Giới Thiệu Chiếc Phong Cầm Trong Nhà Thờ Cổ
Nơi tôi ở trọ gần một nhà thờ. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi thường ngồi ở ghế xích đu trước hiên nhà, nhìn thiên hạ đi lễ và chờ đợi tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi lễ tối bắt đầu. Không hiểu sao tiếng chuông kia quyến rũ tôi rất nhiều. Như con chó của Pavlov đã có phản ứng ứa nước miếng mỗi khi nghe tiếng chuông rung dù không có miếng thịt trước mặt, tâm hồn tôi cũng có phản ứng khát khao mãnh liệt một đức tin mỗi khi nghe chuông nhà thờ đổ, dù tôi không phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo.
Buổi chiều nay trời quá nóng. Bữa ăn chiều xong đã lâu. Ngồi đợi mãi vẫn chẳng thấy các con chiên đi lễ và cũng chẳng nghe tiếng chuông đổ, tôi uể oải đi ra biển hóng gió. Con đường dẫn ra biển phải đi vòng phía sau nhà thờ và ngang qua những dãy nhà lá chất đầy những chiếc rổ nhỏ được người lớn, trẻ em đua nhau đan, để bán cho các nhà thầu buôn cá hấp đem lên các tỉnh ở miền cao nguyên. Vượt qua một cồn cát đầy những cây xương rồng hoa nở đỏ ối, tôi đối diện ngay với mặt biển xanh thẩm. Lẫn trong ngọn gió mát từ ngoài khơi thổi vào, thỉnh thoảng có mùi tanh nồng của những con cá óc nóc nằm chết trên bờ gần mé nước. Tôi tiếp tục đi bộ thẳng xuống nơi có miếu thờ cá ông, nơi đó không khí trong lành hơn, vì xa khu dân chài đông đúc.
Trên bãi cát phẳng mịn có nhiều chiếc ghe được kéo lên nằm chờ con nước. Tôi đến ngồi trên một lưng ghe đen bóng, che gió châm thuốc hút, rồi nhìn chăm chăm mặt biển êm. Tôi thầm mong mình sẽ gặp con K. như nhà văn Ý Dino Buzzati đã mô tả. Theo truyền thuyết, con K. là một loài quái vật sống ở biển, nó luôn luôn sát hại kẻ nào đã lỡ nhìn thấy đó, dù cho kẻ đó có tìm mọi cách để chạy trốn. Tôi tưởng tượng con K. có đôi mắt thật lớn (tôi luôn luôn thích những đôi mắt lớn) và rồi chúng tôi sẽ im lặng nhìn nhau trong suốt đêm nay. Phải có một cái gì theo đuổi mình suốt đời dù là kẻ thù (như con K.) tôi thấy đời sống cũng đỡ tẻ nhạt.
– Chị xem ông kia tức cười không ?
– Um, để người ta ngồi suy nghĩ.
Chắc tôi không quay lại nếu tôi không nghe tiếng “Um” lạ tai đó. Có hai chị em gái đang đi vòng phía sau chiếc ghe tôi đang ngồi. Tôi cười hỏi cô em nhỏ :
– Trông tôi tức cười lắm sao ?
Cô nhỏ giơ tay chỉ.
– Tóc ông bay trông giống như con gái.
Cô chị cú lên đầu em nhỏ rồi nhìn tôi.
– Nó liếng lắm, xin ông đừng chấp.
Lúc này tôi mới nhận ra cô chị chính là người thường mặc áo dài trắng đi lễ ngang qua chỗ tôi ăn cơm. Em là một con chiên ngoan đạo và tôi thường nói với bạn bè : trông khuôn mặt dịu hiền của em, chắc lớn lên em phải đi tu, vì đời sống trần tục này không có chỗ nào dung chứa khuôn mặt đó mà không làm nó hư hỏng đi.