Giới Thiệu Quy Luật Của Muôn Đời
Quy luật của Muôn Đời là một tác phẩm nổi tiếng của Dumbatzé. Nhân vật chính trong tác phẩm là Batsana, một nhà văn nhà báo lớn, Câu chuyện diễn ra khi ông bị nhồi máu cơ tim, phải nằm trong bệnh viện.
“Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua..” (Lời Batsana).
Thân thể nằm bất động trên gường bệnh, bằng suy tưởng, hồi ức, bằng trò chuyện với 2 người bệnh cùng phòng là Đức Cha Iôram và bác thợ giày Bulika, Batsana tìm lời giải đáp cho những câu hỏi: Ta sinh ra đời để làm gì? Hạnh phúc là thế nào? Bản chất của cái Thiện là gì?
Cuối cùng ông đã tìm ra câu trả lời: Đó chính là Quy luật của Muôn đời.
Cơn đau nhói lên ở vai bên phải. Tiếp đó, nó luồn xuống ngực và mắc ở một chỗ nào dưới vú bên trái. Rồi tuồng như có bàn tay chai sạn của ai không rõ thọc vào trong ngực, nắm lấy tim và bắt đầu bóp như vắt nước chùm nho. Bàn tay bóp chậm chạp, nỗ lực: một – hai, hai – ba, ba – bốn…Cuối cùng, khi trái tim bị vắt kiệt không còn lấy một giọt máu, vẫn bàn tay ấy dửng dưng quẳng nó đi. Tim ngừng đập. Không, thoạt tiên nó rớt xuống như con chim sẻ non đâm sầm vào kính cửa sổ, nó rơi xuống, bắt đầu giãy giụa, run lên bần bật, rồi lặng hẳn. Nhưng tim ngừng đập vẫn chưa phải là cái chết đã đến, đấy mới là đôi mắt trợn ngược vì khiếp hãi quá chừng và sự mong chờ khổ sở: trái tim chết tiệt còn đập lại nữa hay không?!
– Không được nguyền rủa trái tim, batônô[1] ạ. Cần nâng niu nó, nhè nhẹ hà hơi vào nó như thổi vào sữa bắt đầu sôi…- chị y sĩ nói.
– Bà chị kính mến ơi, tôi chẳng thiết gì văn chương nữa đâu! Giúp tôi với!
– Nadya, cho anangin! .. Sẽ bớt đau ngay thôi mà!
– Nhưng ông ấy say rượu, thưa bác sĩ!
– Điện tâm đồ!
Đôi tay ai không rõ ôm lấy người bệnh.
– Thế nào? – bác sĩ hỏi
– Rất sâu… Tôi không biết như thế này thì ta có thể làm gì được…
– Đau không?
– Bác sĩ ơi, làm sao cho hết đau… hoặc là giết tôi đi!
– Prômêđôn!
…………..
Năm phút sau.
– Thế nào, đỡ rồi chứ?
Người bệnh nhìn con người đã hỏi câu ngây ngô đó, nhưng không sao hé mắt ra được: đôi mi như bị đè ép bởi những tấm chì nhỏ nặng trịch, lạnh lẽo.
– Morfin! – bác sĩ ra lệnh, ông đã nản lòng và nhấc ống điện thoại lên.
– Tôi đây, Antilava. Bỏ mônitơ và chuẩn bị đifibrilatơ[2]. Nhanh lên!
– Ối, ối, giết tôi đi cho xong! – người bệnh van vỉ.
– Azốt! – bác sĩ ra lệnh.
Người bệnh cảm thấy có tấm gạc ướt chạm nhẹ vào mặt. Rồi thân thể ông được nâng lên một cách gượng nhẹ, đặt vào một con thuyền…
…Con thuyền hơi chòng chành, lướt trên mặt biển êm ả phẳng lặng. Đột nhiên người chèo thuyền vớ lấy một chiếc đinh gỉ to tướng, kê mũi nhọn vào ngực người bệnh và nắm tay đập một cái thật mạnh, đóng dính người bệnh vào chiếc ghế băng.
– Làm cái gì thế, đồ quái vật! – người bệnh rên lên.
– Không thế thì ông lăn tùm xuông nước mất! – người chèo thuyền trả lời.
Rồi vẫn bằng những chiếc đinh gỉ như thế, anh ta đóng rịt cả hai tay hai chân người bệnh vào ghế, còn anh ta nhảy xuống nước.
– Đừng đi, đừng ruồng bỏ tôi, bạn thân mến, – người bệnh van vỉ. – Ai sẽ nhổ đinh ra cho tôi?!
– Người ta sẽ nhổ ra cho, khi nào sang đến bờ bên kia! – tiếng người chèo thuyền từ xa vẳng lại. Người bệnh nghe thấy cả những tiếng nói khác trầm đục từ trên bờ vọng đến, nhưng không thể hiểu đấy là tiếng gì; những lời tiễn biệt, những tiếng la to khuyên ông phải đề phòng, những lời an ủi hay tiếng gào khóc của những người thương xót ông.
… Rồi tiếng người im bặt, tan biến. Chỉ còn lại cái đau âm ỉ, sự chờ đợi mệt mỏi, biển bao la không bờ bến và bản thân ông bị đóng đinh vào thuyền, bị mọi người bỏ quên.
– Trời ơi, trời ơi, sao anh lại bỏ rơi tôi! – người bệnh thều thào, nhưng ông hiểu ngay rằng những lời đó không phải do ông thốt lên, vì vậy thượng đế không thể nghe thấy được.
Còn con thuyền vẫn lắc lư đều đều trên những lượn sóng êm ả của biển xanh…
Một nghìn năm trôi qua, bỗng nhiên người bệnh cảm thấy một cái va chạm. Lập tức cảm giác đau buốt do cái va chạm đó gây nên xuyên thấu qua ông. Thuyền cập bờ.
Một đám người rất đông xúm quanh thuyền.
– Trời ơi, ông ta bị đóng đinh, khốn khổ chưa! – một người nào đó vừa kéo thuyền lên bờ vừa tỏ ý thương người bệnh.
– Nhổ đinh ra cho tôi, tôi không thể chịu đựng nổi nữa! – người bệnh van vỉ.
– Iasvili đâu? – một trong những người ra đón hỏi.
– Tôi đây!
– Nhổ ra!
– Cắm sâu quá..
– Thế thì ta cùng hiệp lực! Nào… Một, hai, dô hò! ..
Trời ơi chẳng lẽ họ không nhổ được ư? – người bệnh nghĩ và cố giơ một tay lên.
– Không được cử động! – có người nào ngăn ngừa và liền đó nói với các bạn mình: – Nào, một lần nữa, dô hò!
Lại một nghìn năm nữa trôi qua. Người ta dùng răng nhổ đinh ra khỏi người bệnh.
– Thế nào? – người đứng đầu hỏi.
– Đang lên! – những người cấp dưới trả lời.
– Bao nhiêu?
– Sáu mươi!
– Được, khoan lo đến huyết áp, bây giờ hãy lo chăm sóc tim đi!
– Mạch năm mươi!
– Hình như đã thoát khỏi cơn nguy rồi! – người đứng ở máy mônitơ nói.
– Nó lăn xuống! – người bệnh thở dài.
– Cái gì lăn xuống? – bác sĩ ngạc nhiên, hỏi.
– Bánh xe đã lăn xuống! – người bệnh nhắc lại.
– Bánh xe nào? Ở đâu ra? – tiếng bác sĩ run run.
– Ở chỗ này, từ chỗ này, bantônô ạ! – người bệnh đặt tay lên tim và mỉm cười.
Bác sĩ thở dài nhẹ nhõm, lau mồ hôi lạnh trên người bệnh.