Giới Thiệu Sống Để Yêu Thương
Giữa bộn bề cuộc sống, đôi khi ta tự hỏi: Cuộc sống này sẽ đi về đâu? Sống để làm gì? Trong cả một kiếp người, không ai là không phải trải qua những giây phút khó khăn cùng cực: những bi quan, đau khổ, mất niềm tin; những lo toan, mất mát, và những giọt nước mắt muộn phiền là những điều gắn liền với cuộc đời của một con người. Ai đó đã nói rằng: chỉ khi bạn nếm mùi đau khổ đến 99%, bạn mới nhận được 1% niềm hạnh phúc và mới hiểu được giá trị đích thực của hạnh phúc. Liệu cuộc sống này thật sự nghiệt ngã đến thế sao?
Thật ra, cuộc sống này cho ta rất nhiều thứ mà đôi lúc vì tự thương thân quá mức, ta không thể nhận ra. Những thất bại cho ta kinh nghiệm quý báu, những khó khăn cho ta sức mạnh của nghị lực, những mất mát khiến ta biết quý trọng gìn giữ những gì ta đang có, nước mắt sẽ làm nụ cười thêm rạng rỡ, nỗi bất hạnh mở ra những khát khao hướng về ánh sáng của niềm hạnh phúc, và sự ganh ghét, ích kỷ, thù hận sẽ càng làm cho ai đó mong mỏi mãnh liệt được yêu thương. Dù bạn có được mọi xa hoa của vật chất và danh vọng, cuộc sống này vẫn sẽ là vô nghĩa nếu không có tình yêu thương, niềm hy vọng, không có những tấm lòng rộng mở và trái tim nhân hậu.
“Sống để yêu thương” gồm những câu chuyện về cuộc đời của những con người quen thuộc trong cuộc sống quanh ta: trẻ em, sinh viên, ông bà lão, người mắc bệnh nan y, kẻ nghèo khó, người giàu sang, kẻ thất bại, người kinh doanh thành đạt, kẻ lành lặn, người khuyết tật… Ai cũng có những nỗi đau của riêng mình. Ai rồi cũng cần được yêu thương và cần có ai đó để yêu thương.
Những câu chuyện hay, giống như một người cố vấn tài ba nhất, dẫn đường nhưng lại không hề áp đặt ra lệnh; những câu chuyện ấy là những trải nghiệm độc nhất vô nhị, sự thấu hiểu thắt chặt với xúc cảm làm ta xao động và tái hiện lại những ký ức của chúng ta.
Một câu chuyện thực sự có ý nghĩa sẽ để ta tự nhận ra nhhũng lựa chọn gợi mở, để ta thấy được những hướng đi mới mà có thể chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến. Câu chuyện ấy còn cho phép và truyền cho chúng ta lòng can đảm để thử sức với mọi con đường mới, vượt qua mọi bi quan, yếm thế, đau khổ, thúc đẩy chúng ta hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn. Hy vọng những câu chuyện trong tập sách nhỏ này sẽ mang lại cho bạn điều đó.
“Sống để yêu thương” sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng sống biết bao…
NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Cái chạm của tình yêu
Tôi đã từng làm một cuộc nghiên cứu tự nguyện ở Ấn Độ suốt một năm khi tôi quyết định đi làm tình nguyện tại “Ngôi nhà của Mẹ Teresa cho những người bệnh tật, nghèo khó và sắp chết” ở Calcutta. Tôi biết cuộc nghiên cứu đã rất có ích, nhưng tôi không thể cưỡng lại được cảm giác đất nước Ấn Độ đang gọi tôi để làm một việc gì khác nữa. Tôi cảm thấy chỗ của tôi là ở Calcutta, giữa những người “nghèo nhất của những người nghèo”. Và cuối cùng vào một ngày nọ, tôi đã đủ dũng cảm để nghe theo trái tim mình và đáp chuyến tàu đi Calcutta.
Có những điều về Calcutta mà tôi sẽ mãi yêu thương. Tuy còn những lề đường rạn nứt, dơ bẩn, những hàng cây đầy bụi và khói bụi của xe cộ, nhưng có một sự tràn ngập tình cảm con người nới đây khiến tôi vẫn đi dạo trên đường với niềm vui. Thế nhưng, ngày mà tôi đến trên con đường bụi bặm này bên ngoài Ngôi nhà, tôi đã bị sốc.
Tôi đã sốc khi đối diện với nơi mà trái tim minh đã dẫn đến, nhưng tôi đã không thể đi theo vào cùng những tình nguyện viên đang tiến vào trong. Tôi thấy sợ hãi với những gì xảy ra ở trong kia mà mình không thể giúp gì được. Tôi đứng ở bên ngoài một mình cho đến khi không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Tôi đi đến cánh cửa hẹp bằng gỗ và bước vào trong.
Điều đầu tiên tôi thấy là một người chết, được bọc trng một tấm chăn để chờ được mang đi. Tôi chưa từng bao giờ thấy cảnh tượng như vậy; mà chỉ chứng kiến người thân mình qua đời trong quan tài. Tôi dừng lại trước cơ thể gầy còm, quặt quẹo của ông ta. Một bà xơ tiến lại và hỏi tôi cần gì. Khi nhìn chiếc áo khoác đơn giản và đôi bàn tay chai sần của bà, tôi nhận ra bà đã tiếp xúc với người chết mỗi ngày. Chắc bà ta không muốn tôi làm mất thời gian của bà, nên tôi tự hứa rằng mình sẽ mạnh mẽ và không làm bà thất vọng. “Tôi đến đây để phụ giúp”, tôi nói. “Tôi có thể làm được gì?”
Ngay lập tức bà xơ kéo tôi vào một căn phòng với cái tủ thuốc gần như rỗng và mở tung một cái tủ lớn hơn chứa chăn và tã lót. Không một lời chỉ dẫn, bà chỉ tôi tới cánh tay bị thương của một người phụ nữ và giục tôi làm. Ngay khi tôi đang tìm cái tạp dề, một đứa bé chừng hai tuổi thét lên sau lưng khi một người tình nguyện lau rửa những vết bỏng trên gần nửa cơ thể của em. Hai người khác thì đang lau rửa một cái lỗ ở chân một người phụ nữ. Tôi có thể thấy xương nhô lên từ miếng thịt đầy máu. Không thể tin được sự dũng cảm và sự khéo léo của những người tình nguyện ở đây! Một người chết, một đứa trẻ bị bỏng, một vết cắt thấy tận xương – tôi có thể giúp được gì đây? Tôi không phải là bác sĩ, mà chỉ là một nhà nghiên cứu.
Một tình nguyện viên người Mỹ gọi tôi: “Bạn lại đây và giúp tôi chứ?” Cô ta đang cố làm vệ sinh cho một bà cụ đang quằn quại trong đau đớn. Tôi giúp nâng bà ta lên và lau khô người bà. Nhưng ngay khi bà ta ra, một người khác lại được mang vào. Và tôi nhận ra công việc cứ như vậy trong những phút tiếp theo.
Trước tôi là hai hàng võng với những phụ nữ đang nằm trên đó. Những tình nguyện viên hối hả chạy tới lui, tắm rửa, lau chùi, cho ăn và thay tã. Họ dường như là làm việc theo cặp. Mỗi người đều đặn tới và đi. Tôi cảm thấy lạc lõng. Người Mỹ kia không còn cần tôi nữa, và tôi chẳng còn biết chỗ nào để bắt đầu. Mọi người đều thân thiện nhưng họ lại quá bận để có thể giải thích nhiều cho một người mới đến trễ như tôi. Và khi tôi tự nhủ mình có nên đi ra hay không thì một cô người Đức ném cho tôi một bộ đồ.
Trong hai giờ tiếp theo, tôi giặt, phơi và cố gắng nhẹ nhàng thay tã cho bệnh nhân, hết người này đến người khác. Một vài ngươi khóc lên đau đớn bằng tiếng Hindi; những người khác nhìn trừng trừng nhưng im lặng. Rõ ràng là họ đang bực tức với cô gái phương Tây trẻ đang đụng vào họ một cách vụng về, và tôi không hề trách họ.
Vào giữa trưa, những người tình nguyện ăn bánh và uống trà trên nóc nhà. Thật là tuyệt với khi được gặp những người đã làm việc với tốc độ gấp ba lần mà tôi có thể xoay sở được. Thế nhưng, tôi cảm thấy xấu hổ và thất vọng bởi tôi đã không thể làm gì để trông khác với những người phụ nữ dưới kia. Một lần nữa, lý trí nói rằng tôi đã làm được việc có ích, nhưng trái tim và tinh thần tôi lại thấy trống rỗng. Khi nhìn xuống những người bán hoa và trái cây ngồi cả ngày bên đường, tôi quyết định rằng mình phải tìm ý nghĩa của những việc mình làm ngày hôm đó.