Giới Thiệu Thần thoại Sisyphus – Albert Camus
Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy. Với Albert Camus, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1957, cuộc đời của Sisyphus đại diện cho bi kịch cuộc sống của đa số chúng ta: là con người có ý thức, về cơ bản đều muốn sống một cuộc đời tử tế (cao cả nếu có thể) nhưng cuối cùng thường bị “trừng phạt” bằng một cuộc đời với những lặp lại vô nghĩa. Càng là anh hùng, càng muốn vươn tới sự cao cả, tử tế, cái bi kịch này dường như càng rõ và càng lớn. Và như thế, Albert Camus hỏi: Sống để làm gì?
Câu hỏi quan trọng và khó, thậm chí quá khó. Đứng về mô hình, thì cả hành trình sống lẫn đích của hành trình sống – cái chết – khiến toàn bộ mô hình dường như trở nên phi lý, vô nghĩa. Cho nên, với đa số chúng ta, câu hỏi “Sống để làm gì?” trở thành một câu hỏi tu từ chỉ để cười trừ. Có nghĩa hay không có nghĩa, đa số chúng ta hiểu rằng mình phải sống. Cái hiểu này trở thành một bi kịch vì cùng với cái hiểu đó, ta hiểu thêm rằng mình không đủ can đảm (hoặc không đủ hèn nhát) để tự chấm dứt sự sống của mình, do đó ta chới với trong sự phi lý của tồn tại. Với một số nhỏ, câu hỏi này đưa tới câu trả lời quyết liệt bằng hành động: tự tử – một hành vi mà Camus cho là vấn đề triết học duy nhất đáng quan tâm.