Giới Thiệu Thiên thần nhỏ của tôi
Hai đứa ngồi trên thành giếng mát lạnh, rêu bám vào gót chân và bông khế thỉnh thoảng rơi xuống đậu hững dờ trên tóc. Trên các vòm cây, lá bắt đầu đi ngủ. Chúng thong thả rủ mình xuống như những cánh dơi đang im lặng đeo mình chờ bay vào đêm tối. Trong bóng hoàng hôn chập choạng, gió đã bớt rụt rè hơn, chúng lướt đi xào xạc trên cỏ và những giọt nắng cuối ngày còn sót lại đang nhẩn nha thắp nốt buổi chiều trên những ngọn cây cao trong vườn. Thả hồn vào khung cảnh êm đềm đó, tôi khẽ liếc vẻ mặt nôn nao của Hồng Hao và mỉm cười kể: ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa, xinh thật là xinh…
Thế là một lần nữa gia đình tôi lại dọn nhà.
Đây là lần dọn nhà thứ ba trong vòng bốn năm qua.
Thông thường, sự thay đổi chỗ ở liên tục bao giờ cũng kéo theo những phiền phức. Nó làm cho cuộc sống luôn bị xáo trộn và việc ổn định nề nếp sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, người ta thường bắt gặp trên gương mặt đẫm mồ hôi và bụi bặm của những người dọn nhà vô số những nét nhăn nhó, mệt mỏi khiến người nào người nấy trông cứ khó đăm đăm.
Nhưng đó là xét theo lẽ thường. Ngoài lẽ thường ra, cuộc đời còn nhiều lẽ khác nữa. Gia đình tôi thuộc về trường hợp sau. Những ngày dọn nhà đối với chúng tôi là những ngày lễ hội thực sự. Mặt người nào người nấy tươi hơn hớn.
Ba mẹ tôi lúc nào cung xoắn xuýt bên nhau y như hồi mới cưới và luôn miệng bàn bạc và nhắc nhở nhau về những việc cần để mắt trong khi vận chuyển đồ đạc đến chỗ ở mới. Trong những ngày đó, hai người nói chuyện với nhau bằng một giọng dịu dàng hiếm có, với ánh mắt lúc nào cũng long lanh, và thú thật tôi rất sung sướng khi được nhìn thấy ba mẹ tôi với hình ảnh như vậy.
Còn tôi và anh Khánh tôi thì khỏi nói. Chúng tôi lăng xăng sắp xếp đồ đạc, miệng không ngớt ca hát, hò hét và gây gổ trong khi giành giựt nhau từng món đồ chơi nhỏ.
Thật ra, sở thích và trò chơi của hai anh em tôi rất khác nhaụ Anh Khánh tôi mê những trò chơi máy móc tối tân. Anh có riêng một ngăn tủ kiếng chứa những toa tàu lửa chạy pin, những chiếc xe tăng vừa chạy vừa quay nòng đại liên cùng những thứ đồ chơi hiếm hoi tương tự, cái thì do ba tôi, cái thì do những người cùng cơ quan với ba tôi đi công tác nước ngoài mua về làm quà.
So với anh Khánh, sở thích của tôi “quê mùa” hơn nhiều. Gia tài của tôi ngoài bể cá vàng, mấy hộp để đá, còn có một con sáo đang thời kỳ học nói. Trong những ngày chuẩn bị dọn nhà, con sáo của tôi đã bập bẹ được mấy tiếng “có khách, có khách” và “ba về, ba về” và thế là suốt ngày nó cứ nhảy nhót trong lồng và luôn miệng lặp đi lặp lại các từ đó, nghe đến điếc tai.
Mỗi lần thấy tôi lúi húi bên bể cá hoặc loay hoay với mấy con dế, anh Khánh thường bĩu môi chê tôi là “thằng nhà quê” khiến tôi tức điên lên, mặc dù suy cho cùng tôi không thể chối cãi rằng những sở thích của tôi bắt nguồn từ những tháng năm dài tôi sống với bà ngoại tôi ở dưới quê, trước khi về thành phố ở hẳn với ba mẹ tôi.
Trong tài sản của tôi, anh Khánh chỉ “chấm” mỗi con sáo. Anh thường gạ tôi đổi cho anh nhưng dù những lời đường mật của anh có ngọt ngào đến đâu và những món đồ chơi anh đem ra đổi có hấp dẫn đến bao nhiêu, tôi vẫn một mực lắc đầu. Rốt cuộc anh đành phải chấp nhận giải pháp “chơi chung”. Cái lồng sáo được treo ngay tại phòng học của hai anh em. Sau này, khi dọn về nhà mới, giải pháp “chơi chung” này bất ngờ bị đổ vỡ. Điều đó xảy ra vào một hôm, khi vừa thấy tôi đi học về, con sáo thân yêu của tôi đã vui vẻ chào tôi bằng cách rống lên tiếng “đ m” mất dạy khiến tôi hốt hoảng kinh và suýt chút nữa ngã lăn đùng ngay giữa nhà. Sau khi trấn tĩnh, tôi bắt đầu hiểu ra mọi chuyện và đoán được con sáo hiền lành của tôi đã bắt chước ngôn ngữ của ai. Vì vậy, ngay lập tức tôi tháo chiếc lồng xuống và đi một mạch ra sau vườn. Tôi trèo lên cây khế cạnh giếng nước, mắc chiếc lồng vào giữa chạc ba, cách mặt đất khoảng ba mét. Con sáo của tôi không tỏ vẻ gì phản đối việc tôi đưa nó ra đây, thậm chí nó còn nhảy nhót một cách sung sướng vì được nhìn thấy bầu trời, hoa lá, cỏ cây quen thuộc. Rồi có lẽ do không ngăn được niềm hứng khởi đang dâng lên trong lòng nên thấy tôi tụt xuống đất, sắp sửa đi vô nhà, con sáo của tôi vội vàng lên tiếng cảm ơn tôi bằng cái từ khủng khiếp kia khiến tôi phải đưa hai tay bịt tai lại.
Từ đó, con sáo sống luôn trên cây khế ngoài vườn. Còn tôi thì tìm cách “cải tạo” nó một cách vô vọng, chỉ mong rằng với thời gian, nó sẽ quên dần cái từ ngữ tai hại kia đi.
Nhưng đó là chuyện sau này. Còn vào hôm dọn nhà, con sáo của tôi vẫn còn trong sáng, miệng nói lui nói tới chỉ có hai từ “có khách, có khách” và “ba về, ba về”.
Vì niềm say mê của hai anh em tôi khác nhau như vậy nên trong quá trình thu xếp đồ chơi chuẩn bị đem theo, giữa chúng tôi đã không xảy ra một vụ đụng độ đáng kể nào. Anh Khánh lo chất các loại tàu xe vào hộp các-tông, tôi thì bận bịu với chiếc lồng chim, bể cá và các hộp diêm nhốt dế.
Chỉ đến khi mẹ tôi lôi ra từ dưới gầm giường gầm tủ và các ngóc ngách tối tăm khác những con gấu bông cũ xì, đồ gọt bút chì, chiếc ống kính vạn hoa đầy bụi thì hai anh em tôi mới nhảy xổ vào giành giựt nhau những thứ đã vứt đi ấy. Chúng tôi vừa giằng co nhau vừa tru tréo vang nhà khiến ba tôi bực mình giằng lấy mọi thứ và vứt hết vào thùng rác trước cặp mắt chẳng lấy gì làm tiếc rẻ của hai anh em tôi.
Trong khi chờ xe của cơ quan ba tôi đến chở đồ đạc đi, tôi và anh Khánh rủ nhau chơi trò rượt bắt quanh những chiếc tủ và những chiếc bàn đã được kéo ra giữa nhà. Rượt bắt chán, hai anh em tôi lại thi nhau nhảy qua những bao tải, những va-li, những hòm gỗ đủ cỡ được buộc chặt đang nằm ngổn ngang trên nền gạch.
Lợi dụng sự dễ dãi trời cho đó, anh em tôi càng hăng hái nhảy nhót tợn. Đó cũng là cách biểu lộ niềm vui của hai đứa tôi.
Qua hai lần đổi nhà trước đây, tôi hiểu rằng ngôi nhà chúng tôi sắp dọn đến chắc chắn lớn hơn và đẹp hơn ngôi nhà chúng tôi đang ở, mặc dù ba mẹ tôi không hề nói ra điều đó. Bao giờ ngôi nhà chúng tôi sắp đến cũng khang trang hơn ngôi nhà chúng tôi sắp rời bỏ. Nếu không vậy, ba mẹ tôi chẳng chạy vạy ngược xuôi lo đổi nhà làm gì, dù rằng dưới mắt tôi, ngôi nhà cũ cũng đã quá rộng và quá đầy đủ tiện nghi đối với một gia đình vỏn vẹn có bốn người như chúng tôi. Tuy vậy, như bất cứ một đứa trẻ mười bốn tuổi khác, tôi luôn luôn cảm thấy thích thú khi sắp sửa “chinh phục” một chỗ ở mới và lòng lúc nào cùng nôn nao mong ngày đó chóng đến.