Giới Thiệu Quy Tắc Số 1
Làm giàu không khó
“Khi bạn thay đổi cách suy nghĩ, bạn đang thay đổi thế giới của mình” — NORMAN VINCENT PEALE (1898 – 1993)
Cuốn sách Quy Tắc Số 1 là một hướng dẫn đơn giản giúp bạn thu được mức lợi nhuận trên 15% khi kinh doanh trên thị trường chứng khoán mà không gặp rủi ro. Trên thực tế, đầu tư theo Quy tắc số 1 sẽ giúp bạn tránh khỏi những ảnh hưởng từ sự thăng trầm của thị trường chứng khoán. Tôi sẽ chứng minh cho các bạn điều này ở phần cuối cuốn sách.
Ngày nay, việc đầu tư theo Quy tắc số 1 có vai trò rất quan trọng bởi nhiều lý do. Dễ thấy nhất là vì những người sinh sau Thế chiến thứ hai chỉ có trung bình 50.000 đô-la gửi ngân hàng để dành cho hai mươi năm nữa, khi họ nghỉ hưu. Họ nghĩ họ cần 1 triệu đô-la vào thời điểm nghỉ hưu, nhưng họ sẽ không kiếm được chừng đó. Thế hệ những người trẻ hơn thì chật vật với việc thanh toán các khoản nợ, tiết kiệm tiền, nhưng họ cũng nghĩ đến việc đầu tư vào thị trường chứng khoán. Nếu mọi người chỉ đầu tư vào trái phiếu chính phủ ít rủi ro với lãi suất 4%/năm(1), họ khó có thể bảo đảm cuộc sống cho mình khi bước vào tuổi nghỉ hưu. Mặt khác, cố gắng kiếm được 15% lợi nhuận bằng cách phỏng đoán đầu tư (còn gọi là “đầu cơ”) cũng dễ khiến bạn thua lỗ. Quy tắc số 1 giúp giải quyết vấn đề làm thế nào đạt được lợi nhuận cao nhưng ít rủi ro, và quy tắc này cũng giúp bạn kiếm được khoản dự trữ hưu trí mong muốn nhanh hơn, với khoản đầu tư ít hơn nhiều so với hình dung của bạn.
Tôi không phải là người phát minh ra Quy tắc số 1. Quy tắc số 1 lần đầu tiên được Benjamin Graham ở Trường đại học Columbia thiết lập và sau đó được phát triển bởi một người rất nổi tiếng, học trò của Graham và cũng là nhà đầu tư chuyên nghiệp thành công nhất trên thế giới – Warren Buffett. Theo Buffett “Chỉ có hai Quy tắc đầu tư: Quy tắc số 1: Tránh thua lỗ… và Quy tắc số 2: Đừng quên Quy tắc số 1”.
Tôi viết về Quy tắc số 1 vì tôi không phải là Buffett hoặc Graham. Nếu phải là một thiên tài mới có thể sử dụng được Quy tắc số 1 thì chẳng có gì để nói. Tôi là một người bình thường giống như các bạn. Tôi thích mọi thứ đơn giản và dễ hiểu. Tôi không học tại trường kinh doanh hoặc làm việc trên Phố Wall2. Tôi nhận biết được tầm quan trọng của Quy tắc số 1 khi phải trải qua những giai đoạn khó khăn. Nếu bạn có thể đầu tư mà không lo thua lỗ, bạn có sẵn sàng tự mình kiểm soát và tiến hành đầu tư không?
Rõ ràng, câu trả lời là có. Đó là lý do tôi được mời đi thuyết trình cho ít nhất 500.000 người mỗi năm để họ thấy rằng áp dụng Quy tắc số 1 thật dễ dàng. Tôi cũng thuyết trình về Quy tắc số 1 trên diễn đàn lớn vòng quanh nước Mỹ do Peter Lowe tổ chức có tên gọi “Hãy tự khởi động”. Tại đó, tôi được giới thiệu là “người đã giảng dạy về cách thức đầu tư cho nhiều người nhất tại nước Mỹ”. Trong chuyến đi đó, tôi có những buổi diễn thuyết cùng với Rudy Giuliani, Bill Clinton, George H.W. Bush, Gerald Ford, Jimmy Carter, Magaret Thatcher, Colin Powell, Mikhail Gorbachev, tướng Tommy Franks và thuyết trình Quy tắc số 1 cho hơn 2 triệu người. Bây giờ là lúc tôi nói với các bạn về Quy tắc số 1.
Trước khi tôi biết Quy tắc số 1 và bắt đầu chuyến du thuyết, tôi rất nghèo và không dám mơ tới việc mua những bất động sản đắt tiền hoặc du lịch vòng quanh thế giới. Tôi từng làm nhiều công việc như đào cống rãnh, làm sạch các thiết bị cho thuê, bơm xăng, lái xe tải, làm bồi bàn, may những chiếc dây đeo quần. Tôi tốt nghiệp trung học loại trung bình và phải thi đến bốn lần mới đỗ vào trường cao đẳng. Trong suốt bốn năm phục vụ trong quân ngũ, tôi có hai năm phục vụ trong lực lượng đặc biệt (thường được gọi là lính mũ nồi xanh) và có bốn tháng tham gia cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Ngày 1/3/1972, tôi kết thúc nghĩa vụ quân sự tại Việt Nam và trở về Mỹ. Ngày cuối cùng trong quân ngũ, khi tôi rảo bước từ sân bay SeaTac tại Seattle, tự hào trong bộ đồng phục quân nhân với chiếc mũ nồi xanh thì một người đàn ông chạy lại, nhổ nước bọt vào tôi rồi chạy đi. Tôi rời xa nước Mỹ khá lâu để rồi không hề biết gì về việc người Mỹ khinh miệt tôi đến mức nào do những gì tôi làm khi được gửi ra nước ngoài chiến đấu. Sau nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, tôi chỉ cần vài ngày ngắn ngủi làm một thường dân để nhận ra rằng nhiều người Mỹ nghĩ tôi thật ngu ngốc (hoặc còn tồi tệ hơn thế) khi dấn thân ra chiến trường.
Tôi bị thất nghiệp, nhưng cuối cùng tôi cũng tìm được việc làm hướng dẫn viên trên sông. Sau một vài năm làm việc tại California, Utah và Idaho, tôi chuyển tới làm việc tại Grand Canyon. Khi đó, tôi cũng để tóc dài như mọi người, mặc bộ đồ da đen, để chòm râu dê, sống trong một căn lều trong rừng gần Flagstaff, Arizona, và lái một chiếc Harley Davidson màu đen có tiếng động cơ kêu ầm ĩ khiến mọi người khiếp sợ. Cuộc sống của tôi cách xa Phố Wall và thế giới đầu tư chứng khoán. Lúc đó tôi đã ý thức rằng việc kiếm sống rất khó khăn.
Cuộc sống của tôi thay đổi vào năm 1980 khi tôi dẫn các thành viên quản trị của Outward Bound đi xuống hẻm núi trong vòng hai tuần. Outward Bound là một chương trình giáo dục thử thách con người ở mọi độ tuổi trong các môi trường khác nhau, thường là những cuộc thám hiểm tới những vùng hoang vu đầy mạo hiểm, để họ có thể học cách làm việc theo nhóm, cách làm lãnh đạo, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, tự khám phá v.v… Bởi vì Outward Bound để cho những người tham gia tự làm tất cả các công việc của họ nên chúng tôi quyết định cũng làm như vậy với các thành viên quản trị; thay vì chèo thuyền chở họ xuôi dòng sông, chúng tôi để họ tự chèo những chiếc bè nhỏ. Sau bảy ngày, chúng tôi tới Crystal, thác nước nguy hiểm nhất ở Grand Canyon. Mỗi giây 2.400m3 nước đổ thẳng từ vách đá granít cao hơn 10m. Tại vách đá, độ cao và khối lượng của nước tạo ra một xoáy nước khổng lồ (được gọi là “Hố xoáy”). Trong tất cả các chuyến hướng dẫn xuôi theo hẻm núi, tôi chưa bao giờ tới gần hố xoáy, và người duy nhất tôi biết đã tới gần xoáy nước phải cố gắng lắm mới sống sót được. Anh nổi lên mặt nước với những vết rách sâu và lưng gần như bị gãy. Chúng tôi luôn luôn lái thuyền về phía phải của xoáy nước và tránh nó ra. Nhưng lần này, chúng tôi đang chèo thuyền, và tôi cần các thành viên khác giúp đỡ để lái con thuyền sang mé phải con sông. Chúng tôi khởi đầu khá suôn sẻ, thuyền trôi xuôi dòng về mé phải, nhưng khi tôi yêu cầu mọi người trên xuồng chèo về phía bờ phải, con thuyền gần như đứng tại chỗ. Trên thực tế, chúng tôi đang chèo ngày càng gần đến hố xoáy. “Hãy chèo hết sức! Mạnh lên nào! Cuộc sống của các bạn phụ thuộc vào đó!”
Thế nhưng, chúng tôi ngày càng bị cuốn gần hố xoáy. Lúc đó, tôi yêu cầu mọi người chèo mạnh hơn nữa như thể cuộc sống của tôi phụ thuộc vào đó, và điều đó khiến mái chèo của họ va vào nhau. Những mái chèo cứ khua trong không khí còn con thuyền vẫn bị kéo ngược lại. Con thuyền xoay vòng và ngày càng tiến thẳng đến hố xoáy. Thế này thì một số người trong chúng tôi có thể sẽ chết. Ngay lúc đó, tôi nhận thấy có một dòng nước chảy giữa vách núi và hố xoáy. Tôi kêu to, át cả tiếng ồn của dòng thác, gọi thuỷ thủ đoàn của tôi chèo hết sức có thể về phía mép trên của hố xoáy với ý nghĩ có thể lướt qua ngọn sóng phía trên ghềnh đá. Đó là sự liều mạng và tôi chợt nghĩ chúng tôi có thể bị nghiền nát khi va chạm vào ghềnh đá trước khi bị nhấn chìm bởi hố xoáy. Có thể mọi người trên thuyền cũng thấy điều đó hoặc họ cuối cùng cũng nhận ra hố xoáy là điểm kết liễu. Dù nghĩ thế nào đi nữa, mọi người đã chèo chiếc xuồng lướt bay đi và chúng tôi trượt dọc theo vành của hố xoáy. Tất cả chúng tôi khi đó đều ngoái lại nhìn chằm chằm vào xoáy nước đang cuồn cuộn như những chú chuột nhìn vào chiếc máy giặt đang hoạt động. Tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu làm sao chúng tôi có thể xoay xở để vượt qua thác nước đó. Chúng tôi đã chèo xuống dòng chảy nhỏ an toàn, vượt qua bờ đá, vượt qua cả hố xoáy và lên bờ bên kia. Thậm chí chúng tôi không bị ướt. Thật phấn khích. Khi cập vào bờ, một trong số những người đi trên thuyền nôn thốc nôn tháo trong lúc tôi phải giải thích cho chủ hãng, người tình cờ tham gia cùng chúng tôi trong chuyến đi này rằng thực sự tôi không có lỗi trong việc đưa sáu vị khách quan trọng của hãng tới bên bờ thảm hoạ trong một chuyến đi vui vẻ.
Đêm hôm đó, một trong số những tay chèo đã ôm chặt lấy tôi đầy cảm động và nói: “Không biết tôi phải cảm ơn anh như thế nào vì đã cứu sống tôi?” Tôi không đủ can đảm để nói với ông ấy rằng tôi suýt làm ông mất mạng. Người đàn ông đó, người mà tôi gọi là “Wolf” là một triệu phú tự thân lập nghiệp. Rất tự nhiên, khi ông bắt chuyện và cảm ơn tôi, tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy sẽ cho tôi một ít tiền vì “cứu sống” ông ấy. Tuy nhiên, thay vì điều đó, ông kể cho tôi câu chuyện cũ về con cá và chiếc cần câu. Bạn biết đấy đưa con cá cho một người, bạn giúp anh ta no được một ngày. Nếu dạy người đó câu cá, bạn giúp anh ta no ấm suốt đời. Tôi thật sự không chú ý nghe lắm. Ông ta có thể giữ lại con cá. Còn tôi chỉ muốn có tiền. Tuy nhiên, ông nhất định dạy tôi cách đầu tư, và không chấp nhận sự thờ ơ và khó chịu của tôi khi trả lời ông.
Ngồi bên ngọn lửa trong đêm hôm đó, ông hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền. Tôi kể với ông rằng, tôi kiếm được 4.000 đô-la trong mùa chèo thuyền và tôi thất nghiệp trong sáu tháng còn lại của năm. Điều này khiến ông phải suy nghĩ trong một vài ngày. Nhưng ông rất kiên nhẫn gợi tính tò mò của tôi và cuối cùng khiến tôi quyết định đầu tư. Tôi vay 1.000 đô-la và năm năm sau, tôi trở thành triệu phú. Đến thời điểm đó, tôi rất thông thạo về những điều cơ bản mà tôi gọi là đầu tư theo Quy tắc số 1. Lúc đó, tôi không biết rằng quy tắc này đã có từ 80 năm trước và được những nhà đầu tư thành công nhất trên thế giới sử dụng. Tất cả những điều tôi biết là quy tắc này giúp tôi kiếm tiền. Đây cũng chính là lý do tại sao tôi hướng dẫn các bạn Quy tắc số 1 thông qua cuốn sách này.
Có nhiều cách để trở nên giàu có. Bạn có thể học cách đánh bóng chày và ký hợp đồng với một câu lạc bộ chuyên nghiệp; phát minh ra một thứ gì đó có ích; mua một vé số rồi trúng thưởng; hoặc tập luyện để trở thành nghệ sĩ được trả lương cao nhất ở Hollywood. Tuy nhiên, đối với phần lớn những người giống như tôi và các bạn, làm thế nào để đạt được các mục tiêu này? Học cách đầu tư theo Quy tắc số 1 sẽ dễ dàng thành công hơn nhiều. Tôi đã làm như vậy. Bạn cũng không cần phải là người quá thông minh vì quy tắc này rất đơn giản.
Phần lớn người Mỹ đều tham gia vào các quỹ đầu tư. Các quỹ này kiểm soát được những biến động trên thị trường, đa dạng hoá danh mục đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Họ tham gia thị trường với mục đích kiếm lợi nhuận dài hạn và hoạt động theo tư vấn của các chuyên gia. Tuy nhiên, nếu thị trường xuống dốc, các quỹ này vẫn bị thua lỗ. Hãy xem xét trường hợp sau: Vào năm 1906, chỉ số công nghiệp Dow Jones – một chỉ số chính cho biết sự tăng giảm của thị trường chứng khoán – đạt đến con số 100 điểm. Vào năm 1942, chỉ số này cũng ở mức 100 điểm. Nói cách khác, trong giai đoạn 1906 – 1942, nếu bạn có một danh mục đầu tư đa dạng hoá với nhiều loại chứng khoán, lợi nhuận bạn thu được sẽ bằng 0 hoặc âm (và thường là âm). Khoảng thời gian này kéo dài suốt 36 năm. Từ năm 1942 đến năm 1965, thị trường biến động, các nhà đầu tư thu được tỷ suất lợi nhuận gộp đáng kể (11% trong khoảng thời gian 22 năm, không tính cổ tức). Tuy nhiên, sau đó, chỉ số Dow Jones đạt mức 1.000 điểm và không hề vượt qua mức này trong vòng 18 năm, cho đến năm 1983. Thời gian tiếp theo, thị trường chứng khoán bùng nổ, chỉ số tăng từ 1.000 lên 11.000 điểm trong vòng 17 năm. Nhưng hiện nay, thị trường lại gần như chững lại. Rõ ràng là với những nhà đầu tư nghiệp dư như chúng ta, thị trường chứng khoán thường có giai đoạn bùng nổ (lúc đó giá các chứng khoán tăng vọt) rồi lại có lúc chững lại trong khoảng thời gian từ hai đến ba thập kỷ. Xin lưu ý đơn vị đo thời gian là thập kỷ.
Tất nhiên, cũng có những khả năng khác xảy đến đối với thị trường chứng khoán ngoài việc chững lại. Khi tôi viết cuốn sách này, Tổng thống Mỹ đang cố gắng sửa đổi điều luật về an sinh xã hội bằng việc chuyển 2 ngàn tỷ đô-la vào tay công nhân để họ có thể tự mình đầu tư. Nếu chính sách của ông thành công, nguồn tiền này sẽ chảy vào các quỹ đầu tư, khiến thị trường chứng khoán tăng vọt trong một giai đoạn nhất định. Sau đó, khi thế hệ những người sinh sau Thế chiến thứ hai bắt đầu bước vào độ tuổi nghỉ hưu, họ có thể rút hàng ngàn tỷ đô-la khỏi thị trường chứng khoán, khiến thị trường này rơi tụt xuống mức năm 2002. Một số người lập luận rằng, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là những thị trường mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục tăng lợi nhuận, và do vậy giá chứng khoán sẽ tăng. Nhưng liệu các bạn có hy vọng vào điều đó hay không? Tình trạng thăng trầm hỗn loạn này sẽ buông tha những nhà đầu tư nhỏ, tầm thường như bạn và tôi không? Nó sẽ ít ảnh hưởng đến chúng ta nếu chúng ta áp dụng duy nhất một cách đầu tư – sử dụng Quy tắc số 1 – trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Như Buffett từng điều chỉnh các quy tắc đầu tư nhằm ứng phó với những thay đổi của thị trường, tôi cũng phải điều chỉnh Quy tắc số 1 khi xem xét ba nhân tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán trong vòng 20 năm qua: (1) Tác động của tiền đầu tư theo tổ chức, ví dụ như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ ngân hàng và quỹ bảo hiểm; (2) Tác động của Lý thuyết thị trường hiệu quả (tôi sẽ giải thích ở phần sau); và (3) Tác động của mạng Internet và máy tính cá nhân đối với khả năng tiếp cận thông tin của các cá nhân với chi phí rẻ và sử dụng những thông tin này vì lợi ích cá nhân.
Quy tắc số 1 là kết quả của chiến lược đầu tư đã được thử nghiệm và thành công, đáp ứng sự kiểm soát thị trường của các thể chế tài chính vào thời điểm mà các công cụ đầu tư sẵn có với bất cứ ai sở hữu một chiếc máy tính. Lần đầu tiên trong lịch sử, một người không có đủ tám giờ đồng hồ mỗi ngày để thực hiện những nghiên cứu tốn nhiều công sức về thị trường chứng khoán, có thể áp dụng Quy tắc số 1, và các công cụ sẵn có trong máy tính giúp bạn có thể trở thành một nhà đầu tư thành công khi đầu tư theo Quy tắc số 1 chỉ với 15 phút mỗi tuần. Ngày nay, bạn đang có nhiều tiện ích được cài đặt sẵn. Từ những gì bạn biết và thông tin bạn có thể tiếp cận được, bạn có thể nhanh chóng gia nhập hoặc rút khỏi thị trường. Toàn bộ những tiện ích này giúp bạn đầu tư hiệu quả hơn cả những chuyên gia. Nếu bạn là một người mua hàng giỏi biết tìm mua những món hàng tốt với mức giá hấp dẫn, bạn sẽ không gặp khó khăn khi học Quy tắc số 1, quy tắc này được xây dựng dựa trên cùng một khái niệm như vậy.