Giới Thiệu Tôi Đi Học
Tháng 9 năm 1966, khi bước chân vào học khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở khu sơ tán vùng núi Đại Từ – Thái Nguyên, tôi bắt đầu viết tự truyện TÔI ĐI HỌC theo yêu cầu của Nhà xuất bản Kim Đồng. Hai năm, giữa giảng đường sơ tán khó khăn thiếu thốn trăm bề, vừa tập trung học trong điều kiện mọi việc phải nhờ đến đôi chân, lại liên tục chống đỡ với ghẻ lở, bệnh tật triền miên dưới ánh đèn dầu hằng khuya, tôi đã hoàn tất bản thảo vào hè 1968 sau nhiều lần viết đi viết lại, sửa đi sửa lại, chép đi chép lại. Năm 1970, ngày tôi vừa bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp cũng là ngày cuốn sách được ra mắt bạn đọc trẻ cả nước với tựa: NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN.
Từ đó đến nay đã 45 năm trôi qua, cuốn sách được tái bản nhiều lần không chỉ ở Nhà xuất bản Kim Đồng mà ở nhiều nhà xuất bản khác với tựa mới: TÔI ĐI HỌC. Nhiều thế hệ bạn đọc tuổi học đường đã truyền tay nhau đọc nó với tất cả lòng say sưa thích thú và gửi tới tôi những dòng cảm nghĩ chứa chan xúc động cảm phục. Nhiều trường như trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Dưỡng đã dành tiết sinh hoạt chào cờ sáng thứ hai hàng tuần tự mình đọc cho học sinh toàn trường nghe. Có trường đặt mua một lúc cả ngàn cuốn như THCS Nguyễn Văn Trỗi (Quận Gò Vấp – TP. Hồ Chí Minh) vào thời gian cô Lê Thị Tại làm hiệu trưởng.
Tháng 11-1970 tôi được Hải Phòng mời ra giao lưu với các trường. Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi. Sau buổi giao lưu ở một trường nọ, tôi được một bà phụ huynh gần trường nhiệt tâm đón về nhà bằng được. Tôi vô cùng xúc động khi bà đưa khoe tôi cuốn Những năm tháng không quên trong tủ sách quý của con bà mà trang đầu có mấy dòng chữ viết tay thật nắn nót: “Đây là cuốn sách bố tâm đắc mua được gửi về tặng con trai trước khi vượt qua vĩ tuyến 17 vào Nam chiến đấu. Con chịu khó đọc và hy vọng nó sẽ giúp con rất nhiều trong quá trình vượt khó chăm ngoan học giỏi khi không có bố bên cạnh. Hôn con trai của bố thật nhiều!”.
Khi còn làm Thứ trưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận đã kể tôi nghe một chi tiết thật ấn tượng, ngày gặp thầy tại trường quay S9 buổi VTV1 truyền hình trực tiếp kỷ niệm một năm ngày chương trình Thắp sáng tương lai lên sóng (14-8-2009). Thầy kể: một hôm, ông cụ thân sinh thầy vào một hiệu sách, bắt gặp cuốn Tôi đi học mới tái bản, cụ mừng quá mua luôn về tặng cháu nội cưng là con trai thầy. Cụ còn phóng rất to một tấm ảnh chụp riêng trang bìa có hình tôi đang ngồi viết bằng chân treo ngay trước bàn học của cháu. Thầy thân thiện vui vẻ kết luận: “Ông cụ tôi quý thầy Ký lắm. Luôn lấy thầy làm thần tượng để giáo dục các cháu. Dịp nào có điều kiện mời thầy về được nhà tôi chơi thì quý quá!”.
Ngày 22-11-2007, kỹ sư Nguyễn Phú Điện từ nhà máy bia Tây Đô Thanh Hóa đã gửi tôi bức thư khá dài. Trong đó có đoạn viết: “Em cảm ơn vô cùng tấm gương của thầy. Nhờ thầy mà em có hôm nay đấy. Thầy biết không ngày học lớp 12 em là đứa học trò thích chơi thích quậy hơn thích học. May mắn thay một hôm có người bạn cho em mượn cuốn TÔI ĐI HỌC của thầy. Bạn dặn em là đọc lướt mau rồi gửi lại. Nhưng thầy biết không, khi đã đọc hết trang thứ nhất em không thể không đọc tiếp trang thứ hai. Hơn nữa em thấy em không thể nào đọc nhanh được. Đọc đến đâu sự xúc động, cuốn hút đã khiến em thích thú mê đắm và nhiều chỗ phải rơi nước mắt đến đấy. Nên nhiều trang em cứ phải đọc đi đọc lại. Chính nhờ đọc cuốn sách ấy của thầy mà em đã thay đổi chính mình. Từ một học sinh ham chơi em đã chăm chỉ quyết chí phấn đấu theo gương thầy và thế là em đã thi đỗ vào đại học.
Ra trường em được nhận ngay về doanh nghiệp bia quê hương. Bây giờ em rất muốn thầy tặng em cuốn Tôi đi học để không chỉ em được đọc lại mà sau này cho con em đọc, dù bây giờ em chưa có vợ đâu. Mong thầy giúp em nhé! Bởi từ nhiều năm nay em săn lùng quyển sách này mà không đâu có. Nhà em ngay bên một nhà sách lớn đấy. Em đã ký hẹn với cô bán sách mà mấy năm nay cô trả lời vẫn chưa có…”.
Với sự hâm mộ như vậy của bạn đọc gần xa, sau 45 năm nhìn lại tôi thấy niềm vui thật lớn, nhưng băn khoăn cũng không phải nhỏ. Nhiều chi tiết trong cuốn sách do phải viết vội vàng trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nhiều mặt nên đôi chỗ chưa hợp lý, chưa cụ thể, sinh động. Hơn nữa sau nhiều lần tái bản, không ít nhà xuất bản, nhà sách đã biên tập cắt xén khá nhiều đoạn mà tác giả tâm đắc. Với trách nhiệm cùng bạn đọc và giá trị đích thực của chủ đề cuốn sách, lần này khi Trí Việt – First News tái bản và đưa vào tủ sách Hạt giống tâm hồn,tôi quyết định dành thời gian chỉnh sửa lại một số chi tiết chưa thật hợp lý và bổ sung, viết thêm một số chi tiết, tình tiết mà tôi thấy cần thiết. Hy vọng lần tái bản này cuốn sách sẽ đáp ứng trọn vẹn hơn sự mong chờ mê thích của bạn đọc gần xa…