Việt Nam thời Pháp đô hộ – Nguyễn Thế Anh

Việt Nam Thời Pháp Đô Hộ - Nguyễn Thế Anh

Giới Thiệu Việt Nam thời Pháp đô hộ – Nguyễn Thế Anh

Việt Nam thời Pháp đô hộ được dùng làm tài liệu giảng dạy khi môn lịch sử Việt Nam được dạy bằng tiếng Việt tại các trường đại học ở miền Nam trước đây. Tuy nhiên với tinh thần khoa học trong sáng, nghiêm túc; kỹ năng khai thác, xử lý tài liệu tài tình, quyển sách này của Nguyễn Thế Anh (NTA) đã vượt khỏi phạm vi một quyển giáo trình Việt sử để trở thành một cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về một thời quá vảng của lịch sử dân tộc. Nội dung sách được chia làm 3 phần.

Phần 1 nói về Sự chiếm cứ quân sự của Pháp.

Phần này bao gồm phần mở đầu về nguyên nhân khiến Pháp can thiệp vào Việt Nam và 3 chương khái quát về quá trình đấu tranh với Pháp đến khi phong trào Cần Vương thất bại. Đặc biệt với khả năng nghiên cứu tài liệu Pháp ngữ của mình, tác giả đã khắc họa tài tình những nỗ lực mong muốn xâm chiếm Việt Nam trong lòng xã hội Pháp cũng như những trớ trêu của lịch sử! Sự mở rộng xâm chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kì, Bắc kì chỉ là những cuộc phiêu lưu quân sự của quân đội viễn chinh Pháp tại Việt Nam nhưng lại đem lại lợi ích ngoài dự kiến cho chính phủ Pháp[1].

Phần 2 của tác phẩm trình bày về Chế độ thuộc địa.

Phần này gồm 3 chương nói về Sự tổ chức guồng máy cai trị, Sự khai thác kinh tế, Các sự biến đổi xã hội. Trong phần này, tác giả đã sử dụng nhiều số liệu về thuế khóa, tài chính, tình hình khai thác kinh tế Việt Nam dưới chế độ thuộc địa… Việc sử dụng thuần thục phương pháp lượng tính đã giúp Nguyễn Thế Anh thể hiện rõ nét bức tranh xã hội thuộc địa Việt Nam thời Pháp đô hộ nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Những thay đổi về chính sách cai trị, kinh tế của chế độ thuộc địa đã dẫn đến một hệ quả quan trọng đó là làm biến động cấu trúc xã hội Việt Nam sau hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến. “Những yếu tố khác nhau này làm cho sự diễn biến xã hội trở nên phức tạp, trong khi các lưu phẩm truyền thống không biến đi ngay lập tức: giai cấp sĩ phu vẫn giữ lại uy tín cũ của họ” [tr.207]. Và chính “lưu phẩm truyền thống” này đã khơi mào cho các phong trào quốc gia (cách gọi của NTA) về sau.

Phần 3 của tác phẩm chính là đề cập đến các phong trào quốc gia của Việt Nam với tên gọi Phản ứng của dân Việt Nam đối với chế độ thuộc địa.

Phần này cũng gồm có 3 chương. Ở phần này, Nguyễn Thế Anh có một cách nhìn đương tối khác về phong trào yêu nước Việt Nam thời cận đại. Nguyễn Thế Anh đã gắn phong trào yêu nước Việt Nam với các thế hệ trí thức người Việt[2]. Giai đoạn đầu của phong trào gắn liền với tầng lớp thượng lưu cũ: giới sĩ phu cầm đầu nổi dậy kháng Pháp (phong trào Cần Vương, Văn Thân). Giai đoạn hai gắn liền với tầng lớp nho sĩ cấp tiến và dân chủ tư sản. Giai đoạn thứ ba thì gắn với tầng lớp bình dân qua trung gian các nghiệp đoàn và Đảng Cộng sản. Và cột mốc tác giả chọn để kết thúc giai đoạn thời Pháp đô hộ này là sự kiện ngày 19/12/1946.

***

Dù đã ra đời cách đây khá lâu (1970) nhưng Việt Nam thời Pháp đô hộ vẫn là một tài liệu cần phải tham khảo nếu ai muốn tìm hiểu về “một giai đoạn lịch sử ngắn ngủi, nhưng để lại rất nhiều tài liệu, mà chỉ mới có một phần được khai thác…còn bao nhiêu vấn đề chưa được giải thích, còn nhiều khía cạnh cần phải đào sâu” [tr.9]. Đó là giai đoạn cận đại sử của Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thế Anh đã phác thảo một bức tranh đầy màu sắc, trung thực về một thời kì đầy biến động trong lịch sử Việt Nam, tác giả đã viết: “Xin độc giả đừng tìm trong quyển sách này những sự khen chê. Tinh thần vô tư của sử học chỉ cho phép người viết phát biểu những nhận xét mà người viết mong là khách quan tuy thái độ khách quan khó mà đạt được đối với những vấn đề còn gây nhiều tranh luận” [tr.10].

5/5 - (1 bình chọn)

Đọc Online Việt Nam thời Pháp đô hộ – Nguyễn Thế Anh

Đọc Onine

Download Ebook Việt Nam thời Pháp đô hộ – Nguyễn Thế Anh

Exit mobile version