Giới Thiệu Tâm lý học phật giáo
Tâm lý học là khoa học nghiên cứu về tâm lý con người. Tâm lý học thường đi đôi với giáo dục học, gọi chung là tâm lý giáo dục. Về góc độ lịch sử, tâm lý học ra đời muộn hơn so với các ngành khoa học khác. Nhưng cũng như các ngành khoa học, tâm lý học bắt nguồn từ triết học và từ đó đã sớm đi vào giải quyết các vấn đề quan trọng, then chốt trong đời sống con người.
Ngày nay tâm lý học trở thành một trong những ngành học quan trọng nhất về con người, nó liên quan mật thiết đến các lĩnh vực văn hóa và văn minh của nhân loại. Vì rằng, văn hóa và văn minh là những gì được làm ra bởi con người; nó là sản phẩm của con người, và do đó, không thể tách rời con người ra khỏi các lĩnh vực văn hóa và văn minh trong hệ thống tương quan, mang tính chất tùy thuộc lẫn nhau (Y tha khởi).
Tuy nhiên, trước viễn cảnh của thực tại, các nền văn minh nhân loại hiện nay đang rơi vào khủng hoảng – sự mất cân bằng một cách trầm trọng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Các nước văn minh, tiên tiến thì nỗ lực tập trung vào các ngành khoa học công nghiệp và siêu công nghiệp, như công nghệ tin học, công nghệ không gian…; các nước đang phát triển và kém phát triển thì nỗ lực đi vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nói chung, cả hai đều đi vào mục tiêu phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, điều nghịch lý, mâu thuẫn vẫn diễn ra trên toàn thế giới, đó là: đói nghèo, bệnh tật, chiến tranh, và nạn nhân mãn v.v…
Trong khi, chỉ số đánh giá mức phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc được xác định trên tỷ lệ tăng hoặc giảm của “GDP” (General Domestic Product – Tổng sản lượng hàng hóa nội địa) và “GNP” (Gross National Product – Tổng sản lượng quốc gia); thì ngược lại, chỉ số “stress” của con người ngày càng tăng. Đối với các nước công nghệ (1) siêu cường của thế giới thì căn bệnh trầm kha nhất không phải là kinh tế, mà chính là “stress” – một sự khủng hoảng tâm lý thời đại.
Ngược lại, các nước kém phát triển và đang phát triển thì căn bệnh khủng hoảng đó bao gồm cả hai: khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng tâm lý. Với một đường hướng phát triển như thế đã đánh mất sự quân bình của đời sống con người. Nếu sự phát triển chỉ dựa vào lợi tức thu nhập (income) kinh tế và tư bản (tiền tệ), nghĩa là chỉ dựa vào khát vọng làm giàu và tôn vinh sự bảo thủ độc quyền (exclusive) – nói theo ngôn ngữ của Phật là tham ái (tanhà) và chấp thủ (upadàna) – thì ắt hẳn sẽ đưa đến khổ đau, bất hạnh và tuyệt vọng.
Vì thế, trước viễn cảnh của những khủng hoảng trầm trọng, nhất là khủng hoảng tâm lý của con người như là các hội chứng của stress thời đại, các giá trị trong sự sống của con người cần thiết được xét lại, và cần được soi sáng bởi những lời dạy của Đức Phật.