Giới Thiệu Tìm về nguồn cội Kinh Dịch
Dịch học mà ta nghiên cứu xưa nay được ghi trên các cổ thư chữ Hán có cả trăm pho ngàn quyển, nhưng phần nhiều các luận thuyết lại khác biệt nhau. Thậm chí những luận thuyết đó lại trái ngược, mâu thuẫn nhau. Do vậy mà: mặc dầu việc ứng dụng Dịch lý trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của xã hội Đông phương từ bao đời nay vẫn luôn luôn có giá trị cao, nhưng hệ thống lý luận của nó lại có chỗ chưa đủ sức thuyết phục nhiều người. Sự mầu nhiệm có tính huyền bí của nó chưa được khai phát, khải minh, nên nhiều người đã nhận xét một cách dễ dãi và cho rằng khó tin… Vậy ta cần phải tìm hiểu cho ra mặt khiếm khuyết này để đưa Dịch học về chỗ đứng đích thực của nó.
Sách vở bằng chữ Hán viết về Dịch học trong nền văn minh Hoa Hạ chưa đủ tin cậy tức là có vấn đề. Vì vậy ta phải tìm nó ở nơi một nền văn minh thân cận khác, đó là nền văn minh Lạc Việt. Tác giả đưa ra những nét văn hóa truyền thống trong sinh hoạt dân gian Việt Nam để tìm cho ra đâu là chân lý, đâu là nguồn gốc. Sách viết với những phát kiến và lập luận khác hẳn với các sách viết về Dịch học xưa nay, thì chắc chắn rằng sẽ không tránh khỏi sẽ có ít nhiều búa rìu dư luận. Bởi vì việc nhận định đúng sai, hay dở là quyền của độc giả.
Tưởng cũng nên lưu ý bạn đọc: sách nghiên cứu tất nhiên là phải có phát kiến (dù chưa biết đúng sai). Trong những phát kiến của tác giả, có phát kiến mà cổ nhân cũng có kẻ đồng tình. Như việc tác giả sửa lại vị trí và thuận tự của Hậu thiên Bát quái thì nhà Dịch học Bảo Ba vào thời nhà Nguyên bên Trung Quốc, cũng đã từng làm giống vậy, đó là đã lập thêm “Trung thiên Bát quái đồ”, nằm giữa Tiên thiên Bát quái và Hậu thiên Bát quái (!).
Vấn đề mới mẻ được đưa ra tất nhiên sẽ có sự nhận xét của dư luận, và bạn đọc chúng ta chắc không quên câu nói của người xưa “Bất đắc dĩ nhân phế ngôn” (không bỏ qua lời nói (dầu là) bỏ đi của người khác). Biết đâu sau từ những phát kiến mới lạ trong “Tìm về cội nguồn kinh Dịch” sẽ là sự tiếp theo của những phát kiến tân kỳ khác để ta có thể đi sâu vào con đường Dịch học ngút ngàn.