Tỉnh Long Xuyên trong tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)

Tỉnh Long Xuyên Trong Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam (Vương Hồng Sển)

Giới Thiệu Tỉnh Long Xuyên trong tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)

Theo sách Đại Nam nhất thống chí, An Giang xưa thuộc đất Tầm Phong Long của Chân Lạp. Do nội bộ vương triều Chân Lạp có sự tranh giành quyền lực, Nặc Tôn được chúa Nguyễn Phúc Khoát giúp đỡ trở lại nắm quyền nên năm 1757, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn để tạ ơn. Chúa Nguyễn chia đất ấy làm ba đạo: đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu và đạo Đông Khẩu. Thời Gia Long, đất An Giang thuộc trấn Vĩnh Thanh, một trong năm trấn của thành Gia Định. Từ thời thuộc Chân Lạp cho đến tận đầu nhà Nguyễn, đất An Giang còn hoang hóa, rất ít dân cư. Những năm đầu thời vua Gia Long, nhà Nguyễn mới tổ chức mộ dân đến khai hoang định cư, và gọi là Châu Đốc Tân Cương.

Năm 1832, vua Minh Mạng lấy đất Châu Đốc Tân Cương hợp thêm với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long (tức Vĩnh Trấn) để thành lập tỉnh An Giang gồm 2 phủ, 4 huyện, 167 thôn. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện: Tây Xuyên và Đông Xuyên; phủ Tân Thành gồm 2 huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định; đồng thời đặt ra chức An Hà tổng đốc thống lĩnh cả hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, lỵ sở đặt tại tỉnh thành Châu Đốc của tỉnh An Giang.

Theo Wikipedia, huyện Tây Xuyên nguyên là đất đạo Châu Đốc cùng huyện Vĩnh Định và thổ huyện Mật Luật (của Cao Miên), nằm ở bờ Tây sông Hậu Giang, gồm 3 tổng (Châu Phú, Định Thành, Định Phước) với 38 làng xã, phía Tây giáp huyện Hà Dương, phía Nam giáp huyện Long Xuyên tỉnh Hà Tiên, phía Đông và phía Bắc giáp huyện Đông Xuyên (phủ Tân Thành). Đất huyện Tây Xuyên nay có thể là đất thuộc các huyện thị Châu Đốc, Châu Phú, Châu Thành, thành phố Long Xuyên của tỉnh An Giang.

Theo Vietgle, huyện Tây Xuyên, thành lập năm 1832, thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang; huyện được thành lập trên cơ sở tách một phần đất của huyện Vĩnh Định, tỉnh Vĩnh Long và một phần đất của đạo Châu Đốc, nằm phía Tây sông Hậu. Năm 1836, huyện gồm có 3 tổng (Châu Phú, Định Phước và Định Thành) với 49 thôn.

Đến đời Thiệu Trị rồi Tự Đức, sau nhiều lần tách nhập, tỉnh An Giang có 3 phủ với 10 huyện:

– Phủ Tuy Biên gồm 4 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú, Hà Dương, Hà Âm.

– Phủ Tân Thành gồm 3 huyện: Vĩnh An, An Xuyên, Đông Xuyên.

– Phủ Ba Xuyên gồm 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, ngày 05/10/1867, Thống đốc Nam Kỳ Dupré ký nghị định bãi bỏ hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh, chia Nam Kỳ thành 4 khu vực là: Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac với tất cả 19 hạt. Tỉnh An Giang được chia thành 5 hạt (còn gọi là địa hạt, hạt tham biện hoặc tiểu khu): Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc.

Theo cụ Vương Hồng Sển, trong Tự Vị Tiếng Nói Miền Nam (về sau gọi tắt là TVTNMN), Pháp sáp nhập phủ Tuy Biên và huyện Đông Xuyên (của phủ Tân Thành) thành địa hạt Long Xuyên.

Năm 1899, Pháp đổi hạt thành tỉnh. Lúc đó, tỉnh Long Xuyên gồm 3 quận, 8 tổng, 54 làng. Ba quận đó là: Châu Thành, Thốt Nốt và Chợ Mới.

Năm 1953, tỉnh Long Xuyên có thêm hai quận mới là quận Lấp Vò và quận Núi Sập.

Ngày 22/10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hoà sáp nhập tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên (trừ quận Lấp Vò) thành tỉnh An Giang, gồm 8 quận: Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập, với tổng cộng 16 tổng và 96 xã.

Trong eBook này, tôi chép các mục từ trong Tự Vị tiếng nói Miền Nam – nhan đề của cụ Vương là Tự vị tiếng Việt miền Nam – có dính dấp đến tỉnh Long Xuyên. Tôi chép từ trước ra sau, nhưng vì các mục từ trong sách không hoàn toàn theo đúng thứ tự abc nên thứ tự các mục từ trong eBook này cũng vậy, tôi không sắp xếp là để chúng ta dễ đối chiếu với “sách giấy”. Tôi thường gõ sai, mà bản in của nhà xuất bản Trẻ, năm 1999, do Bùi Đức Tịnh giới thiệu và hiệu đính cũng có mấy chỗ sai, tiếc rằng tôi không có bản in của nhà xuất bản Văn Hoá để đối chiếu. Để tránh hiểu lầm địa danh Long Xuyên thời Pháp thuộc và các địa danh Long Xuyên đời đàng cựu, tôi chép thêm các mục từ Long Xuyên Đạo, Long Xuyên huyện… Ngoài ra tôi còn chép thêm một số bản đồ và hình ảnh trong tập Monographie de la province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省, Éditions du Moniteur de l’Indochine – Hanoi, 1924 của Victor Duvernoy, về sau gọi tắt là Monographie 1924 (xin đừng lầm với Monographie 1901 và Monographie 1905 mà tác giả không phải là Victor Duvernoy).

Goldfish
Tháng 4 năm 2013

Đọc Online Tỉnh Long Xuyên trong tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)

Download Ebook Tỉnh Long Xuyên trong tự vị tiếng nói miền Nam (Vương Hồng Sển)

Download Prc

Exit mobile version