Giới Thiệu Stalingrad – Cuộc chiến định mệnh (Antony Beevor)
Cuộc chiến Stalingrad là một tấm bản lề khép mở hai giai đoạn của Thế chiến thứ hai. Với việc chiếm đóng Stalingrad, Đế chế thứ 3 lên đến đỉnh cao chiến thắng, nhưng cũng từ đây, sau khi bị Hồng quân Liên Xô đẩy lùi, đội quân của Đức Quốc xã bắt đầu tuột dốc không thể cứu vãn. Antony James Beevor, tác giả Stalingrad, đã chọn trận đánh có vị trí đặc biệt này để mang đến một điểm nhìn về Thế chiến thứ hai. Cách của tác giả là zoom to hết mức để các phần nhỏ của bức tranh hiện lên chi tiết đến mức khủng khiếp.
Mỗi chương, mỗi phần là những cảnh quay chân thực đến rợn người. Cảnh đổ nát sau hoang tàn một trận đánh. Những xác chết chất đầy thối rữa. Những cái chết phi lý của những người lính trẻ măng ở cả hai chiến tuyến, những cái chết dần trong đau đớn thể xác vì bệnh tật, vì chấy rận, vì đói rét, vì cả tê liệt bởi bị đối phương tra tấn về mặt tinh thần; những người thương binh cả Đức Quốc xã, cả Hồng quân, bị bỏ lại trong băng tuyết để chờ đợi cái chết thảm khốc; những bệnh viện bốc mùi hôi thối cùng những tiếng gào thét đau đớn như thể trong “Địa ngục” của Dante. Như hình ảnh một người lính đã nghĩ đến khi quan sát đống đổ nát quanh anh: “Tại nơi này, một lời Phúc âm thường chạy qua đầu tôi: Không một hòn đá nào còn tồn tại sau tất cả. Ở đây, đó là sự thật.” Còn đây là cảnh cuối của trận đánh: “Giờ đây Stalingrad trông chẳng khác gì một nắm xương đen bị cháy trụi. Thứ duy nhất còn tồn tại là chiếc đài phun nước có tượng các em bé nhảy múa xung quanh. Có vẻ như đây là một kỳ tích sau khi hàng nghìn trẻ em đã bỏ mạng trong các đống đổ nát quanh thành phố này.”
Nhưng đâu đây giữa cảnh tàn nhẫn của chiến tranh đó, vẫn le lói những câu chuyện cảm động. Nỗi nhớ nhà da diết của những người lính ở cả hai chiến tuyến, trong thời khắc đối diện với cái chết. Những bức thư, dẫu bị các cơ quan kiểm duyệt cắt xén, vẫn không che dấu được nỗi tuyệt vọng cay đắng. “Anh thường tự hỏi mình,” một Trung úy Đức viết cho vợ, “tất cả việc này là vì cái gì. Loài người điên dại cả rồi sao?”. Và đây là lá thư người lính Đức gửi cho gia đình khi nằm trong boongke chờ thời khắc của cái chết: “Điều duy nhất còn lại với anh là nghĩ về em và hai con”. Đó là điếu thuốc lá chia nhau ngày Giáng sinh đen tối trên chiến trường, tiếng đàn piano của Bác sĩ Kurt Reuber, bức tranh người mẹ đang âu yếm hôn con trên chiến trường đổ nát khiến những người lính phải bật khóc …
Giữa hàng ngàn cuốn sách viết về Thế chiến thứ hai, có lẽ, sức hút đặc biệt của Stalingrad là ở những nốt trầm đặc biệt đó. Không mô tả trận chiến như một bản anh hùng ca, không ngợi ca, không tô vẽ, không tập trung quá nhiều vào những khía cạnh bề nổi; ở đây, mỗi con số, tư liệu, bức hình, lá thư… chứa sức nặng hơn tất cả những lời bình luận. Và nhân vật chính không phải là phe Đức Quốc xã, cũng không phải là phe Hồng quân Liên Xô, mà là con người. Hàng vạn phụ nữ, trẻ em, hàng vạn người lính trẻ vô danh đã ngã xuống trên cả hai chiến tuyến. Những thanh niên đẹp đẽ, măng tơ, non nớt, những con người vô tình vướng vào giấc vĩ cuồng của những kẻ độc tài, để rồi bị đẩy vào cảnh địa ngục giết chóc lẫn nhau mà ở đó cái chết thậm chí là cả một sự giải thoát. Chiến tranh, mãi mãi là hoàn cảnh phi nhân tính khủng khiếp mà con người một khi bị đẩy vào không thể tránh được sự phân rã về đạo đức.
Một cuốn sách chân thực và thảm khốc về chiến tranh như thế đồng thời cũng là một cách đặt vấn đề nghiêm túc về hòa bình cho con người.