Giới Thiệu Oss và Hồ Chí Minh
Năm 1995, là năm Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Cùng năm đó, tôi viết lời giới thiệu và đứng tên để xuất bản cuốn “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam?) của A. Patti. Cuốn sách được xuất bản tại Mỹ 10 năm trước đó (1985). Tác giả của cuốn sách là người chỉ huy cao nhất của tổ chức tình báo chiến lược OSS (tiền thân của CIA) đã có mặt ở Việt Nam khi Cách mạng tháng Tám 1945 vừa thành công.
Nội dung cuốn sách là câu trả lời lấy từ tứ thơ của một bài ca cổ Ái Nhĩ Lan về câu chuyện gã thuỷ thủ già nỡ bắn chết con chim báo bão. Con chim báo bão chính là những ký ức lịch sử về một thời kỳ Mỹ và Hồ Chí Minh từng là đồng minh chống phát xít. Chim báo bão chết, tất nhiên con tàu của gã thuỷ thủ già bị lạc vào giông bão.
Cũng năm ấy, đoàn các cựu chiến binh của nhóm OSS cộng tác với Hồ Chí Minh đến thăm Hà Nội và gặp lại những người đồng minh từ nửa thế kỷ trước. Tôi may mắn được tham dự và chứng kiến và chợt nhận ra rằng trong lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Hồ Chí Minh chỉ có… Hoa Kỳ! Năm 1997, tôi lại may mắn được tháp tùng các cụ Việt Minh sang tận New York để gặp các cụ OSS hàn huyên cho giới sử học nhiều nước cùng nghe để làm sâu sắc hơn cái ký ức đã có thời bị quên lãng ấy. Nhiều nội dung các câu chuyện kể được phản ánh trong cuốn sách này.
Có hẳn một đêm “trình diễn” tại Nhà châu Á ở New York. Hai nhóm các cụ OSS và Việt Minh gặp nhau cùng kể lại chuyện cũ cho một cử toạ, ngoài quan khách của hai bên, số đông là những nhân viên CIA đến dự có phần vì tò mò trước câu chuyện hợp tác giữa hai bên mà trong ký ức thế hệ của họ chỉ thấy sự thù dịch trong một cuộc chiến vô cùng khốc liệt.
Cụ Charles Fenn là người cao tuổi nhất trong nhóm OSS, năm đó đã xấp xỉ 90 đi cùng một cô bạn gái rất trẻ. Cụ ít nói, chỉ quan sát. Cụ là người đầu tiên trong đơn vị gặp Hồ Chí Minh ; sau này cũng lại là người đầu tiên từ nước Mỹ viết cuốn tiểu sử đầu tiên bằng Anh ngữ và bị trục xuất vì việc làm ấy…
Trước khi chia tay, Cụ gọi tôi và một anh bạn cùng đoàn chỉ để nói một điều tâm đắc nhất: “Mỹ không có bạn, Mỹ chỉ có đồng minh. Cụ Hồ của các bạn biết Mỹ nên hợp tác được với Mỹ”. Tôi hỏi: Vậy thì Đồng minh là thế nào? Cụ trả lời: Cùng có lợi!
Cũng trong hai năm 1995 và 1997 tôi lại may mắn có mặt trong cả hai cuộc gặp giữa Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namarra và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều diễn ra ở Hà Nội.
Cả hai lần ông khách Mỹ chỉ chốt vào một câu hỏi: “Liệu có cơ hội nào bị bỏ lỡ hay không khiến hai quốc gia không thiết lập được sự hợp tác mà quay sang đánh nhau?”. Thì cũng cả hai lần vị lão tướng của chúng ta đưa về một nguyên lý: “Việt Nam là nước nhỏ, chỉ mong hoà bình hợp tác với thiên hạ. Chúng ta đã từng hợp tác cho đến khi chính lợi ích của nước lớn đã khiến Mỹ chọn con đường khác”.
Năm 1998. Tôi lại may mắn có mặt tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc gặp con trai của cố Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy. Năm ấy, giữa hai người tuổi cách nhau tròn nửa thế kỷ, vị Đại tướng 88 tuổi nói với vị khách Mỹ 38 tuổi rằng: thế hệ các bạn chỉ biết lịch sử mối quan hệ Việt-Mỹ là một cuộc chiến tranh tàn khốc và đầy thù hận kéo dài 30 năm, nhưng nên nhớ rằng trước đó đã có những trang sử của quan hệ tốt đẹp và của tinh thần hợp tác. Tương lai các bạn trẻ cả hai nước phải viết tiếp những trang sử tốt đẹp ấy.
Đại tướng chỉ vào những tấm ảnh chụp cùng Bác Hồ tiếp các bạn Mỹ trong những ngày Đất nước độc lập đầu tiên làm bằng chứng. Năm 2005. Tôi lại may mắn được tháp tùng vị Thủ tướng Việt Nam đầu tiên đi thăm nước Mỹ. Ở chặng đầu tiên, thành phố Seattle, có một người ra đón và tiếp kiến đầu tiên Thủ tướng của chúng ta lại chính là một cựu chiến binh OSS đã từng rất gần gũi với Bác Hồ. Đó là cụ Mac Shin người báo vụ viên được OSS cử đi theo nhà lãnh đạo Việt Minh về chiến khu Việt Bắc sớm nhất.
Rồi ở chặng cuối, thành phố Boston, ông chủ tập đoàn LDG chủ trì cuộc đón tiếp đã giương cao tấm bích chương vẽ cách cứu phi công Mỹ có in lá cờ hoa và cờ đỏ sao vàng và nói lớn với cử toạ rằng: cách đây 60 năm chúng ta đã từng hợp tác chống phát xít thì giờ đây tại sao chúng ta không hợp tác để làm giàu cho hai quốc gia? Còn ông cựu thượng nghị sĩ MacGovern nổi tiếng đại điện cử tri bang Massachusetts, đã từng ra tranh cử tổng thống với R. Nixon thì phát biểu rằng sở đĩ cương lĩnh tranh cử của ông là chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam bởi lẽ trong Đại chiến thế giới lần thứ Hai ông là một phi công ném bom ở vùng Đông Nam Á. Do vậy ông biết Hồ Chí Minh từng tổ chức cứu phi công Mỹ bị Nhật bắn rơi, do vậy không thể làm một cuộc chiến tranh với những người như Hồ Chí Minh. Ông nói thêm rằng, cuộc tranh cử ấy ông đã thất bại, nhưng giờ đây lịch sử chứng minh rằng những cử tri của thành phố Boston và của bang Massachusetts là những cử tri ưu tú nhất vì lịch sử chứng minh rằng rốt cuộc hai dân tộc chúng ta đã hoà bình hợp tác với nhau.
Năm 2006. Tôi lại có may mắn tham gia vào thành phần Việt Nam trong cuộc tiếp xúc giữa Quốc hội hai nước, nhân phái đoàn do Chủ tịch Hạ viện Mỹ sang thăm Hà Nội. Trong phát biểu chào mừng buổi sáng cũng như mở đầu tiệc chiêu đãi buổi tối, ông Chủ tịch Quốc hội Việt giam nhắc lại một lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1946 rằng: “Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”, và khẳng định rằng đó cũng là thông điệp của Việt Nam “ngày hôm nay”. Và bữa tiệc chiêu dãi này hiểu theo nghĩa nào đó đã được dọn sẵn từ 60 năm trước!…
Tất cả những gì chứa đựng trong những sự kiện trên có thể tìm thấy trong cuốn sách đang có trên tay của các bạn – bản dịch “OSS và Hồ Chí Minh – đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật”. Đây là một công trình nghiên cứu được coi là hoàn chỉnh nhất về lịch sử quan hệ Việt-Mỹ trong thời kỳ đại chiến Thế giới lần thứ Hai, cũng là một thời đoạn quan trọng trong tiểu sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cuộc Cách mạng tháng Tám 1945. Nó sẽ rất bổ ích cho những ai đang chứng kiến những tiến triến quan trọng trong quan hệ Việt-Mỹ ngày hôm nay gắn liền với tiến trình hội nhập và không ngừng đổi mới của dân tộc Việt Nam.
7.2007
Dương Trung Quốc