau đó sang New York (Mỹ) dự một hội nghị Văn bút Quốc tế, chuẩn bị viết thêm tác phẩm mới, và cũng để ra mắt bạn đọc khắp nơi. Kết thúc chuyến đi này, bà trở lại Pháp xin lưu trú. Năm 2009, Dương Thu Hương được GS.TS. Joseph Pivato, dạy môn văn chương Anh ngữ tại đại học Athabasca ở Alberton, Canada đề cử vào danh sách cứu xét cho giải Nobel văn chương của năm.
Hai mươi năm trước, vào một buổi tối mùa thu năm một ngàn chín trăm năm mươi tám đại đội trưởng Vũ Sinh mời vợ vào buồng riêng nói chuyện. Vợ anh, chị Lựu, một cán bộ phụ nữ huyện ngạc nhiên. Bình thường không người đàn ông nào gọi vợ như thế:
– Lựu này, tôi muốn nói với Lựu câu chuyện. Lựu vui lòng nhé. Mời Lựu vào buồng.
Nói song, anh đứng nghiêm trang, chờ chị rửa hai bàn tay trắng xóa bọt xà phòng. Rồi hai người bước vào buồng riêng. Dó là một trong năm gian nhà của ông bà thân sinh ra đại đội trưởng. Anh là con trai duy nhất nên toàn bộ ngôi nhà năm gian có hiên rộng, lợp ngói ta rất dày cùng cái sân có tường hoa thấp bao quanh đều thuộc quyền sở hữu của anh. Hai gian ở đầu hồi xây tường con kiến ngăn thành buồng riêng có cửa lớn thông với ba gian giữa và có hai cửa sổ, một cửa mở trông ra trước sân, cửa kia ngó ra khu vườn sau, nơi những khóm hoa móng rồng xanh om suốt bốn mùa thoang thoảng đưa hương. Một trong hai gian ấy của vợ chồng Vũ Sinh. Họ lấy nhau từ năm bốn mươi chín do đoàn thanh niên Cứu Quốc tổ chức. Hồi đó, cả hai đều là cán bộ phân đoàn.
Ðại đội trưởng Vũ Sinh gạt đống chăn gối xếp ở đầu giường vào góc trong:
– Mời Lựu ngồi.
Còn anh, anh tháo dây thắt lưng có móc khẩu súng ngắn treo trên tường. Xong đó, anh ngồi xuống cuối giường:
– Ðã từ lâu, tôi định nói với Lựu …
Người đàn bà ngước nhìn chồng: Không có niềm vui không có nỗi buồn trong đôi mắt anh. Chỉ có vẻ thầm lặng và u uẩn đã trở thành thói quen nhiều năm nay.
Sinh đứng dậy, ra gian thờ chính giữa nhà, bưng bộ tách chén, hộp chè và phích nước vào, chờ nước ngấm, rót cho vợ một chén, cho mình một chén rồi nói tiếp:
– Lựu thấy đời sống của vợ chồng của chúng ta ra sao?
Giọng nói trầm trầm của anh khiến câu nói đó không cần là nỗi băn khoăn cần giải đáp và giống như hồi âm của một nỗi buồn từ vực sâu ký ức vọng về.
Lựu không hiểu chồng muốn nói gì. Chị hỏi:
– Sao cơ?
Vũ Sinh nhắc lại:
– chúng ta có phải là một cặp vợ chồng không, chẳng lẽ Lựu chưa hề nghĩ đến điều đó?
Người đàn bà trợn tròn mắt. Chị tưởng chồng lẩn thẩn, như người ta vẫn nói là mắc bệnh tâm thần, hoặc anh sốt âm ỉ mà không nói nên lâu dần hóa cuồng ngôn. Chị đứng dậy, định đặt tay lên trán anh. Nhưng Vũ Sinh mỉm cười, ngăn lại:
-Lựu đừng lo, tôi không ốm đâu. Sáu tháng liền tôi vẫn huấn luyện lớp hạ sĩ ngoài thao trường. Tôi muốn nói chuyện với Lựu một cách rõ ràng, nghiêm chỉnh.
Ðôi mắt anh mở rộng, nhìn chị. Ðôi mắt khôn ngoan, tư lự. Ðó không phải là đôi mắt của kẻ mắc chứng cuồng ngôn hoặc đang chìm đắm trong cơn mê sảng nào. Lựu thu tay vào lòng, bối rối ngồi xuống giường.