Giới Thiệu Siêu lý tình yêu – Vladimir Soloviev
Siêu Lý Tình Yêu: Tập 1 – Triết Học và Thần Học
Con người được Thượng đế quý trọng không phải như một công cụ thụ động của ý chí của Ngài – những công cụ như thế có đủ trong thế giới vật chất mà như một đồng minh và một cộng sự tự nguyện trong cơ đồ hoàn vũ của Ngài. Sự cộng tác của con người nhất thiết nằm ngay trong mục đích hoạt động của Ngài trong thế giới này, bởi lẽ nếu mà cái đích ấy có thể đạt được từ muôn đời trước mà không cần sự tham gia của con người thì nó đã đạt được từ muôn đời trước rồi… Nếu không thể hình dung một sinh linh tuyệt đối đạt tiến bộ từng bước trong cái thiện và trong sự hoàn thiện, thì ngược lại, cũng không thể hình dung loài người đạt được thể hoàn thiện một lần, không qua quá trình hoàn thiện. Bởi vì cái hoàn thiện không phải là vật mà người này có thể tặng người khác, mà là trạng thái nội tại, chỉ có thể đạt được thông qua những trải nghiệm của chính mình.
Siêu Lý Tình Yêu: Tập 2 – Triết Học Đạo Đức
Cảm giác xấu hổ thực sự là một khác biệt không hề hồ nghi của con người so với giới tự nhiên… Không ở một động vật nào khác có thể tìm thấy cái cảm xúc ấy ở bất cứ mức độ nào, còn ở loài người thì nó đã xuất hiện từ thuở hồng hoang và sau đó tiếp tục phát triển. Thực tại này, xét ngay ở nội dung của nó, có một ý nghĩa rất sâu xa. Cảm giác xấu hổ không chỉ là dấu hiệu phân cách con người khỏi thế giới động vật: ở đây con người còn tự tách mình ra khỏi toàn bộ giới tự nhiên vật chất, không chỉ ở bên ngoài mà cả bên trong nó. Hổ thẹn những ham thích và những chức năng tự nhiên của cơ thể mình, con người bằng cách ấy cho thấy rằng nó không chỉ là một sinh vật tự nhiên mà còn là một cái gì đó khác, cao hơn. Kẻ xấu hổ bằng ngay động tác tâm lý ấy gián cách mình với cái mà nó xấu hổ… Tôi xấu hổ tức là tôi tồn tại, không chỉ tồn tại bằng vật chất mà còn cả bằng tinh thần nữa, tôi xấu hổ tính con vật của mình, tức là tôi còn tồn tại như là con người.
Siêu Lý Tình Yêu: Tập 3 – Mỹ Học và Phê Bình Văn Học
Nếu cái đẹp không thể được quý trọng như là một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu này hay nhu cầu kia của đời sống hay sinh lý, thì có nghĩa là nó được quý trọng như là một mục đích tự thân, tự tại. Trong cái đẹp ngay cả ở những biểu hiện đơn sơ nhất và khởi thủy nhất của nó ta bắt gặp một cái gì đó có giá trị một cách vô điều kiện, nó tồn tại không phải vì cái khác mà vì chính mình, bằng sự tồn tại của mình nó làm hoan hỉ và thỏa mãn tâm hồn chúng ta…
Vật chất chỉ có thể được đưa vào trật tự đạo đức thông qua việc làm cho bừng sáng, làm cho chứa chan tinh thần, tức là dưới hình thức của cái đẹp. Như vậy, cái đẹp cần thiết ngay cho việc thực hiện đầy đủ cái hoàn thiện trong thế giới vật chất, bởi lẽ chỉ có nó mới làm sáng và chế ngự được bóng tối không lành của thế gian này.