Giới Thiệu Thám Tử Kinh Tế
THÁM TỬ KINH TẾ
Phần lớn thế giới mà chúng ta đang sống được dệt nên từ vô vàn quan hệ kinh tế. Việc bạn nhìn lướt qua giá cuốn sách này, hay việc bạn phải đau đầu triền miên vì những việc hàng ngày diễn ra nơi công sở, cho tới thói quen theo dõi bản tin thời sự mỗi buổi tối, tất cả đều không thoát khỏi những hành vi kinh tế. Kinh tế học sinh ra với tham vọng giải thích các hành vi thiên biến vạn hóa của con người trong một khuôn khổ lý thuyết nhất quán và có hệ thống. Nhưng không biết là đáng mừng hay đáng tiếc, sau hơn hai trăm năm phát triển, từ những khảo luận của một số nhà triết học hay bác học, giờ đây kinh tế học đã phát triển thành một hệ thống mênh mông các khái niệm khó hiểu cùng những dãy công thức toán học đầy bí hiểm. Nhưng Kinh tế học là một khoa học nghiên cứu về những hiện tượng thường ngày và nó sẽ lụi tàn nếu không làm cho công chúng hiểu được các khám phá quan trọng thâm sâu của nó.
Môn học nào cũng vậy, ngoài những vị tông đồ trong chốn hàn lâm, còn có những sứ thần với biệt tài rao giảng. Một truyền thống tốt đẹp đã được xây dựng từ khi nhà kinh tế đa tài Henry Hazlitt xuất bản tác phẩm có ảnh hưởng lớn lao Economics in one lesson vào năm 1946. Sau ông, nhiều tác giả khác bắt đầu công bố những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ trong sáng, hóm hỉnh và giản dị, nhằm phổ cập cho quần chúng những phát kiến hữu ích của kinh tế học. Năm 2005, việc Steven Levitt và Steven Dubner gặt hái thành công vang dội với cuốn sách Freakonomics1 chứng tỏ truyền thống này ngày càng phát triển. Và cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một tác phẩm tiêu biểu khác của truyền thống này.
Tim Harford hiện là nhà báo – nhà kinh tế trẻ đầy tài năng, sinh năm 1973 và sống tại London. Nhận bằng Thạc sỹ Kinh tế học tại Đại học Oxford năm 1998, và sau này, Tim được biết đến rộng rãi với lối viết hài hước và sắc bén trên chuyên mục Dear Economist do anh phụ trách trên tờ The Financial Times nổi tiếng. Đây là chuyên mục hàng tuần, mỗi lần là một cuộc thảo luận thú vị và tinh tế về những vấn đề thường nhật dưới cái nhìn của kinh tế học. Tác giả Tim Harford đã thành công trong việc truyền tải những nội dung căn bản nhất của kinh tế học hiện đại qua ngôn ngữ hàng ngày, dí dỏm và hài hước, giúp người đọc hiểu thêm những điều tưởng chừng như hiển nhiên trong cuộc sống.
Cuốn sách được thiết kế thận trọng, đầy chủ ý để dẫn dắt độc giả theo lối đi mang tính sư phạm không kém gì một cuốn sách giáo khoa chuẩn hiện nay. Tất cả đều được bao bọc dưới một lớp vỏ ngôn từ cuốn hút và tự nhiên. Chương đầu đề cập học thuyết giá trị tế nhị, trong đó Tim là một môn đệ trung thành của học thuyết tân cổ điển. Nguồn gốc giá trị của hàng hóa bắt nguồn từ sự khan hiếm tương đối của nó. Vì sự khan hiếm chỉ được tiết lộ trong mối tương quan của cung và cầu. Chương 2 bàn về sự hình thành giá cả trên thị trường, cấu trúc thị trường và hành vi phân biệt giá cả. Đây là những kiến thức chuẩn làm nền tảng cho kinh tế học hiện đại.
Chương 3 phân tích mô hình căn bản nhất của kinh tế vi mô, trong đó một thị trường hoàn hảo được dựng lên làm môi trường sơ khởi cho mọi phân tích trừu tượng về nền kinh tế thị trường, về vai trò quan trọng của giá cả và tính ưu việt của thị trường trong quá trình phân bổ nguồn lực và hướng dẫn hành vi kinh tế. Chương 4 và 5 tiến thêm một bước trong lý thuyết kinh tế vi mô, đó là vạch ra những mặt hạn chế hay thất bại của thị trường. Trong đó, khái niệm ngoại biên (externality) bàn về vấn đề thông tin không cân xứng.
Các chương tiếp theo đề cập những chủ đề đặc thù của kinh tế học. Chương 6 bàn về thị trường chứng khoán và khuynh hướng biến động của giá cổ phiếu. Chương 7 bàn về một lĩnh vực mới và đang phát triển như vũ bão là lý thuyết trò chơi. Chương 9 và 10 đề cập những vấn đề chung to lớn (vĩ mô) hơn. Thứ nhất là về tăng trưởng kinh tế (Chương 9). Thứ hai là về thương mại quốc tế (Chương 10), trong đó nguyên lý lợi thế so sánh – phát kiến quan trọng nhất của kinh tế học – được giới thiệu khéo léo. Chương này cũng bàn nhiều về toàn cầu hóa. Chương 10 bàn về lịch sử tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc với những hàm ý sâu xa. Bằng cách đem những thất bại của nền kinh tế Trung Quốc dưới thời kinh tế kế hoạch của Mao Trạch Đông tương phản với những thành công ngoạn mục của đất nước này từ thời mở cửa của Đặng Tiểu Bình đến nay, tác giả muốn lấy câu chuyện lịch sử này làm ngụ ngôn cho khúc khải hoàn vĩ đại của thị trường. Một tác giả quen thuộc hiện nay ở phương Tây là David Bodanis2 đã thốt lên khi đọc xong cuốn sách này:
“Harford viết như một giấc mơ – anh cũng là một nhà kinh tế hàng đầu của thế hệ anh. Tôi hiểu ra từ cuốn sách của anh vì sao ở mỗi góc phố đều có một quán Starbucks, rằng Bob Geldof cần học gì để làm cho viện trợ phát triển phát huy tác dụng và làm thế nào để không bị lừa gạt trong một cuộc đấu giá. Đọc Thám tử Kinh tế giống như bỏ ra một ngày quan sát thế giới qua đôi kính thấu thị.”
Vậy đấy, chúng ta vẫn sống trong một thế giới thường nhật tưởng chừng chứa đựng bao điều ngẫu nhiên, nhưng thực ra nhiều phần trong số chúng lại là kết quả của các quy luật kinh tế ngầm ẩn dưới sâu. Các quy luật này chi phối từ các hành vi nhỏ của cá nhân đến những sự kiện trọng đại của các quốc gia, nhưng không phải lúc nào người ta cũng nhận ngay ra chúng. Rất có thể nhờ cuốn sách này, mỗi bạn đọc đều có thể ngầm trở thành một nhà kinh tế, hay có thể nhìn các hiện tượng muôn hình vạn trạng quanh mình dưới nhãn quan của kinh tế học. Đó cũng chính là hy vọng của tác giả dành cho bạn: sau khi gấp sách lại, bạn sẽ trở thành một thám tử kinh tế!
Hà Nội, ngày 26/2/2007
NGUYỄN ĐỨC THÀNH
Chú thích:
1 Tác phẩm này đã được Alpha Books xuất bản với tên gọi Kinh tế học hài hước. NXB Tri Thức, 2007.
2 Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về lịch sử khoa học hấp dẫn rất nhiều bạn đọc trên thế giới, ví dụ như E=mc2: Biography of The World’s Most Famous Equation (E=mc2: Tiểu sử hệ thức nổi tiếng nhất thế giới) và Electric Universe (Vũ trụ điện tử).
Tham khảo thêm:
Nguồn: Downloadsachmienphi.com