Giới Thiệu Bên sông Trà Lý
Thuộc thế hệ nhà văn 5X, đã trải qua chiến tranh, Bùi Thanh Minh có một độ dày sáng tác tuy không đồ sộ nhưng cũng đáng kể với 5 tập truyện ngắn (Kể về một mối tình, Quà bất tử, Trên bến sông Trà, Đêm nổi bão, Biển cạn) và 3 tiểu thuyết (Bên sông Trà Lý, Cõi đời hư thực, Giời cao đất dày). Tiểu thuyết của Bùi Thanh Minh tuy chưa tạo được sóng dư luận nhưng vẫn được người đọc quan tâm bởi những vấn đề nóng của xã hội phản ánh trong đó. Bên sông Trà Lý viết về điểm nóng nông thôn ở tỉnh Thái Bình, Cõi đời hư thực xoáy sâu vào thân phận, cảnh ngộ người lính sau cuộc chiến tranh chống Mỹ; họ không thoát ra khỏi dư ảnh của một thời hào hùng đã qua.
“… Một buổi sáng kết thúc căng thẳng, mệt mỏi. Định và mười bị can đứng dậy đi trong sự áp giải của công an về nơi tạm giam. Anh đang đi trên chiếc cầu cheo leo của lòng tin. Nó như chiếc cầu độc mộc hồi anh mới nhập ngũ. Tiểu đội trưởng bảo: “Dũng cảm lên, tin tưởng vào mình, nhất định sẽ đi qua”. Định hiểu chiếc cầu nhỏ bé mong manh quá, nó chỉ đặt vừa bàn chân, dễ ngã lắm. Bao nhiêu năm chiến trận, hàng trăm trận đánh, nhiều trận tưởng thất bại trong tầm tay. Vậy mà chưa bao giờ anh để mất lòng tin như bây giờ. 40 tuổi, cái tuổi “tứ thập bất hoặc”, cái tuổi đã leo đến ngọn chót cùng của đời, thì lòng tin bị mất. Chao ôi! Những ai đã từng sống và đổ máu vì một lý tưởng, mới thấm cái đau của sự mất lòng tin vào lý tưởng đó. Kẻ sống không có niềm tin như người sống không có trí não. Tìm một niềm tin, không phải muốn là có được. Chọn nó, đi theo nó, dùng máu để chứng minh và hy sinh cả cuộc đời vì nó. Định biết, lời buộc tội của Viện kiểm sát đối với anh, chỉ riêng tội danh chủ mưu tổ chức hoạt động phá rối an ninh, cũng phải bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm, nếu hậu quả nghiêm trọng có khi còn cao hơn nữa. Định nhớ lại ngày anh được kết nạp vào Đảng ở chiến trường. Hôm đó, giữa tiếng bom đạn gầm rú đến rợn tóc, trong chiếc hầm dưới lòng đất, Định đã giơ nắm tay thề trước lá cờ búa liềm, sẽ hy sinh, chiến đấu vì lý tưởng đến hơi thở cuối cùng. Bây giờ ngồi tự kiểm điểm lại, chưa bao giờ anh quên lời thề đó. Ở mặt trận mới này, anh vẫn chiến đấu, chiến đấu quyết liệt để bảo vệ sự trong sáng của Đảng, sự vững mạnh của chính quyền, bảo vệ nhân dân. Vậy mà… tiếng cửa sắt “roang roảng”, cửa mở ra. Người quản giáo đẩy vào lưng Định, rồi khép lại tấm cửa sắt đánh “rập”, quàng sợi xích, bấm khóa “cắc”. Thế là hết! Trời ơi, lòng tin ở đâu mà ra? Vì sao lòng tin là do ta, của ta mà không phụ thuộc vào ta?…”. (Trích đoạn trong tiểu thuyết Bên sông Trà Lý của nhà văn Bùi Thanh Minh).
Định dừng bước ở mỏm đê nơi cửa con sông Trà Lý đổ ra biển Đông, thẫn thờ nhìn ra khơi xa. Chiều đầu đông, gió bấc hun hút se se lạnh. Nước triều đã rút ra khỏi bờ dồn lại ngoài khơi xa như con đê màu nâu nhạt, để lại bãi cồn mênh mông vắng lặng. Thưa thớt vài con chim mố đứng côi cút trên cồn cố kiếm những miếng mồi cuối cùng trong ngày. ở phía mù khơi, trên sóng nước bập bùng, dưới bầu trời ảm đạm, một cánh chim đơn lẻ, thoi thóp, chập chờn ngược gió cố bay về hướng Đồ Sơn. Nắng chiều đông ngẩn ngơ hắt vào nền trời làm những vệt mây chiều như rớm máu. Gần chân bờ, rừng sú vẹt trải một vệt xanh mờ âm u.
Định ngồi xuống vạt cỏ nhàu nhàu ven đê, dõi ánh mắt lang thang theo cánh chim trời một lúc, rồi mệt mỏi cúi xuống miên man nhìn dòng sông Trà Lý một màu xám nhạt. Cảm giác dưới đáy nước thăm thẳm, mông lung như chứa một thế giới huyền bí ghê rợn ở trong lòng. Nơi cửa sông, duy nhất chỉ còn chiếc thuyền máy trơ trọi neo giữa dòng sông hoang vắng. Định còn nhớ, hồi nhỏ mỗi khi rủ bạn bè ra sông Trà Lý tắm, ông nội thường đe: “Sóng cửa Trà, ma cửa Hộ đấy con ạ”. Vậy mà suốt ngày của cái thời thơ ấu ấy, Định đã bơi lội, lặn ngụp, mò cua, bắt cá ở cửa sông này, Định chả thấy ngọn sóng nào đáng sợ cả. Ngược lại, dòng Trà Lý gắn bó với Định như thể Định là đứa con do sông sinh ra. Đến nỗi, sau này lớn lên, mỗi lần đi xa trở về, Định lại ra cửa sông để tắm mình trong kỷ niệm. Nếu là mùa hè, Định cởi bỏ quần áo như để trút hết phiền muộn ở trên bờ, rồi lao xuống dòng sông, cưỡi lên đầu sóng và chui vào lòng nước. Dòng nước mằn mặn mát rượi ve vuốt mơn trớn, nhấm nhứt da thịt Định tạo nên một khoái cảm vô bờ. Nước nhấc bổng Định lên chơi vơi, rồi lại nhận chìm ôm gọn vào lòng đến thót bụng, tắc thở. Định như đứa trẻ sà vào lòng mẹ nô đùa làm nũng. Vậy mà hôm nay, khi mà Định rất cần đến sự an ủi, vuốt ve của nó, thì dòng sông lại như một kẻ bội tình với dòng nước hững hờ, ghẻ lạnh. Định buồn quá, nỗi buồn ngẩn ngơ, cay đắng. Trước mặt Định là dòng Trà Lý uốn quanh những xóm làng rồi xoè những nhánh của nó ra biển Đông như chiếc quạt. Sau lưng Định, dưới chân đê là làng Bùi yêu thương của anh đang giấu mình dưới rừng tre xanh nhạt. Định sinh ra ở cái làng nhỏ bé này. Dòng Trà Lý đã tắm mát cả cuộc đời anh. Đất làng Bùi đã nuôi anh lớn lên, bồi đắp tâm hồn anh bằng những huyền thoại lịch sử và bao kỷ niệm ngọt ngào cũng như cay đắng của nó.
Làng Bùi của Định, xưa còn gọi là tổng Nam Sơn. Sau cải cách ruộng đất (năm 1955) nó được nhập vào làng bên để thành xã Minh Hải. Giữa làng có ngôi đình để thờ Thành hoàng. Sân đình còn có cây bàng cổ thụ.