Giới Thiệu Sự tích Cầu Vồng
Xì Pứ là con gái một nhà nghèo. Nàng chỉ có một bộ quần áo bảy màu do tay nàng thêu là đẹp nhất, còn toàn là quần áo vá. Nhưng đôi tay Xì Pứ chăm làm, đôi chân Xì Pứ hay leo rẫy, nên ai cũng mến cũng thương. Nàng đẹp không gì sánh nổi. Tiếng nàng thánh thót hơn tiếng hót của chim mì xí, mái tóc nàng mượt dài hơn dây móc, da nàng trắng hơn gốc cây chuối rừng chớm nở. Nhiều chàng trai khỏe, đẹp, khắp bản gần bản xa kéo đến xin ở rể nhà Xì Pứ nhưng bụng nàng vẫn chưa ưng ai.
Vào một ngày đẹp trời, Xì Pứ cầm dao đi phát rẫy xa. Nàng đi tới đâu dưới chân nàng hoa rừng nở rộ, trên đầu nàng chim chóc hót ca, cảnh vật như thêm sức sống. Đến những sợi nắng vàng rực trong trẻo cũng cố tình đậu mãi trên bộ ngực nở nang và mái tóc xanh đen óng ả của nàng. Vừa tới nương, Xì Pứ gặp một chàng trai trông rất hiền lành mặc một bộ quần áo chàm thô, dáng khỏe mạnh nhanh nhẹn. Sau một lúc ngập ngừng, chàng trai lên tiếng hỏi Xì Pứ:
– Người đẹp ơi! Đừng sợ thế! Ta chờ người đẹp đã lâu rồi, lòng ta héo như cỏ tranh cắt để lâu ngày vì mong vi nhớ!
Vừa trông thấy chàng lòng Xì Pứ đã như lá rừng gặp gió. Giờ lại được nghe tiếng nói ngọt hơn nước mật ông của chàng, lòng nàng lại càng ưng hơn. Chàng trai giúp Xì Pứ chặt cây to, phát cây nhỏ. Vừa phát, miệng họ vừa nói chuyện vui vẻ. Khi con mắt hai người không dám ngó thẳng nữa thì họ hứa hẹn cùng nhau nên vợ nên chồng. Xì Pứ không ngờ rằng chàng trai kia chính là rắn thần ở núi này. Vì quá mê vẻ đẹp và tính tình của nàng, thần rắn đã hiện thành người để tỏ lòng mến thương của mình. Khi rắn thần kể rõ về mình, lòng Xì Pứ vẫn như ngọn núi không suy suyển. Họ thề thốt một lòng sống bên nhau.
Biết được chuyện, lòng bố mẹ Xì Pứ đau nhiều, vừa thương mà vừa giận Xì Pứ đầy ruột. Đên nằm hai ông bà cùng to nhỏ bàn tính chuyện giết thần rắn để trừ hậu họa cho con gái. Hai ông bà lấy ba con dao nhọn mài thật sắc cắm cán xuống đất, mũi lên trên giữa lối rắn thường qua lại. Đêm ấy chàng rắn quen lệ bò tới chỗ người yêu để được nhìn, để được nghe giọng nói của nàng. Chẳng ngờ chàng liền bị lưỡi dao rạch bụng, máu túa ra lênh láng. Chàng rắn chỉ kịp kêu lên:
– Trời ơi! Sao ai lại nỡ hại tôi thế này.
Giết được rắn rồi bố mẹ Xì Pứ chất củi và gianh khô để đốt. Thấy người yêu bị chết lại bị thiêu xác, lòng Xì Pứ như có ai dội lửa. Không ngăn được ý muốn của bố mẹ, nàng bèn mặc bộ quần áo đẹp nhất có thêu bảy màu sặc sỡ đến bên xác người yêu đang cháy rừng rực khóc lóc:
– Người ta thương đã chết. Lòng ta héo như cánh hoa phơi nắng lâu ngày. Ta không thể sống thêm được nữa, ta phải chết theo người ta thương thôi. Làng xóm ơi! Nếu ai thương tôi, muốn thấy tôi thì ngay sau lúc trời mưa rồi lại nắng tôi sẽ hiện ra!
Nói xong nàng nhảy vào đống lửa đang cháy hừng hực. Lửa từ thân chàng rắn quấn lấy người nàng. Hai người ôm nhau chết trong đống lửa rừng rực. Bỗng trời đổ mưa sầm sập. Lửa tắt, mối đùn lên lấp kín xác hai người thành một ngôi mộ lớn. Trời vẫn mưa, nắng bỗng hửng lên. Người ta nhìn thấy hai chiếc cầu vồng rực rỡ bảy màu hiện lên.
Từ đó, nếu trời đang mưa mà lại có nắng hửng lên thì hai chiếc cầu vồng lại cùng hiện lên và cùng biến đi như vậy. Ta thường thấy một chiếc cầu vồng màu đen viền một vết đỏ mờ mờ bên cạnh. Đó là hồn của chàng rắn. Máu đỏ mang màu ngọn lửa thiêu, màu đen là màu áo rắn khoác ngoài lúc bị thiêu. Còn chiếc cầu vồng có bảy màu rực rỡ chính là màu áo quần của nàng Xì Pứ xinh đẹp mặc lúc lao mình vào ngọn lửa.
Ngày nay, mỗi khi cầu vồng hiện ra ở đâu người ta đều cho rằng nó đang vươn vòi xuống suối, xuống khe để uống nước cho bõ cơn khát vì bị ngọn lửa thiêu nóng ngày nọ vậy.