Giới Thiệu Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam
Xã hội với tư cách một cộng đồng mà trong đó các quan hệ được điều tiết trên cơ sở của nhà nước và các quan hệ chính trị, là đối tượng của nhiều chuyên ngành khoa học, trong đó có triết học chính trị. Cả ở Phương Đông và Phương Tây, triết học chính trị đã ra đời rất sớm và có những đóng góp lớn lao cho sự phát triển tri thức cũng như thực tiễn, qua các thời đại khác nhau. Trong tiến trình không có điểm kết thúc đó, những tư tưởng của Montesquieu đóng một dấu ấn rất riêng, không chỉ hằn sâu lên thời điểm lịch sử đã qua mà còn lên đời sống chính trị – xã hội ngày nay.
Trong những năm gần đây, Đảng, nhà nước, và các tầng lớp nhân dân ta đã nhận ra rằng cải cách chính trị, với những bước đi thích hợp, đang trở thành vấn đề ngày càng hết sức bức thiết. Trên tinh thần đó, khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã được nêu lên tại văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX (04/2001) [18, 131]. Sự cấp thiết này như thế nào còn thể hiện ở sự kiện là ngay sau Đại hội IX, cùng với việc tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị vẫn đang tiếp tục nổi lên như một vấn đề lớn trong đời sống chính trị, liên quan đến sự sống còn của chính chế độ.
Thật ra, với việc khẳng định về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ta cũng chỉ mới ở giai đoạn định hướng phát triển cho nhà nước cách mạng Việt Nam, mà không có nghĩa là đã có được nhà nước pháp quyền, cũng không có nghĩa là các vấn đề lý luận và thực tiễn về nó đã được giải quyết rốt ráo. Trạng thái “mắc kẹt” giữa hình mẫu pháp quyền Phương Tây với tư tưởng và mô hình pháp trị lịch sử và đương đại Phương Đông – mà dường như chưa có lối ra hợp lý – đang là một thực tế lý luận ảnh hưởng rất lớn lên việc định hình một nhà nước pháp quyền mang tên xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh này, về mặt triết học, bên cạnh điều đương nhiên là tiếp tục nghiên cứu triết học Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì việc tìm hiểu tư tưởng triết học chính trị của các bậc tiền bối, cũng như các triết gia hiện đại, đương đại là một việc không thể thiếu. Hơn thế, để hiểu đúng, đủ và sâu về nhà nước pháp quyền – một điều kiện lý luận không thể bỏ qua trước khi có được nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì việc tìm về, tìm đến Montesquieu – người đã lần đầu tiên định khung có hệ thống gần như toàn bộ các vấn đề về nhà nước pháp quyền – lại càng có tầm quan trọng.
Khai thác tư tưởng triết học của Montesquieu trên tinh thần tiếp thu có phê phán tinh hoa tư tưởng nhân loại, không phải là một vấn đề thuần túy lịch sử triết học, mà chính là thông qua đó góp phần nhận thức và tìm phương hướng cho những vấn đề thực tiễn chính trị, xã hội, cũng như nhận thức những vấn đề học thuật của triết học chính trị nói chung.