Giới Thiệu Chim Én Bay
Không biết cái ý định tìm lại nhà những tên ác ôn mình đã giết chết hơn mười năm về trước xem vợ con chúng hiện đang sống ra sao đến với chị tự bao giờ. Ở đời vẫn có những ý định mà người ta không sao giải thích nổi. Dường như nó đã được chỉ dẫn, xui khiến bởi một thế lực vô hình nào đấy. Tuy vậy chị vẫn cố lý giải, cố cắt nghĩa vì không có ý định nào lại không xuất phát từ những nguyên cớ, chỉ có điều người ta có dám công nhận nó hay không mà thôi.
Có thể cái ý muốn ấy đã chợt đến vào những ngày đầu năm 1980, khi lần đầu tiên, sau mười năm xa cách, chị ngây ngất và ngỡ ngàng đặt chân xuống con đường nhựa mát rượi, nườm nượp xe cộ và người qua lại. Con đường tràn ngập bóng râm của những vườn dừa đang cho lứa quả đầu tiên. Lúc ấy, cùng với cảm giác sung sướng đến nghẹn lại là một cảm giác buồn tủi pha đôi chút cay đắng, bởi chị cảm thấy mình như đang bị lãng quên, bởi tất cả những gì gắn bó với chị, từ những ngôi nhà đổ nát, những vườn dừa cụt ngọn xơ xác, và cả những cơn gió mồ côi chạy lang thang trên các đường hào sụt lở trước đây đều không còn nữa. Thời gian đã xóa nhòa đi tất cả.
Cũng có thể cái ý muốn đó đã chợt đến với chị vào một buổi chiều, khi anh giáo viên trường phổ thông cơ sở của thị trấn, một người cao, gầy và rụt rè đến cơ quan khẩn khoản đề nghị chị tới nói chuyện với các em học sinh về thành tích diệt ác của đội “Chim Én” của chị trên mảnh đất này hơn mười năm về trước. Anh ta nói một cách văn vẻ rằng, việc giáo dục thế hệ trẻ đừng bao giờ quên quá khứ đau khổ nhưng anh hùng của quê hương là điều hết sức bức thiết. Rằng bây giờ những vết máu của bạn bè anh còn chưa khô, cuộc chiến tranh đã bị người ta gạt sang một phía. Rằng không ít người đang cố tình lãng quên để yên ổn làm những điều xấu, phản bội lại sự hy sinh trước đây của bản thân họ …
Khi nói, khuôn mặt anh nổi lên từng mảng đỏ, cặp mắt quắc lên giận dữ. Chị được biết anh nguyên là chiến sĩ của sư đoàn Sao Vàng, một sư đoàn từng để lại ngót một vạn liệt sĩ trên quê hương chị. Lúc đó không hiểu sao chị lại sốt sắng nhận lời. Chị cảm thấy xấu hổ với anh giáo viên nọ, và suốt đêm hôm ấy, chị đã thức và chuẩn bị cho buổi nói chuyện. Nhiều lúc, người chị như lên cơn sốt khi nhớ lại những trận đánh, những cái chết thảm khốc và cơn co giật, một căn bệnh kinh niên kể từ sau khi bị bắt, thiếu chút nữa lại tái phát. Chị vội vã uống mấy viên thuốc an thần rồi đi nằm, cố không nghĩ tới những kỷ niệm, những lời trách móc của anh giáo viên hồi chiều. Giấc ngủ đến với chị thật nặng nề. Sáng ra đầu chị đau nhức, khắp người nổi gai lạnh, nhưng chị vẫn thu xếp công việc ở cơ quan để đến trường. Buổi nói chuyện đã cuốn hút chị, tưởng chừng nếu không nói được những điều cần nói với các em học sinh, chị sẽ không làm nổi bất kỳ một công việc nào khác trong ngày hôm đó.
Nhưng chỉ nửa giờ trước khi đến trường phổ thông cơ sở ở thị trấn, chị bỗng giật mình nhận ra rằng biết đâu con cháu của những kẻ chị đã buộc phải giết chết trước kia lại chẳng đang ngồi nghe chị kể về cái chết khủng khiếp của cha chú chúng! Liệu điều gì sẽ xảy ra trong những mái đầu đang hình thành tính cách công dân của chúng? Và chị vội vã xin hoãn buổi nói chuyện, khiến anh giáo viên nọ sửng sốt cúp máy không thèm nói chuyện với chị nữa.
Cũng có thể cái ý muốn mãnh liệt ấy đến với chị trong nhiều đêm nằm trăn trở trên giường, nghe sóng biển và gió ù ù thổi ngoài chái nhà, nỗi nhớ người thân đã chết trong chiến tranh trở đi, trở lại khắc khoải trong đầu chị. Liệu những người vợ, người con của những tên ác ôn ấy hiện đang sống ra sao? Những gì đang cản trở họ sống? Họ còn ở những ngôi nhà cũ hay đã bị tịch thâu, đã chuyển đi nơi khác? Chị đã suy nghĩ, trăn trở nhiều đêm nhưng vẫn không thực hiện nổi ý định của mình dù nó rất đơn giản, đạp xe đi một vòng, hỏi cán bộ phụ nữ của từng thôn, những người đang cộng sự gần gũi và gắn bó với chị.
Song chị không thể hỏi và cũng không thể đến. Không biết cái gì đã ngăn trở chị. Cái gì? Chị ráng cắt nghĩa và tự tìm lấy câu trả lời.
Mùa đông năm 1969, một mùa đông mãi mãi đọng lại những ký ức nặng nề trong đầu chị. Ngày đó gia đình chị còn đầy đủ bốn người. Cha chị, anh Dương và chị Hảo. Mẹ chị chết đã lâu, do một quả pháo hạm bắn vu vơ từ ngoài biển. Cái chết của mẹ làm đời sống gia đình đảo lộn. Anh Dương vô đội du kích xã, đi tối ngày mới về. Chị Hảo thành chị lớn còn chị cũng buộc phải thôi học ở một trường tư thục ngoài thị trấn. Năm đó chị mới mười một tuổi.
Cái buổi sáng dữ dội ấy ập đến vào một ngày tháng mười. Giữa lúc ba cha con chị đang ăn cơm ở hiên nhà thì thằng giám Tuân dẫn lính tới. Hôm đó nó đội mũ phớt, mang kiếng mát. Bộ quần áo đen rộng lùng thùng cộm lên ở lưng quần bởi khẩu Côn 45 đeo trễ. Đi theo thằng giám Tuân là bảy thằng dân vệ. Chúng nó lễ mễ khiêng một cái hòm rất nặng. Sau này chị mới biết đó là hòm thuốc nổ. Khi chiếc hòm được đặt xuống, thằng Tuân ngồi ngay lên trốc. Nó móc túi lấy thuốc hút, kiên nhẫn chờ cha con chị ăn cơm xong. Còn tụi lính thì bắt đầu sục sạo quanh nhà. Mặt thằng nào cũng hằm hằm, như muốn nghiềng nát ba cha con chị.