Giới Thiệu Súng, Vi trùng và Thép – Jared Diamond
Jared Diamond ngay từ đầu trang sách đã đặt vần đề: Tại sao lịch sử Thế giới giống như một củ hành? Và ông lấy việc bóc từng lớp vỏ kia là công việc hấp dẫn, đầy thử thách. Jared Diamond đã đặt ra cho mình nhiệm vụ giải thích tiến trình lịch sử loài người trên tất cả các châu lục trong 13.000 năm qua. Để tìm ra câu trả lời, ông áp dụng những kết quả nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau: sinh học, địa lý học, khảo cổ học, ngôn ngữ học… một kiến thức bác học rất đáng nể.
Tại sao không phải là người châu Mỹ bản địa, người châu Phi và người châu Úc bản địa là kẻ đi tàn sát, chinh phục hay tiêu diệt người châu Âu và người châu Á chứ không phải là ngược lại? Đó là một trong những chủ đề quyển sách này hướng đến. Súng, vi trùng và thép là nguyên nhân, là lý do giải thích cho câu hỏi: tại sao các xã hội loài người phức tạp đã phát sinh trên mỗi lục địa theo các cách khác nhau trong 13.000 năm trở lại đây? Diamond đã mạnh dạn bác bỏ những lí thuyết “chủng tộc”, cho là giống dân này bẩm sinh đã thông minh, tài ba hơn giống dân khác mà trước đây người ta hay viện dẫn để giải thích cho sự bất bình đẳng giữa các tộc người.
Chúng ta đã từng nghe về câu chuyện chỉ vài trăm người Tây Ban Nha dưới quyền của Hernan Cortes đã lật đổ được Đế quốc Aztec hay như câu chuyện Pizarro bắt được Hoàng đế Atahualpa của người Inca năm 1532, khi trong tay ông ta chỉ có 62 kỵ binh và 106 bộ binh, trong khi đó Atahualpa có một đạo quân gồm 40.000 chiến sĩ. Dân số của mỗi đế quốc này lên tới hàng triệu người và có thể là hàng chục triệu người. Vậy thì Tại sao lại không phải là Montezuma hay Atahualpa lãnh đạo người Aztec hay người Inca đi chinh phục châu Âu?
Những kẻ xâm lược đến từ châu Âu non trẻ có các thanh gươm bằng thép và có súng ống, trong khi người thổ dân châu Mỹ chỉ có đá và vũ khí bằng gỗ. Thế nhưng, súng, gươm thép và ngựa không phải là các nhân tố trực tiếp duy nhất trong cuộc chinh phục Cựu Thế giới của châu Âu. Số người Indian bị giết trên chiến trường bởi súng và gươm ít hơn nhiều số người bị giết ở nhà của họ do các bệnh dịch truyền nhiễm như bệnh đậu mùa và bệnh sởi (Theo A.C Fabian). Các bệnh dịch này từng lan tràn ở châu Âu và người châu Âu đã có được khả năng miễn nhiễm và di truyền những khả năng này nhằm chống cự với chúng, nhưng người Indian thì không có khả năng đó ngay từ đầu. Các bệnh dịch được lây lan từ người châu Âu tới người Indian rồi truyền từ bộ lạc Indian này sang bộ lạc Indian khác, thậm chí còn trước khi người châu Âu đến khá lâu.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến việc đi lại vượt đại dương bằng thuyền – kết quả của những hình thái tổ chức chính trị phát triển. Và chữ viết, thể hiện qua việc ghi dấu những bước đường, lập bản đồ, lưu lại những kinh nghiệm của những người đi trước. Những điều ngày các đế quốc Inca và Aztec không có.
Vậy thì lý do tại sao những vi trùng tồi tệ nhất lại tồn tại ở lục địa Âu – Á. Một điều đáng ngạc nhiên là người Indian ở châu Mỹ không truyền cho người châu Âu một bệnh dịch nguy hiểm nào trong khi lại phải gánh chịu rất nhiều bệnh dịch nguy hiểm từ Tân Thế giới. Hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm mà chúng ta biết đều chỉ tồn tại được trong các cộng đồng dân cư sống tập trung ở các làng xã hay thành thị và những hình thái tổ chức này xuất hiện ở Cựu Thế giới trước Tân Thế giới từ rất lâu. Lại nữa, hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm của con người đều phát triển trên những bệnh dịch tương tự ở động vật nuôi mà con người có liên hệ. Mà Châu Mỹ thì có rất ít động vật được thuần dưỡng mà con người có thể nhiễm bệnh từ đó.
Thế thì tại sao dân châu Âu có những lợi điểm ấy mà thổ dân châu Mỹ không có. Tại sao các vi trùng của dân châu Âu lại độc địa đối với thổ dân châu Mỹ, thay vì ngược lại? Càng lùi ngược về quá khứ, Diamond càng thấy các yếu tố môi trường vấn đề quan trọng. Diamond còn cho rằng sản xuất lương thực là nhân tố tối hậu, còn súng, vi trùng và thép là nhân tố trực tiếp đưa nhân loại đến bước phát triển ngày nay?
Diamond cũng bàn đến vấn đề Trung Quốc đã có những hạm đội viễn dương rất sớm, vào những năm đầu của thế kỉ 15, nhưng sau đó không lâu thì lại giải thể hạm đội này, chấm dứt mọi hoạt động viễn du. Theo ý kiến của Diamond, thì sự thống nhất của Trung Quốc cho phép nước này canh tân trước phương Tây, song cũng chính sự thống nhất sớm của Trung Quốc đã làm giảm đi khả năng đổi mới của nước này, một phần cũng do vấn đề chính trị… Ở châu Âu thì khác: một tiến bộ bị ngăn chặn ở nước này sẽ có thể được tiếp tục ở nước khác, chia sẻ những ý kiến mới cho nhau… Theo Diamond, đây là một bài học cho hiện tại, khi mà sự tập trung trong các môi trường truyền thông, nhà nước, và văn hóa ngày càng lớn. Bên cạnh đó là những lý giải về sự phát triển của Nhật Bản – tận dụng được cơ hội mới có ở thời hiện đại. Những lý giải này khả dĩ có thể chấp nhận được?
Một khía cạnh khác cũng lý thú không kém khi những giải thích của Jared Diamond dẫn đến một gợi ý về tương lai của khoa lịch sử loài người cần được xem một ngành khoa học. Lịch sử thường được coi là một ngành nhân văn hay giỏi lắm chỉ là một ngành khoa học xã hội hơn là một ngành khoa học thực thụ. Có lẽ đã đến lúc cần một cái nhìn khác cho khoa học lịch sử. Bản thân từ “khoa học” (Science) vốn có nghĩa là tri thức, cái tri thức mà người ta đạt được bằng bất cứ phương pháp nào phù hợp nhất với từng lĩnh vực…