Trà Kinh

Trà Kinh

Giới Thiệu Trà Kinh

Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người. Người Việt Nam đã uống trà từ ngàn năm nay, nhưng có lẽ đây là quyển sách đầu tiên viết về nghệ thuật uống trà của Đông phương bằng Việt ngữ tương đối đầy đủ hơn cả.
Người viết cũng chân thành thưa rằng chúng tôi phần vì cơm áo, phần vì hoạn nạn, phải tá túc ở nơi cô lậu man dã, vừa ở xa trung tâm văn hóa, lại vừa không được gần gũi các vị trí giả. Quyển sách nhỏ này cũng như nhiều quyển sách khác, phần lớn được viết như lối tự tiêu khiển của một gã học trò già sống cô độc giữa trời đất đá cỏ cây. Kính mong chư vị thiện trí thức lượng xét cho rất nhiều khuyết điểm ở đây.
Kính cẩn
San Jose tiết Vũ Thủy mùa Xuân Bính Dần
Người Việt ta dường như mở mắt chào đời đã thấy trà, uống trà trọn đời và cho đến chết vẫn còn được tẩm liệm với trà (chưa kể “được” con cháu pha trà cúng trong các dịp Tết, giỗ). Thế nhưng viết về trà thì gần như chưa có ai viết cả. Tìm tài liệu trong sách xưa, tôi tìm từ các trứ tác của nhà học giả lỗi lạc Lê Quí Đôn (người đã từng ghi chú kĩ lưỡng hàng trăm loại lúa gạo trồng ở Việt Nam trong bộ “Bách Khoa” Vân Đài Loại Ngữ) cho đến toàn bộ trứ tác của gia đình danh sĩ họ Ngô (Ngô gia văn phái) trở lên các tác giả thời kỳ Lý Trần… cũng chỉ thấy ghi vô cùng sơ lược. Cho đến các tác giả cận đại, khi mà trà đã phổ biến và nổi tiếng khắp thế giới với nhiều bộ sách lớn và quan trọng viết về trà, thì tình cảnh cũng không khác. Trong thi văn thì trái lại, trà luôn được nhắc nhở. Tuy nhiên phần lớn vì nhiều tài liệu và giàu óc tưởng tượng, nhiều thần thoại tưởng tượng đã nhiều khi được biến thành giai thoại. Có lẽ độc giả hơn một lần, đâu đó, được đọc về các chuyện “Trà Tiên”, “Trảm Mã Trà”, “Hầu Trà”… có nhà văn còn cam đoan rằng đã từng được một bạn Tàu nào đó cho uống một thứ trà: “Chỉ cần một chén nhỏ thôi là thức ăn đầy bụng sau một đại tiệc bỗng tiêu tan cả, bụng lại thấy trồn và dường như sẵn sàng ăn hết cả một con heo quay…”. Hoặc “gắp một miếng thịt bỏ vào chén trà, một phút sau thịt tan rã cả ra”…
Ngay cả các vị đã từng đọc nổi Trà Kinh của Lục Vũ cũng nhiều khi không thấy được cái giới hạn của cuốn “thánh kinh” này trong không gian và thời gian của nó (thế kỷ thứ 8). Chính tôi đã được hầu trà cho các vị thúc bá trong gia đình. Được nghe các lão Nho bàn về trà Long Tĩnh, Vũ Di… (các thánh địa của trà), có cụ đã gửi hàng lạng vàng cho các thương khách Tàu, và chờ đợi hàng nhiều tháng để đổi cho được vài lạng trà thượng hảo hạng. Nghệ thuật thưởng thức trà của các cụ, quả thật là cao cường mà hạng tiểu tử như tôi mới là thứ nòng nọc vừa đứt đuôi trong giếng hẹp. Thế nhưng thấy các cụ vẫn quá tôn kính với những đại danh Vũ Di Sơn, Mộng Đình Sơn, Long Tĩnh… mà không nhất quán với các danh từ riêng về trà như “Tiền Minh, Hậu Minh, Tiền Vũ, Hậu Vũ…”. Một lần đánh bạo bàn góp, rằng thưa tỷ như trà Vũ Di có mấy chục loại, nào là Thiết La Hán, Phật Thủ, Thủy Tiên (tên trà chứ không phải trà Hoa Thủy Tiên), Thanh Hương, Đại Bạch, Đại Hồng Bào, Công Phu… Mỗi loại lại có năm bảy hạng. Vậy đúng hơn cần phải nói như thế nào? Suối Hổ Sơn có hai dòng, chảy dài mấy cây số, vậy phải chọn địa điểm nào để múc nước?
Trở lại chuyện trên, tôi muốn nói trà là một nghệ thuật lớn. Khởi từ nơi trồng, địa hình, khi núi gió mưa nắng tuyết nhào nặn thành lộc non lá nõn, cho đến khi pha trà, uống trà, đều là một nghệ thuật. Mà mỗi chặng, mỗi nhịp đều phải đạt được cái chân nghệ thuật thì cái đích cuối cùng: Một ly trà ngon, mới thật là viên mãn. Đâu phải cứ trà Vũ Di là phải ngon.
Vì vậy trong tất cả các sản phẩm của nhân sinh, trà có thể được coi là một nghệ thuật tinh vi nhất. Nó không giống như các sản phẩm “Cam Xã Đoài”, “Nhãn Hưng Yên”… Trà Vũ Di chẳng hạn, cùng một ngọn núi cùng một vườn trà, người ta có hàng trăm loại trà khác nhau. Cùng một vườn nhé, trà “Đông pha” bao giờ cũng hơn trà “Tây pha” vì hướng Đông nhận tia nắng mặt trời trước, phản ứng sinh trưởng của cây trà hướng đông khác hẳn cây trà ở phía Tây. Rồi cùng một cây trà thôi nhé, nên nhớ cây trà được hái nhiều lần nhưng quí nhất là loại trà “Tiền Minh”, đó là loại trà vừa hái khi những tia nắng đầu tiên của mùa Xuân vừa làm tan tuyết, làm căng nhựa sống của muôn cây cỏ sau mùa đông dài. Nhưng cùng hái một lần lại còn phải chia làm nhiều loại tùy theo búp trà. Đó là trà trắng (Bạch Trà: toàn lộc non) hay “trà một lá” (búp trà và một lá non), “hai lá” hoặc “ba lá”… Trà thượng hạng lại phải được hái khi còn sương, khi mặt trời lên, sương tan là phải ngừng ngay. Cách hái cũng đòi hỏi một nghệ thuật, ngày trước các thiếu nữ hái trà phải để móng tay dài (sau này họ dùng một loại lưỡi lam gắn vào hai ngón tay), để móng tay cắt đứt lộc non mà ngón tay, có sức nóng của cơ thể, không được chạm vào, làm như sức ấm của ngón tay có thể làm thay đổi phẩm chất của trà…
Độc giả đừng vội cho những điều tôi vừa viết là chỉ có trong thời xa xưa hoặc theo kiểu “truyền kỳ”. Thật sự tất cả những tiêu chuẩn đó đều đã được áp dụng từ xưa đến nay (sẽ trình bày chi tiết trong chương đọc về Trà Kinh của Lục Vũ, Đại Quan Trà Luận của Tống Huy Tông…), đã được viết thành “Văn kiện chính thức” của triều đình Trung Hoa dành cho các loại trà tiến… Ngày nay, nếu muốn mua các loại trà ngon (giá chừng 100 Mỹ kim một lạng trở lên) thì gói trà bao giờ cũng còn đề ngày giờ và thời gian hái trà. (Nhiều khi còn dài dòng thêm cả tên họ người hái, người sao tẩm, ngày sao tẩm và chuyển hàng). Một câu hỏi khác đặt ra là thực tế có sự khác biệt về các loại trà như thế chăng? Lẽ dĩ nhiên cố nhân và trà nhân hiện tại chỉ thưởng thức trà theo kinh nghiệm và được coi là một nghệ thuật không thể giảng dạy được (tuy nhiên học vẫn được). Trong các chương sau, tôi sẽ có dịp phân tích kỹ hơn về phương diện kỹ thuật, áp dụng thử một số những phương pháp định lượng và định tính hóa học để giải thích một phần những gì từ xưa đến nay chỉ gói trọn trong hai chữ “thưởng trà”. Ở đây, xin nói ngay là cây trà có cá tính rất mạnh. Giáo sư nông học nổi tiếng C. R. Harler của Oxford University đã cho biết chuyên viên trà của họ có thể nếm trà mà nói ra từng bụi trà trong một vườn trà (xin đọc C. R. Harler, The Culture and Marketing of Tea, Oxford University Press,1964).
Hái trà xong, lại còn qua giai đoạn tẩm… rồi đến khi có được trà, có được tay “trà thủ” pha trà đi nữa, trăm loại nước lại có trăm loại trà khác nhau. Lại còn Trà Cụ: Ấm tách…
Ấy chưa kể đến tác nhân cuối cùng: Người uống (chưa nói đến chỗ uống, thời gian uống, khách uống…). Nghệ thuật là một cái gì cần để tâm hồn, tâm não và thời gian tập luyện. Cùng một bản đàn mà một cái tai không được huấn luyện thì làm sao phân biệt được người đàn là một tay mơ, một sinh viên trường âm nhạc vừa tốt nghiệp hay một nhạc sĩ chuyên nghiệp, hoặc một cầm thủ cỡ Horowitz1?
1 Vladimir S. Horowitz (1903 – 1989): nghệ sĩ dương cầm người Mỹ gốc Nga. Ông được tôn vinh là một trong những nghệ sĩ dương cầm xuất chúng nhất thế kỷ 20 (BT).
Cổ thư còn ghi lại trường hợp Vương An Thạch, tể tướng đời nhà Tống, khi ốm được vua Tống ban cho một ít trà “Dương Tiễn” để uống (nên nhớ trà còn là một dược thảo quí, nhất là trà tốt. Nhân tiện có viên quan từ Tứ Xuyên sắp về triều phải đi qua ngọn sông Dương Tử, ông này nhận được tin phải mang về một chum nước ở cấp thứ hai. Ông quan này mải ngắm cảnh đẹp bên sông, lúc nhớ ra thì đã vượt qua ngọn nước cấp nhất và cấp hai, thuyền đang đến cấp ba, ông đành phải lấy nước ở đó. Đến kinh đô, sau khi đưa nước, Vương An Thạch cho mời ngồi. Nhưng trà được pha xong, nhìn chén trà và sau khi nếm thử, Vương An Thạch hỏi: “Quả thực ông lấy nước ở đâu?” Lẽ dĩ nhiên viên quan này phải nói dối. Nghiêm sắc mặt, tể tướng họ Vương mắng: “Người thật có lỗi với lão già bệnh hoạn này. Thật ra người đã lấy nước ở cấp thứ ba mà còn dối lão”. Viên quan đỏ mặt sượng sùng, cúi lạy xin lỗi phân trần nhưng vẫn tỏ ý ngạc nhiên tại sao Vương Tể Tướng lại biết. Vương An Thạch mới nói rằng: “Là người quân tử, chẳng thể nói mà không có chứng cớ. Ta đọc sách nên biết rằng nước ở thượng cấp quá siết, nước ở hạ cấp quá chậm. Duy chỉ có nước ở trung cấp là trung hợp. Nước ở thượng cấp pha trà mau tan, hương trà mau nổi mà không bền. Nước ở hạ cấp, như nước này, thì trà phải đợi lâu mới thấm, trầm trầm thiếu khí lực”.
Câu chuyện trên cũng là một trà thoại, được nhiều cổ thư ghi. Có thể quá đáng chăng? Nếu chúng ta biết rằng ngày nay có những cao thủ về rượu, có thể nếm rượu mà đọc vanh vách tiểu sử từng loại, thì câu chuyện trên há chỉ là một giai thoại? Cũng nên nhớ, Trung Quốc đất rộng người đông, thời trước có rất nhiều cao sĩ, trà sĩ bỏ cả đời chỉ để sưu tầm những loại trà ngon, những nguồn nước quí. Tôi có để hẳn một chương viết về “Trà Hữu” (người xưa gọi nước là trà hữu, lửa là trà sư) sẽ liệt kê đầy đủ các danh tuyền, linh thủy theo cổ thư và… ở Hoa Kỳ theo kinh nghiệm riêng. Lẽ dĩ nhiên những điều Vương An Thạch vừa nói chỉ là một phần nhỏ trong các cổ thư hiện còn tồn trữ.
Nhân lại nói về “Trà Thư”, Lục Vũ, tác giả Trà Kinh, được đời sau xưng tụng là “Trà Thần” lẽ dĩ nhiên không những là nhà phê bình vô địch, một học giả lớn về trà mà còn là một trà thủ vô địch. Khi Lục Vũ bỏ chùa ra đi lần thứ hai, vị trụ trì Long Cái Tự, cũng là dưỡng phụ, không uống trà nữa. Không biết có phải vì sư cụ không tìm được ai pha trà giỏi như Lục Vũ hay chăng? Lẽ dĩ nhiên lúc này cả hai cha con đều nổi tiếng trong giới trà sĩ. Nhà vua muốn thử tài, nhân dịp Lục Vũ được mời đến, không nói cho ai biết, nhà vua vừa để thử tài nhà sư vừa để hai thầy trò, cha con hội ngộ, liền lập tức cho triệu nhà sư vào triều. Khi mời trà, lẽ dĩ nhiên nhà sư phải nâng tách. “Trà này có pha ngon bằng trà của Lục Hồng Tiệm chăng?” Nhà sư nhắm một ngụm rồi đặt tách trà xuống không nói. Đến tách thứ hai, do chính Lục Vũ pha cho khách (không biết khách là cha mình). Nhà vua đang chờ để “lột áo” nhà sư. Nhưng kìa, vừa uống qua một ngụm, nhà sư bỗng sáng mắt vui mừng, lớn tiếng: “Muôn tâu Hoàng Thượng, tuyệt! Tuyệt hảo. Lục Vũ chẳng thể nào tài hơn được…” Nhà vua cả cười đứng dậy, cho mời Lục Vũ ra cho hai cha con gặp mặt…
Mỗi lần được thêm một bài văn, một quyển sách viết về trà, tôi lại có một cảm giác bứt rứt. Mỗi lần nghe thân hữu, phần đông là các vị trọng tuổi, nói chuyện về trà, cảm giác này lại đến nặng hơn. Rồi thế nào cũng phải viết một quyển sách về trà… tự hứa và đã hứa với một số thân hữu. Nhưng chẳng có cách nào hoàn thành như dự tính. Đời sống quanh đây bận rộn trăm chiều. Trong khi đó lại có những tác phẩm khác quan trọng hơn tôi đã viết xong hoặc gần xong, đang cần để hết thời giờ chăm sóc.
Nhưng rồi cuối cùng cuốn sách cũng được hoàn thành. Cũng là một cơ hội tâm tình với bạn tri âm (trà), một người bạn vô hình nhưng luôn luôn gần gũi trong những lúc vui buồn, nhất là trong những đêm cô đơn tha hương.
Nhưng khó khăn không phải là chấm dứt. Viết gì về trà? Không quá dài (để in không nổi) mà có quá nhiều để viết. Viết một cách nghiêm túc theo sách giáo khoa, kinh viện chăng? Độc giả sẽ chán nản. Nhưng cũng không thể viết theo kiểu phóng bút văn chương được… Sau cùng quyển Trà Kinh được thành hình.
1/5 - (1 bình chọn)

Đọc Online Trà Kinh

Đọc Onine

Download Ebook Trà Kinh

Download PDF

Download Epub

Download Mobi

Download AZW3

Exit mobile version