Giới Thiệu Chuyện Để Quên
… Sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất, tinh diệu… (Thay lời giới thiệu)
Trong tập tùy bút Thăm thẳm bóng người của Đỗ Chu, Nguyễn Tuân, Tô Hoài được tác giả giới thiệu bằng cảm hứng và lời văn trác tuyệt. Trong thăm thẳm bóng người có bóng ta. Có thăm thẳm bóng Nguyễn Tuân trong những kiệt tác ông để lại cho đời. Tô Hoài còn đấy, “ đứng chống đòn gánh, dưới chân là hai quang sách nặng ”, bóng của hàng triệu độc giả hòa vào bóng Tô Hoài trong những tác phẩm bất hủ của ông. Trước “cốt kiêu” và uy bút lực của hai ông, Đỗ Chu – lần đầu tiên tôi thấy – … đứng khép nép.
Tôi đã có lần khép nép trước một tác phẩm của Tô Hoài, đó là Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ in trong tập truyện ngắn này. Sau Giăng thề, đây là kiệt tác thứ hai của Tô Hoài. ( Dế mèn phiêu lưu ký đương nhiên là một tác phẩm bất hủ, nhưng ý tôi nên xếp sang một chiếu khác). Trong Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ, hơi thở hùng tráng của lịch sử vừa kín đáo, vừa mãnh liệt chạm vào tình cảm sâu lắng nhất của bất kỳ độc giả người Việt nào. Ta gặp lại đam mê của Tô Hoài quan sát những lễ tục dân gian và sự am hiểu tinh tường những tập quán ngành nghề, sinh hoạt mà tác giả miêu tả.
Cảnh đám rước kiệu “bà” quay tròn:
“ Kiệu bát cống quay tròn, bây giờ mới thật như chiếc hoa giữa đám hội, vừa bay vừa cong cánh nở. Lòng hân hoan mong đợi của cả ngàn người xem hội cứ thế bồng bột mãi lên. Hai mươi bốn trai kiệu, nghe tiếng trống khẩu, một lượt quỳ như hai mươi bốn thớt voi rồi từ từ bò qua gò, vai kiệu vẫn phẳng lừ như tường đứng. ” (tr. 146)
Mùa vụ cây dó (làm bột giấy):
“ Cạn kỳ dó chính tuyết, vừa cuối thu. Lần sang vụ dó Một Chạp đến tháng Giêng là “đầu giao”. Một Chạp hay “đầu giao”, áo dó mới lột, quệt sương hay mưa đều ố nước, mất công phơi nhiều nắng mới bó được. Nhưng vừa xong cái vất vả rừng này lại phải lặn lội sang rừng khác, đã vào vụ dó chiêm. Dó chiêm tiếp dó đuôi tháng, quanh lại vừa trở lại chính tuyết. ” (tr. 163)
Đúng là Tô Hoài. Chỉ có thể là Tô Hoài.
Nhưng cái mà tôi kính nể là đọc tác phẩm này tôi như đứng trước sừng sững một tòa ngôn ngữ chân chất và tinh diệu. “Trong ngọc” nhất trong tòa ngôn ngữ này là những câu văn thuộc loại “văn xuôi thơ” sáng giá của văn chương Việt Nam hiện đại. Đây là những câu văn tả tình cảnh một người con gái ngồi trên thuyền ngược sông đi lấy chồng giầu mạn ngược:
“Những lời hò vui mà thảm thiết:
Ra khoang… em bước… qua cầu…
Bến vui em đến…
Trên mui bỗng lóng lánh một trời sao. Con thuyền đêm nao cũng đi qua một trời sao ấy. Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng muốn hy vọng, như người chèo thuyền mong đến bến…
Một đêm, Hạ ra khoang sau. Hạ ngồi một lúc thật lâu. Bốn bề lặng ngắt. Những ngôi sao long lanh nhỏ lã chã những giọt nước mắt xuống thế gian…” (tr. 162)
Một lần Hội nghị nhà văn trẻ, nghe giới thiệu nhà văn Tô Hoài lên phát biểu ý kiến, cả hội trường im phăng phắc. Trái với sự chờ đợi của mọi người, nhà văn lão thành lên diễn đàn chỉ để nói với các nhà văn trẻ một câu: “… chừng nào chưa phân biệt được “ mồm ” và “ miệng ” thì đừng có cầm bút… ”. Tôi thiết nghĩ các bạn trẻ háo hức viết văn nên tìm đọc Chuyện đầm sen Đền Đồng Cổ , đọc xong mà nhận ra được vốn ngôn từ của mình sao mà nó nghèo nàn, thảm hại, xô bồ đến thế thì dù có tiến hay thoái cũng là một sự thức nhận hết sức có ích.