Giới Thiệu Chiếc Cáng Xanh
Đứa bé bấy giờ lên năm. Nhưng, vì có lẽ thiên bẩm dồi dào hơn một chút, cho nên đối với những đứa bé cùng tuổi, tôi đã ra dáng biết nhiều, hiểu nhiều hơn chúng. Thật ra, sự hiểu biết ấy cũng chỉ chu tuần ở trong vòng tình cảm mà thôi. Nói một cách khác là tôi đã sớm biết rung động rất nhiều trước một cảnh vật khả ái, hay trước cái tình lưu luyến mênh mông của một bà mẹ.
Cảnh vật thứ nhất đã đắm mê tôi là cái cảnh rừng núi trên con đường từ làng nội tôi đến làng ngoại tôi, tôi có thể nói là bắt đầu từ con đường ấy và người đàn bà ấy. Những cảm giác đầu tiên của tôi, là do người đàn bà và cái cảnh đường ấy in vào trong tâm hồn tôi. Và nay tôi là người thế nào, là do những cảm giác đầu tiên đó đã đúc nên vậy.
Cuốn truyện của đời tôi, không biết đến bao giờ mới chép đến trang cuối, nhưng mỗi khi giở lại mấy trang đầu, bao giờ tôi cũng thấy sa xuống trên màu giấy trắng toát, sa xuống cái bóng âm u của người đàn bà ấy mà tôi được gặp đầu tiên trong cõi đời trần thế của tôi. Vì bao giờ tôi cũng tỉ dụ rằng: trái với sự quả quyết của khoa học, một kiếp sau sẽ có, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài cõi đất. Trong cái kiếp sau ấy, tôi sẽ còn gặp lại mẹ tôi và cũng ở trên con đường ấy, từ làng nội đến làng ngoại tôi. Một người đàn bà hiền hòa khả ái như mẹ tôi, không phải là Thượng đế chỉ cho ta gặp một lần rồi để không bao giờ gặp lại nữa. Tôi ước nguyện rằng lòng tin sẽ tạo ra sự thực. Và nhờ thế, mẹ tôi chưa chết hẳn. Không, một người như mẹ tôi không thể nào chết hẳn được. Mẹ tôi không hẳn chỉ là một người mẹ, chỉ thế, trong linh hồn ấy cũng đã ẩn chứa một sứ mệnh thiêng liêng, một nguyên lý bất diệt.
Tôi không nhớ rõ lần ấy là lần thứ mấy tôi theo thầy mẹ tôi từ làng nội về làng ngoại. Nhưng làm sao tôi quên được cái buổi chiều mát lạnh ấy, mà gió lên vội vàng, hấp tấp, đêm xuống nhanh như để giành cướp lấy cái buồn vắng của một chiều thu tàn. Thoảng bên tai, tôi còn nghe mẹ tôi vừa nhổ bãi trầu cái toẹt, vừa giục người nhà:
– Các chú sửa soạn mau lên một tý. Mặt trời chỉ còn một lẻ sào nữa thôi. Liệu đấy!
Một lát sau tôi trông ra phía núi, thì mặt trời đã đỏ gay, to bằng cái nia, chỉ đợi tôi ngoảng mặt đi là trụt dần xuống núi.
Môi tôi vẫn hối những người đầy tớ:
– Đi sớm được tí mô hay tí nấy. Các chú khần khừ thế này, thì đêm đến canh hai cũng chưa đi được.
Một người tớ già, ngồi xếp những thức ăn vào một cái quay, ung dung nói:
– Thưa bà, chả có việc chi mà phải gấp cả. Mười chín nín trâu. Hôm nay mười chín, thì dễ thường cũng phải đợi đến đầu canh hai mới có trăng.
Mẹ tôi cười:
– Tôi cũng không tính việc hôm nay có trăng.