Giới Thiệu Thuật Xử Thế Ấn Độ – Panchatantra
Tại một thành phố thuộc bờ biển Coromandel, gần Madras có một vị vua rất thông thái về mọi mặt tên là Amarasakti, Ngài có ba người con trai nhưng các hoàng tử rất khờ dại, không ưa thích khoa học và thiếu trí phán đoán. Nhà vua rất lo lắng và cho mời các vị cố vấn đến để bàn cách giúp cho trí thông minh của họ phát triển, Đạo sĩ Vichnusarman, nổi tiếng về sự uyên bác trong ngành khoa học, nhận lời dạy dỗ các hoàng tử trong một thời gian ngắn. Ông biên soạn cho họ năm quyển sách và sau sáu tháng đọc những quyển sách này, các hoàng tử đã trở thành những người uyên bác về khoa chính trị học. Nhà vua rất mực hài lòng và từ đó về sau những tập sách của đạo sĩ Vichnusarman được mọi người dùng trong việc giáo dục con cái”.
Câu chuyện lạ kỳ này là nguồn gốc của năm tập sách Panchatantra (hay Thuật xử thế Ấn Độ). Đây là tác phẩm cổ nhất trong các sưu tập ngụ ngôn và truyện cổ của kho tàng văn học Sanskrit, được coi là viên ngọc trong kho tàng văn chương của loài người. Đọc Panchatantra, bạn sẽ học được những cách đối nhân, xử thế giữa đời thường. Kết cấu sách gồm 5 phần: Sự chia rẽ bạn bè, Kết bạn, Chiến tranh giữa quạ và cú, Mất của và Cách cư xử không chấp nhận được.