Giới Thiệu Chim chích lạc rừng
Trong văn nghiệp của Tô Hoài, truyện đồng thoại là một mảng sáng tác đặc sắc, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng đem lòng yêu thích. Với tài năng thiên phú, Tô Hoài đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm sinh động, hấp dẫn như Dế Mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ Bọ Ngựa, Chim chích lạc rừng… Những tác phẩm như thế đã góp phần quan trọng vào việc định vị cái đẹp vào tâm hồn tuổi thơ.
Một điều thú vị là, làm nên thành công chung của truyện đồng thoại Tô Hoài có sự tham gia của các yếu tố văn hóa, văn học dân gian – nhất là các thành ngữ, tục ngữ.
Về điều này, chí ít, có hai trường hợp: Chim chích lạc rừng và Cá đi ăn thề. Cả hai tác phẩm này đều được nhà văn viết vào những năm 60, 70 của thế kỉ trước. Đó là thời kì miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với một không khí vui tươi, phấn chấn và gặt hái được nhiều thành quả. Là một nhà văn có trách nhiệm, Tô Hoài mong muốn phản ánh cái hiện thực tốt đẹp, đáng tự hào đó trong văn xuôi viết cho các em. Nhưng ông không muốn trình bày hiện thực đó một cách trực tiếp, trần trụi mà “biểu hiện cho có việc, có ý nghĩ”. Suy nghĩ ấy đã dẫn ông đến với thể truyện đồng thoại, loại hình văn chương nhân cách hóa loài vật vốn rất được trẻ em yêu thích. Và cũng rất tự nhiên, ông đã tìm thấy ở thành ngữ, tục ngữ dân gian những gợi ý thú vị cho việc lập tứ đối với những sáng tác nói trên.
Truyện Chim chích lạc rừng nói về những đổi thay nhanh chóng của nông thôn miền Bắc qua cảm nhận của nhân vật chim Chích Bông. Trên đường đi tránh rét trở về, Chích Bông cảm thấy mình bị lạc đường. Cứ bay được một đoạn, chú lại phải dừng cánh, hỏi đường. Thì ra, chú vẫn đi về trên con đường quen thuộc ấy, nhưng lần trở về này, cảnh vật dưới đường bay đã đổi khác quá nhiều. Những nhà máy mới mọc lên, đường dây điện chằng chịt, làng xóm hồng sắc ngói mới… Tất cả đã tạo nên cảm giác lạ lẫm và… lạc đường. Cái ý “lạc đường” này được Tô Hoài lẩy ra từ thành ngữ dân gian Ngớ ngẩn như chim chích lạc rừng, và ông đã dẫn ra một cách trân trọng đầu tác phẩm của mình. Khác dân gian, ông không chế giễu mà nói về cái ngớ ngẩn của chú chim Chích như một nét đáng yêu, một “đường dẫn” đưa người đọc đến với hiện thực cuộc sống tươi đẹp của con người. Có thể nói, với Chim Chích lạc rừng, Tô Hoài đã xây dựng được một tứ truyện hay, độc đáo, đưa truyện đồng thoại tham gia thể hiện một chủ đề lớn của văn học thời bấy giờ mà tránh được sự lên gân, hô hào không cần thiết.
Từng chặng đèn ở khắp nơi, sáng rực lên. Thành phố Sài Gòn chói lọi trong ánh sáng. Mặt trời vừa khuất sau những mái lầu bên phía tây, đèn điện bật lên như ngăn trở không muốn cho đêm tối bén mảng đến. Người ở các ngả các xó lũ lượt ngổn ngang từng đoàn từng lũ kéo ra ngoài đường. Họ đi hóng mát. Vào các tiệm, uống ly cà phê, ly nước đá chanh, ly bốc la-de. Có người ăn hủ tíu, một đĩa bánh hỏi, bánh đập… Người ta ăn và uống rầm rĩ, túi bụi lên. Cảnh sống ban đêm của cái thành phố ánh sáng này đông đảo gấp mấy ban ngày.
Cùng với sự sinh hoạt rầm rộ nọ, có một sinh hoạt khác, cũng tấp nập, cũng đông đảo chẳng kém. Ấy là khi đêm lần lần về khuya, người dần dần vắng bớt đi. Ngoài đường, những ngọn đèn nhiều nến được tắt bỏ, đem về cho thành phố những nét dịu dàng mới. Bấy giờ, mặt đường tròn bóng. Người qua lại lác đác. Rồi thỉnh thoảng mới thấy một hai người đi chơi về khuya hoặc vụt qua một bóng xe đạp của thầy mã tà.
Đó, lúc đó, một thế giới hoạt động khác nổi lên. Trong các khe rãnh, các lối cống hai bên vệ đường, họ ra nhiều không thể đếm xiết. Họ đi mò mò. Nhiều lúc, vụt một cái, nối nhau chạy loắt nhoắt, loắt nhoắt vượt qua mặt đường cánh cung, bên này sang bên kia. Đó là khi đi chơi tiêu khiển, hoặc cũng là khi đi uống ly cà phê, ăn đĩa bánh hỏi, chững chạc như mọi người ta. Thành phố của loài người nhưng quá nửa phần đêm về sáng nó thuộc về thành phố của họ.
Ấy là loài nào? Thưa, loài chuột, họ chuột chúng tôi. Phải, chúng tôi gớm ghê như thế đó, chứ sao. Chúng tôi thực xứng đáng với cái địa vị được đem ví von với loài người. Này, thử để ý xem: khắp bốn bể năm châu, chỗ nào có vết chân người, tất chỗ đó có vết chân chúng tôi. Người ở đâu, chúng tôi ở đây. Người ăn gì, chúng tôi ăn nấy. Chúng tôi chỉ hơi khác khác với họ một điều. Như họ thì to lớn, mà chúng tôi thì bé, chỉ bé bằng cái cẳng tay người ta. Tiện đây xin cải chính một điều. Xưa nay, thiên hạ tưởng chúng tôi không biết nói. Xà! Bậy hết sức. Chúng tôi đây cũng biết nói như ai chớ! Chí chí, chúng tôi nói đó. Chúng tôi nói tiếng của chúng tôi. Cũng như người nói tiếng của người. Có cái ngôn ngữ bất đồng, nên cứ tưởng lẫn như vậy. Mà nói về những điểm hơn loài người chúng tôi đây lại còn hơn nhiều. Họ nói, chúng tôi nghe được rõ ràng từng tiếng và họ không nghe được tiếng chúng tôi. Chúng tôi, mới sinh ra đã có râu, có răng. Trẻ con nhà các người nứt mắt đâu đã có răng, đâu đã có râu! Ấy là chưa kể đến cái đuôi dài và nuột nà rất mỹ thuật của chúng tôi, loài người không bao giờ có thể có được rồi. Kém những chỗ ấy nhé!
Nhưng mà hỡi mọi người, mọi người yêu quý của tôi, tôi nói khuếch khoác thế, tất ai đó hẳn đã tức lắm. Chắc có người toan mắng: “Chuột nhép, sống núp bóng ngưòi ta, bặng nhặng cái gì? Ông lại mua con mèo về thì có mà bỏ đời…” Thôi, thôi xin ai đừng mua ông mèo về. Tôi nói đùa mà chơi đấy. Thực ra xưa nay chúng tôi vẫn tôn phục loài người. Người đã làm nhà để cho chúng tôi có nơi ở ké. Người lại làm ra cái bếp để nấu nướng thức ăn, khiến cho chúng tôi có chỗ ăn kẹ. Thỉnh thoảng, người ta lại nuôi một vài chú gà con, để cho các chuột cụ trổ tài quắp trộm.