Giới Thiệu Bức Thư Hối Hận
Nam Việt ta nằm nhằm vùng nhiệt đới, bởi vậy qua tiết tháng hai thì thiếu cảnh xuân tốt tươi mát mẻ đó. Ban ngày, hễ mặt nhựt lên cao, thì chói chang nóng như đổ lửa làm cho cỏ cây khô héo, con người nực hầm. Trong chốn đồng áng, nhờ ngọn gió chướng đẩy đưa phá tan hơi nóng, người ta được hưởng mát mẻ ít nhiều, chớ ở tại thủ đô Sài Gòn hay ở vùng ngoại ô cũng vậy, ngồi trong nhà như ngồi giữa lò, đi ngoài đường như đi dưới ngọn lửa.
Phải sống với cảnh đời cực khổ mệt nhọc đó, bởi vậy thi sĩ cũng như lao công, cả thảy đều thích mặt trăng chớ không ưa mặt trời, nghĩ vì sáng lạng mà nóng hầm thì khổ quá, thôi thì thà là lu mờ mà khoẻ khoắn mà dễ chịu hơn.
Tuy vậy mà nắng nóng không đủ oai thế làm cho con người kiêng nể, khiếp sợ đâu. Nắng nóng mặc nắng, đi làm vẫn cứ đi.
Hôm ấy, vừa tảng sáng, trên đường quan lộ nằm ngang qua xóm Chí Hòa, người ta đi dập dìu, tốp bảy tốp ba, người ngồi xe, kẻ đi bộ nối nhau đổ xuống Sài Gòn đặng mưu lợi cầu danh, hoặc làm công làm thợ.
Sau một đêm nghỉ khoẻ, những người ở dọc theo đường nầy thảy đều thức dậy ra sân mà hưởng thêm chút thanh khí ban mai, để lấy sức cho đầy đủ mà chống chỏi với hơi nóng sắp tới, nó sẽ hừng hực lại từ giờ thìn đến giờ dậu.
Cũng như các người khác, thầy Hai Thanh, tuổi trên sáu mươi, tóc đã bạc trắng, răng đã rụng bộn, sớm mai nầy thầy đi mấy vòng trong sân rồi thầy bước thẳng ra lộ. Trước đứng hứng mát chơi, sau xem thiên hạ đi chợ. Thầy ngó xuống phía nhà ông Ba Chánh, là bạn cố giao của thầy, trước kia làm thầy thuốc mà sanh nhai, sau nầy con ông đã giàu, tuổi ông đã lớn nên ông húng hính, dưỡng nhàn, vui với bình trà trưa sớm. Thầy Hai Thanh thấy người ta giụm năm giụm bảy đứng ngó vô sân ông Ba Chánh. Cách một lát có một chiếc xe hơi từ phía Sài Gòn chạy lên bóp kèn rồi quẹo vô sân nữa.
Thừa trời còn mát, thầy Thanh thủng thẳng lần bước xuống phía đó coi nhà ông bạn có việc chi mà người ta tụ tập khác thường. Vừa tới đó thì thấy giữa sân có 2 chiếc xe hơi đậu song song, xe mới tinh và bóng láng, một chiếc hiệu “Cheverolet” mui kiếng và một chiếc hiệu “Renault-sport”. Phía sau lại còn thêm một chiếc xe nhỏ, hiệu “Citroen”, mui sập.
Lê Thành Cang, rể của ông Ba Chánh, chủ hãng xe hơi Việt Nam dưới Sài Gòn đương đứng dựa bên xe Renault mà nói chuyện với Bác vật Hoàng là anh vợ của Bác vật Lê Thành Nghiệp.
Bà chủ hãng Huyền, vợ của Lê Thành Cang, cùng với con trai là Lê Thành Nghiệp và dâu là cô Loan, em gái của Hoàng, đương coi cho người xách hành lý ra để lên chiếc xe Chevrolet.
Lại thêm sốp phơ với thợ máy lăng xăng chung quanh mấy chiếc xe, người lau chùi mấy tấm kiếng, người kiểm điểm lại vỏ ruột.
Ông Ba Chánh là cha đẻ của bà chủ hãng Huyền, ông mặc bộ đồ trắng bằng lụa, may rộng xúng xính, đứng trong hàng ba vuốt râu mà ngó con cháu sửa soạn cuộc du lịch của vợ chồng Bác vật Nghiệp mới thành hôn tháng trước. Ngó thẳng ra đường ông thấy thầy Hai Thanh lơn tơn xuống tới, ông bèn bước dồn ra sân mời thầy vào chơi.