Giới Thiệu Tín Hiệu Và Độ Nhiễu
Đây là cuốn sách viết về những tiến bộ thông tin, công nghệ và khoa học. Một cuốn sách viết về cạnh tranh, thị trường tự do và hành trình phát triển các ý tưởng. Cuốn sách này bao hàm những bí quyết giúp chúng ta thông minh hơn cả máy tính, và cả những sai sót do con người gây nên. Nó cũng là một cẩm nang giúp chúng ta chinh phục nguồn tri thức từ thế giới khách quan và giải thích vì sao đôi khi chúng ta nên dừng lại ngẫm nghĩ.
Đây là cuốn sách về sự dự báo, vốn là giao điểm của mọi yếu tố kể trên. Nó còn là một nghiên cứu cho thấy vì sao một số dự báo sẽ đem lại kết quả, còn một số khác lại thất bại. Qua đây, tôi cũng hy vọng rằng chúng ta có thể tìm hiểu sâu hơn về quá trình hoạch định cho tương lai và ít nhiều tránh lặp lại những sai lầm.
Thêm thông tin, thêm vấn đề
Cuộc cách mạng đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã không đến cùng với các mạch vi xử lý, mà gắn liền với những cuốn sách giấy. Phát minh của Johannes Gutenberg vào năm 1440 đã đưa thông tin phổ biến rộng rãi trong đại chúng và sự bùng nổ các luồng ý tưởng cũng kéo theo những hệ quả và hiệu ứng khôn lường, vượt ngoài dự liệu. Năm 1775, ánh sáng lóe lên từ cuộc Cách mạng Công nghiệp đã soi chiếu cho bước ngoặt của nền văn minh từ một quá khứ u tối – vốn không có chỗ cho tiến bộ khoa học và kinh tế – sang những bước tăng trưởng và biến đổi vượt bậc theo cấp số nhân mà ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc. Nó cũng tạo đà cho các sự kiện dẫn đến Thời kỳ Khai sáng tại châu Âu, cũng như sự ra đời của Cộng hòa Hoa Kỳ.
Song, ngay từ buổi đầu, máy in còn kéo theo một hệ quả khác, một cuộc chiến thần thánh trải dài suốt hàng trăm năm. Từ khi nhân loại bắt đầu tin rằng họ có thể dự đoán vận mệnh và tự quyết định số phận, kỷ nguyên đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã được khai màn.
Sách vở đã tồn tại từ trước thời Gutenberg, nhưng chúng không được soạn thảo và tìm đọc một cách rộng rãi. Trái lại, chúng được xem là những xa xỉ phẩm dành riêng cho giới quý tộc, vốn chỉ được xuất bản mỗi cuốn một lần bằng hình thức chép tay. Chi phí tái bản 5 trang giấy chép tay rơi vào khoảng 1 florin(1); như vậy, giá một cuốn sách bạn đang cầm trên tay có thể lên đến 20.000 đô-la. Nó cũng kèm theo vô số lỗi ghi chép và do bản sao này là từ bản sao của bản sao khác, nên số lỗi sẽ được nhân lên và biến hóa gấp bội sau mỗi thế hệ.
Thực trạng này khiến cho sứ mệnh tích lũy tri thức trở nên vô cùng khó khăn. Phải cần đến một nỗ lực ghê gớm mới có thể ngăn một khối lượng lớn tri thức khỏi bị mai một từng ngày, bởi sách giấy có thể mục nát nhanh hơn tần suất chúng được tái bản. Đơn cử, Kinh Thánh – cũng như một số ít các tác phẩm kinh điển của Plato hay Aristotle – đã từng xuất hiện dưới rất nhiều phiên bản. Tuy nhiên, khối lượng tri thức thất lạc qua các thời kỳ là không thể đếm xuể và cũng chẳng có nguồn khích lệ nào giúp chúng được lưu giữ lâu hơn trên mặt giấy.
Công cuộc theo đuổi tri thức tưởng như đã rơi vào bế tắc, nếu không nói là hoàn toàn vô vọng. Nếu ngày nay chúng ta cảm thấy bấp bênh vì mọi thứ thay đổi quá mau chóng, thì với những thế hệ trước đây, bấp bênh vẫn là mối bận tâm quá xa vời.
Nhưng máy in đã thay đổi tất cả – một cách triệt để và sâu sắc. Chỉ trong chớp mắt, chi phí xuất bản sách đã giảm gấp 300 lần và một cuốn sách chỉ có giá khoảng 70 đô-la so với hiện nay, thay vì 20.000 đô-la như trước. Năm 1470, sách in đã nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu, từ nước Đức – quê hương của Gutenberg – đến Rome, Seville, Paris và Basel, trước khi phủ khắp hầu hết các thành đô lớn của châu Âu trong 10 năm tiếp theo. Số lượng sách xuất bản cũng gia tăng đến chóng mặt, cao gấp 30 lần so với một thế kỷ trước khi máy in ra đời. Kho tri thức của nhân loại lại bắt đầu được góp nhặt với tốc độ vũ bão…
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com