Giới Thiệu Ánh Sáng Dưới Lòng Sông
Ông với nó thân nhau như cha con. Ông bán báo trước bưu điện và nó giữ xe cho người ta gửi thư hoặc gọi điện thoại. Không hiểu nó thích ông vì lý do gì. Còn ông thích nó vì nó ngộ. Chưa từng thấy thằng giữ xe nào thật thà như nó, thật thà quá thành ra… ngộ. Ông hơn nó ở chỗ nhiều tuổi, nó hơn ông ở chỗ còn lúng túng khi nói xạo. Cả hai bù trừ cho nhau. Hễ rỗi rãi thì hai cha con lại chụm đầu rủ rỉ tâm tình. Có một lần cái “tâm tình”của nó hơi khang khác.
– Con nhỏ áo trắng gởi thư ba ngày liên tiếp, ông biết tại sao không?
– Chuyện đó làm sao tao biết, mà con nhỏ đó… là con nhỏ nào?
Nghe thằng con trai tả một hồi, ông cũng nhớ ra. Đó là cô bé ốm ốm, đeo kiếng cận. Cô bé thường đi gởi thư. Nhưng nhiều người cũng đi gửi thư vậy. Bưu điện người ra kẻ vào, có cô xinh như hoa hậu. Cô bé này không phải là hoa hậu. Vậy mà nó chú ý. Một sự chú ý hơi khác thường, đối với một thằng giữ xe. Chú ý đến nỗi con nhỏ vô trong rồi mà mắt nó vẫn mò theo. Nó thấy con nhỏ lấy thư ra, che che sợ ai nhìn, đọc đi đọc lại, kiểm tra tới lui rồi mới chịu dán lại, bỏ vô thùng. Cẩn thận quá mức. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự nâng niu đó. Bên ngoài có thùng thư nhưng con nhỏ vẫn vô tận trong (mà vô tận trong thì phải gởi xe), chắc nó sợ thư bị thất lạc. Cái người nhận thư làm sao biết được tất cả sự lo lắng đó.
Cô bé gởi thư đến ngày thứ tư liên tiếp. Hai “cha con” sinh tật như đàn bà: “Có chuyện gì?”. Vẫn như mọi lần, cô bé lại đưa cái thẻ xe và đưa thêm năm trăm đồng. Cái thẻ thì thằng giữ xe nhận còn năm trăm thì không, lật đật chạy tuốt luốt như thằng ăn cắp. Con nhỏ cầm năm trăm đồng nhìn theo, rồi đi. Nó thiệt tình: “Con nhỏ gởi xe bốn ngày, vậy là mất hai ngàn, tốn tiền quá!”. Tốn tiền quá! Nó nói làm như hai ngàn đó chui vô túi ai chớ không phải túi nó. Ông già tâm lý:
– Mày thích nó hả?
Nó cười ngỏn ngoẻn:
– Con nhỏ dễ thương hen? Hình như nó nhìn tui rồi cười với tui phải hông?
Ông già chưng hửng. Con nhỏ có cười hay không thì chỉ có con nhỏ với cái khẩu trang biết chứ làm sao ông biết. Nhưng nhìn vào đôi mắt đựng hết ánh nắng buổi sáng của “thằng con trai”, ông cảm giác như chữ “không” hoặc “không biết” nhòn nhọn. Ủa, cái con người cứng còng, đen đúa, xộc xệch như nó mà cũng biết đến sự lay nhẹ của tình cảm sao? Ông thấy mình có trách nhiệm nương nhẹ cái chờ đợi, hy vọng trong đôi mắt đó, có trách nhiệm vun vén cho cái tình – cảm – năm – trăm – đồng của “thằng con trai”. “Ờ, tao thấy nó cười… cái khẩu trang của nó rung rung…”. Lòng ông chộn rộn vì những tia sáng lao xao trong mắt nó. Nó huýt sáo, nói chuyện ồn ào hơn, hưng phấn hơn. Chỉ vì một nụ cười có thể có mà cũng có thể không, đằng sau cái khẩu trang. Mà có thì sao? Một nụ cười rất thoáng qua. Ông kéo dài thêm niềm hạnh phúc, bây giờ không chỉ là của nó, mà còn là của ông: “Con nhỏ gởi thư liên tục bốn ngày thì có thể đang… tìm bạn bốn phương, mà phải tìm đến bốn phương thì có nghĩa là chưa có bạn. Khà… khà…”. Giọng cười của ông cứ như lời đốc thúc: “Vậy mày làm bạn với nó đi!”. Thằng giữ xe muốn gởi thư cho con nhỏ. “Mày ghi gì ở trỏng?”. Nó tằng hắng, vuốt vuốt tóc, vuốt vuốt áo rồi đọc một hơi: “Lưng chừng mùa thu đến – Lưng chừng lá vàng rơi – Lưng chừng em và tôi – Tình yêu hay tình bạn?” Ông cười rũ cả người, còn nó cũng vừa cười vừa thở. Tác giả mà nghe nó đọc, chắc hết dám làm thơ. Mà cũng may, bài chỉ có bốn câu, chứ cỡ tám hay mười sáu câu thì không biết nó ra sao…