Giới Thiệu Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Cuốn sách này ra mắt bạn đọc đế đáp lại thịnh tình của những bạn đã đọc cuốn CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG LÊ ĐỨC THỌ – KISSINGER TẠI PARIS (Nhà xuất bản Công an nhân dân, H. 1997) và mong muốn được biết các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi có Hội nghị Paris.
Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã hơn hai mươi năm. Từ đó đến nay, lúa ngô đã mọc xanh kín các thửa ruộng đã bị bom đạn cày xới. Từ hoang tàn đổ nát đã mọc lên hàng nghìn nhà máy, trường học. Nhiều người Mỹ đã thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người Việt Nam đã đi “phát hiện” nước Mỹ… Nhưng sự đổi thay to lớn nhất, sâu sắc nhất là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ ngoại giao bình thường – như Tổng thống Andrews Jackson và Hoàng đế Minh Mạng đã mong muốn cách đây gần hai trăm năm – khép lại một quá khứ đau thương, mở ra một tương lai tốt đẹp.
Mới đây ông Pete Peterson, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới làng quê An Bình để thăm người nông dân Nguyễn Văn Chộp, người đã bắt ông làm tù binh năm 1966 khi máy bay ông bị bắn rơi. Cuộc gặp gỡ thật cảm động và hai người đã chuyện trò cởi mở, vui vẻ như những người bạn cũ, thăm hỏi sức khoẻ của nhau, trao đổi về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hoà bình, hữu nghị giữa hai nước. Cuộc tái ngộ của hai người quen biết nhau trong những điều kiện lịch sử đặc biệt chỉ là chuyện của hai con người nhưng lại mang ý nghĩa một thông điệp hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Cuối năm 1995, ông Macnamara sang Việt Nam đề nghị học giả hai nước cùng trao đổi ý kiến xem trong chiến tranh có cơ hội hoà bình nào bị bỏ lỡ không? Mọi người đều biết ông Macnamara là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Tổng thống Johnson và do bất đồng sâu sắc với Tổng thống về vấn đề Việt Nam, ông đã từ chức Bộ trưởng. Đề nghị của ông về cuộc hội thảo xuất phát từ một ý nghĩ nhân hậu muốn giảm bớt thương vong cho cả hai bên.
Tháng 5 năm 1997, một cuộc hội thảo Việt – Mỹ đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của những người thời chiến tranh 1965-1967, từ những người đã dự phần hoạch định chính sách đến những người nhân chứng. Trên tinh thần khoa học và một cách thẳng thắn, họ đã nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ, xem xét ý đồ quân sự, chính trị, phương châm hành động của mỗi bên. Điều đáng mừng là hai bên đã hiểu nhau hơn. Quả đây là câu chuyện giữa các nhà khoa học chứ không phải là giữa những người của hai “phe” như trong chiến tranh lạnh.
Ý muốn của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này, cuốn sách viết về thời kỳ 1965-1967, cũng là cung cấp cho việc nghiên cứu một số tư liệu, góp phần vào việc nghiên cứu các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm ra những cơ hội bị bỏ lỡ. Khi viết, tác giả đã cố gắng tìm những nguồn chính thức, đáng tin cậy và thuật lại các sự kiện một cách giản dị, trung thực. Khi xuất bản, chúng tôi bổ sung thêm một số sự kiện và sắp xếp lại các cuộc tiếp xúc bí mật theo trật tự các sáng kiến hoà bình của Johnson.
Cuộc hội thảo này đã qua nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn tiếp tục trao đổi. Chúng tôi xin chúc các cuộc thảo luận đó đi đến thành công.
Nhưng chúng tôi cho rằng việc tìm những cơ hội bị bỏ lỡ là một việc tốt, đáng làm nhưng điều quan trọng hơn là rút kinh nghiệm chung về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Macnamara đã chỉ ra mười một nguyên nhân chính gây ra thảm hoạ của nước Mỹ, đồng thời cũng nêu năm mục đích chính mà các quốc gia hướng tới trong quan hệ với nhau.
Bài học chính của cuộc chiến tranh Việt Nam nói cho cùng, cũng là bài học mà Tôn Tử, nhà tư tưởng quân sự thiên tài của Trung Quốc, đã nêu từ thế kỷ VI trước Công Nguyên:
“Biết mình biết địch, trăm trận không nguy; không biết địch, chỉ biết mình thì có thể thắng, có thể thua; không biết địch, cũng không biết mình thì hễ đánh là thua”.
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN