Giới Thiệu Bùn lầy nước đọng
Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh ngày 11/10 năm Đinh Mùi tức 16/11/1907, tại làng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Nguyên quán: làng Cẩm Phô, xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bút hiệu khác: Tứ Ly, Tường Minh… Theo Nguyễn Văn Xuân, dòng họ Nguyễn Tường gốc ở Bình Định: Ông Nguyễn Tường Vân người Bình Định, làm Binh bộ Thượng thư, có hai con trai nhập tịch Cẩm Phô, Hội An, là Nguyễn Tường Vĩnh, phó bảng, tuần vũ Vĩnh Long và Nguyễn Tường Phổ, tiến sĩ, dạy học và nhà thơ. Nguyễn Tường Phổ sinh ra Nguyễn Tường Tiếp, tri huyện Cẩm Giàng, nổi tiếng hay chữ, và là ông nội của Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo là người con thứ tư trong một gia đình bẩy anh chị em: Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Tường Cẩm, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), và Nguyễn Tường Bách. Cha là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), một nhà nho không thành đạt (mất ngày 23/10/ năm Mậu Ngọ), mẹ là bà Lê Thị Sâm, tần tảo buôn bán nuôi bảy người con. Khi các con đã trưởng thành, bà đi tu và mất năm 1963 tại Sài Gòn.
Thuở nhỏ học trường huyện, tên là Nguyễn Tường Tư (chính ra là Tứ, nhưng vì trùng tên một người bạn của cha, nên đổi là Tư), sau không đủ tuổi để đi thi, gia đình khai thêm bốn tuổi đổi tên thành Nguyễn Tường Long, và đổi ngày sinh (trên giấy khai sinh) thành 3/4/1903.
Sau bậc tiểu học, Tường Long bị ốm nên tự học tại nhà. Năm 1924, đậu bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, và liền đó đỗ vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1927, ông vào làm tham tá Ngân khố Hà Nội. Tiếp tục học thêm, đậu tú tài Pháp và chuyển sang ngạch Tư pháp, làm tham tá lục sự từ năm 1929, trong các toà “Tây án” ở các tỉnh Trung, Nam, Bắc. Trong thời gian này, có lần đã được bổ tri huyện, nhưng ông từ chối.
Năm 1932, Nguyễn Tường Long đang làm việc ở Sài Gòn, được đổi về Hà Nội, Nhất Linh mua lại tờ Phong Hoá của Phạm Hữu Ninh và ngày 22/9/1932 báo Phong Hoá tái bản với nội dung và ê-kíp mới. Năm 1933, thành lập Tự Lực Văn Đoàn, cùng năm ấy, Nguyễn Tường Long lập gia đình với cô Marie Nguyễn Bình (1913-1975), được bốn người con: ba gái, một trai.
Trên Phong Hoá, Nguyễn Tường Long lấy bút hiệu là Tứ Ly (giờ xấu nhất trong ngày), viết những bài đả kích châm biếm toàn bộ hệ thống quan lại của chính quyền thuộc địa và Triều đình Huế, bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, Phong Hoá bị đóng cửa. Tờ Ngày Nay -trước đã ra kèm với Phong Hoá, trong 18 số đầu, chuyên về hình ảnh- từ số 19 trở đi chuyển sang văn nghệ. Trên Ngày Nay, trong mục “Trước vành móng ngựa”, Hoàng Đạo ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước toà tiểu hình Hà Nội.
Năm 1939, Nhất Linh thành lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Vì đảng chủ trương công khai chống Pháp và lật đổ triều đình Huế, cuối năm 1940, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Nguyễn Gia Trí bị Pháp bắt, bị đi an trí tại Vụ Bản thuộc Châu Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình (theo tiểu sử Hoàng Đạo, do gia đình soạn. Nguyễn Tường Bách trong Việt Nam những ngày lịch sử và một số tài liệu khác, chép là Sơn La), mãi đến năm 1943 mới được giải về quản thúc tại Hà Nội. Trong thời gian đó, Thạch Lam và Nguyễn Tường Bách tiếp tục quản trị tờ Ngày Nay đến cuối năm 1941, mới bị đóng cửa. Năm 1942, Nhất Linh chạy sang Quảng Châu, Thạch Lam mất tại Hà Nội. Hoàng Đạo và Nguyễn Tường Bách tiếp tục lãnh đạo phong trào. Theo lệnh của Nhất Linh từ Trung Quốc gửi về, báo Ngày Nay tục bản ngày 5/3/1945, với Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí…