Giới Thiệu Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Kiến Huy
Lịch sử đã có sự trùng hợp thiêng liêng và kỳ diệu. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2/9/1969, Người đi vào thế giới Người Hiền tại ngôi nhà sàn đơn sơ cũng thuộc Quảng trường Ba Đình lịch sử với lời nhắn gửi đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong bản Di chúc lịch sử. Nếu như Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca khai sinh ra nước Việt Nam mới, thì Di chúc là sự thể hiện thành công trọn vẹn bản khai sinh đất nước và trở thành ánh sáng tương lai. Di chúc là một văn kiện có cách viết độc đáo, trong đó tồn tại song song giữa cái vĩ đại và cái bình thường, cái mãnh liệt nồng nàn và cái điềm đạm, sâu lắng vừa trang trọng, vừa gần gũi. Với trách nhiệm trước hậu thế, Người đã cân nhắc từng ý, từng lời, nhưng mỗi ý, mỗi lời đều giản dị, chân thành, trong sáng, tự nhiên như chính cuộc đời mà Người đã sống – một tấm gương để chúng ta suốt đời học tập và làm theo.
Nội dung của cuốn sách “Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” gồm có:
– Di chúc của Bác Hồ mãi mãi soi sáng con đường chúng ta đi.
– Tiểu sử tóm tắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Nghị quyết của tổ chức Giáo dục, khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) về kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Thông báo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
– Bút tích Di chúc của Chủ tịch.
– Nguyên văn các bản viết Di chúc của Chủ tịch.
– Di chúc của Chủ tịch công bố năm 1969.
– Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam.
– 30 năm thực hiện Di chúc Bác, 30 năm phấn đấu gian khổ, 30 năm giành nhiều thành tựu quan trọng.
– Một số lời dạy của Bác Hồ.
– Bác Hồ dạy về đạo lý làm người.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.