Giới Thiệu Rễ Bèo Chân Sóng
Tôi là dân Thái Bình. Thiên hạ đã làm vè giễu dân tỉnh tôi: “Thái Bình là đất ăn chơi, tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành”, cũng không bao giờ nghĩ rằng các bác, các chú tôi thường giáo dục truyền thống cho con cháu: dân Thái Bình anh hùng lắm, năm 1954, người Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries ở mặt trận Điện Biên Phủ; năm 1980 người Thái Bình lái tàu lên vũ trụ; ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Thái Bình lái xe tăng húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập. Tôi cũng tin như thế. Thời gian tôi bị “đánh đuổi” khỏi Hội Văn nghệ Hà Nội, đành “chạy tị nạn” sang ngành điện ảnh. Nhờ đó tôi mới biết chuyện khi đạo diễn Liên Xô Roman Karmen làm bộ phim
Việt Nam trên đường thắng lợi vừa đến những cảnh cuối cùng, cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Ông ta đành phải dựng lại cảnh cắm cờ trên nóc hầm De Castries để tăng khí thế chiến thắng cho bộ phim, làm cho 70 triệu đồng bào ta tưởng nhầm rằng có chuyện cắm cờ thật. Trò xilama này tôi đã viết trong truyện ngắn Người vãi linh hồn. Theo tất cả những sách viết về mặt trận Điện Biên Phủ, không hề có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries. Thầy Trần Cư tôi khi đó là phóng viên mặt trận trên Điện Biên Phủ cho tôi biết quân ta chiếm được hầm ngầm De Castries lúc 17h00 ngày 7 tháng 5 năm 1954, vì vội giải tướng De Castries lên sư đoàn bộ nên chẳng ai nghĩ đến chuyện cắm cờ. Mãi đến ngày 13 tháng 4 năm 1954, trong lễ mừng công tổ chức ở Mường Phìn, ông Tạ Quốc Luật, người chỉ huy đơn vị đã đánh chiếm hầm De Castries mới lên kéo cờ đỏ sao vàng giữa tiếng nhạc Tiến quân ca hùng tráng trong giờ khai mạc Lễ Mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Tạ Quốc Luật là người Thụy Anh (Thái Bình), sau khi xem phim Việt Nam trên đường thắng lợi, ông Luật đã viết thư lên các cấp khẳng định không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries.
Suốt từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 1995, báo chí, phim ảnh ở nước ta cứ diễn đi diễn lại màn kịch xe tăng 843 do ông Bùi Quang Thận người Thái Bình chỉ huy đã húc đổ cổng sắt của dinh Độc Lập. Ngày 8 tháng 3 năm 1995, bà Francoise Demulder, phóng viên thường trú của hãng thông tấn AFP (Pháp) đã có mặt ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975, nay bà trở lại Việt Nam sưu tầm tư liệu viết về bốn chiến sĩ trên xe tăng 390 bà đã gặp ở thềm dinh Độc Lập đang sống ra sao khi chiến tranh đã kết thúc. Bà Francoise Demulder có đem theo một số ảnh chụp ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975 tặng Viện Bảo tàng Quân đội. Lúc bấy giờ đồng bào cả nước mới vỡ lẽ ra rằng chính xe tăng 390 mới là xe tăng duy nhất húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập trong lúc xe tăng 843 của ông Bùi Quang Thận còn mắc kẹt ở ngoài cổng phụ. Người chỉ huy xe tăng 390 là ông Vũ Đăng Toàn, người xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chiến sĩ lái xe là ông Nguyễn Văn Tập, người xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, pháo thủ số 1 là ông Ngô Sĩ Nguyên thường trú tại phố Khương Trung, quận Đống Đa (Hà Nội), dạo ấy đang đi lái xe lam, pháo thủ số 2 là ông Lê Văn Phượng thường trú tại phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, dạo ấy đang đi cắt tóc ở Bờ Hào gần thành cổ Sơn Tây. Cả bốn ông ấy không có ông nào là người Thái Bình cả. Còn chuyện người Thái Bình lái con tàu vũ trụ là do các đội văn nghệ xã ở Thái Bình cứ cao hứng hát điệu xẩm xoan “… đất nước Liên Xô phóng lên trên trời một ông trung tá tên là Phạm Tuân…” làm bà con quên mất phi công vũ trụ Liên Xô lái con tàu vũ trụ Phương Đông II chở nhà du hành vũ trụ Thái Bình thăng thiên tên là Gorơbatkô.
Bạn bè tôi thường tự hào dân tôi có những hai tỉnh Thái Bình: một Thái Bình nằm gọn trong vòng tay Biển Đông, sông Luộc, sông Hồng và một Thái Bình hòa tan trong 60 tỉnh thành phố khác. Tôi đã xuôi Nam ngược Bắc kiếm sống, đi đến đâu tôi cũng gặp người Thái Bình. Người Thái Bình vào tỉnh Đắk Lắk đông đến mức có người đã đề nghị phải đổi tên tỉnh Đắk Lắk thành tỉnh Đắk Thái. Tôi lên Tây Bắc, trước đây vùng Tây Bắc chỉ có người Thái Đen và người Thái Trắng còn bây giờ lại có thêm người Thái Bình. Trong ba dòng người Thái đó, người Thái Bình phá rừng khỏe nhất. Tỉnh Thái Bình vốn không có rừng. Muốn dựng một ngôi nhà, người Thái Bình dưới quê phải bỏ ra 10 năm trồng xoan rồi mới hạ vườn xoan làm cột cái, cột quân. Còn lên Tây Bắc, người Thái Bình ra ngõ là đã thấy những cây to như bắp đùi, cứ việc thả cửa cưa cắt bằng thích để làm cột cái, cột con, đóng giường, đóng tủ. Những thứ trời cho ấy không bền. Rừng kiệt hết sạch cây hứng nước, hút nước, lũ ống lũ quét cứ việc cuốn trôi bản làng. Trồng rừng thì lâu, phá rừng thì chóng, chết vì lũ lại càng nhanh.