Giới Thiệu Ơn Cha Nghĩa Mẹ
Quy luật tự nhiên từ xưa đến nay là “nước mắt chảy xuôi”. Cho nên dễ dàng thừa nhận tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con cái bao giờ cũng tràn đầy và vô điều kiện.
Ơn Cha Nghĩa Mẹ viết về đấng sinh thành thật sự không kể xiết. Nhưng những lời ngợi ca công ơn mẹ cha sẽ không bao giờ là thừa, giống như tình thương yêu bất tận giữa cha mẹ và con cái sẽ mãi mãi không có giới hạn về không gian và thời gian. Gói gọn trong hơn trăm trang là chắt lọc từ các tản văn xúc động về cha mẹ từ mục “Tri ân” trên tập san Áo Trắng và một số bài viết vào chung khảo từ cuộc thi “Góc nhà bình yên” trên báo Tuổi Trẻ.
Ðến với tập sách mỏng manh, đơn sơ này, bạn sẽ bắt gặp nhiều câu chuyện sống động, đẹp vô ngần. Bút lực có thể không sắc sảo, giọng văn có thể chưa trau chuốt nhưng lực hút của nó lại nằm ở chính sự chân thành.
Một điểm nhấn đáng chú ý là hầu như các cây viết không chuyên này đều xuất thân từ một làng quê nghèo khó nào đó. Cha mẹ nhịn ăn nhịn mặc, giành lấy sự khó nhọc về phía mình, chỉ mong con cái được hưởng trọn sự đủ đầy về vật chất. Cha mẹ còn là điểm tựa tinh thần, là ý chí tự lập, giúp con nuôi dưỡng hoài bão và ước mơ tươi sáng cho tương lai.
Mỗi câu chuyện đều đong đầy cảm xúc khó tả. Nào nỗi nhớ mẹ mỗi khi mùa bông so đũa về hay những ngày trời mưa lâm thâm tháng Ba. Rồi chiếc áo bông ấm áp của cha nhường cho con trai vào ngày mùa đông rét mướt. Hoặc trải nghiệm khó phai mờ trong những chuyến đi soi ếch đêm cùng cha.
Công cha, nghĩa mẹ như suối nguồn, tựa non cao. Quan tâm, yêu thương con cái, thậm chí cả một đời vất vả, nặng nhọc, hi sinh tất cả vì con. Nhưng các bậc sinh thành chỉ có một mong ước giản dị là con cái sẽ nên người và thành công. Và phải chăng đó chính là cách đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục cho mẹ cha một cách có ý nghĩa nhất.
Vu Lan là một dịp lễ lớn ở các quốc gia theo truyền thống phương Ðông, là dịp để con cái tỏ lòng hiếu thảo. Mấy năm nay lại du nhập thêm các ngày lễ của phương Tây với Ngày của Mẹ, Ngày của Cha. Dẫu vậy suy cho cùng, dù cha mẹ không trông mong con cái báo hiếu nhưng “uống nước nhớ nguồn” lẽ đương nhiên là tập tục tốt đẹp và không nhất thiết chỉ vài ngày lễ mới thể hiện, mà một năm với 365 ngày cũng đều có thể xem là ngày báo hiếu. Nếu đồng tình với suy nghĩ này, ắt hẳn độc giả cũng sẽ mở lòng đón nhận những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn tuy bình dị mà cao cả trong tập sách này.
Khi Ba Mẹ Không Còn Trẻ
Con sinh ra muộn màng vào lúc mẹ bước sang cái tuổi ngoài 40. Có lẽ vì vậy mà từ khi lớn lên giữa con và ba mẹ có một khoảng chênh khá lớn về tuổi tác.
Bạn bè con, có đứa đến chơi chào ba mẹ bằng ông – bà, đứa rụt rè hơn thì xưng: bác – cháu. Còn con, hễ mỗi lần đến chơi nhà chúng nó, ra về quen miệng thưa: Anh – chị… cháu về! Mà thật, tuổi của ba mẹ tụi bạn… chỉ ngang bằng tuổi chị Hai của con!
Có lẽ vì thế mà rất hiếm khi nào con về nhà tỉ tê kể chuyện trường lớp, chuyện bạn bè cho ba mẹ nghe. Có chăng cũng chỉ là mấy lời qua loa cho có, nào là: Con phải đóng học phí, xin tiền đi sinh nhật bạn bè… Thế giới của con khác hẳn hoàn toàn với cái thế giới cũ kỹ của ba mẹ.
Tuổi hai mươi, con bay bổng với những ước mơ, những lý tưởng, có khi là những ảo vọng, ảo tưởng của thế hệ 8X@. Ba mẹ bây giờ bỗng xa dần, thực tế hơn và không còn cái lãng mạn nữa. Ðôi khi, thấy trần trụi và khô cứng như chính cái tuổi già đang cận kề trước mặt. Chẳng biết tự bao giờ con đã bỏ mất thói quen bám đuôi theo chân ba hay víu kè kè vào nách mẹ mỗi dạo bước chân ra khỏi nhà. Lẽ dĩ nhiên, ba mẹ đủ tinh tế để nhận ra điều đó và không khỏi chạnh lòng thấy ngậm ngùi: Tuổi tác!
Có lần, ba thỏ thẻ bên con: “Ba mẹ không cho con được hết mọi thứ nhưng có những thứ không ai cho con được ngoài ba và mẹ”. Bất chợt, con chựng lòng nghĩ ngợi, nhìn lại một cách sống! Rồi con đi học xa nhà, xa ba mẹ – với bao nhiêu đứa trẻ thơ khác, điều này không dễ dàng tí nào, còn riêng con: Chẳng có hề nao núng!
Xa ba mẹ rồi, con mới càng thấm thía: Tuổi trẻ người ta nuôi con cái dễ hơn gấp nghìn lần… tuổi già lo cho con! Riêng chuyện tiền nong đều đặn hàng tháng đã là một vấn đề không hề đơn giản. Ba làm việc miệt mài hơn… chống đỡ với sức già, gánh hàng rong của mẹ thêm nặng trĩu đôi vai trần. Ðêm đến, mẹ xoa bóp chân ba rồi ba làm lại cho mẹ đỡ nhức… mai còn đi tiếp!
Một chiều, con về thăm nhà, nhìn ba rồi nhìn mẹ. Hai gương mặt của một người đàn ông và một người đàn bà rõ là khác nhau nhưng lại gặp nhau ở mái đầu tóc hoa râm và những nếp nhăn xuất hiện ngày càng dày trên vầng trán, đuôi mắt… vẫn mỉm cười, hiền lành: “Ba mẹ khỏe cả, con yên tâm lo mà học cho tốt!”… Nước mắt đầm mi, khẽ gạt chút tủi hờn len lỏi, nghẹn lòng con thấu hiểu lời nói của ba năm xưa.
Ngậm ngùi con vỡ lẽ: Khi ba mẹ già, con trẻ… và cuộc sống! Con thêm yêu ba mẹ không chỉ là đấng sinh thành, dưỡng dục, mà kính trọng vì tuổi tác, vì kinh nghiệm, vì người nuôi dạy con chưa bao giờ biết mệt mỏi và chịu đầu hàng với tuổi tác.
Chút dịu dàng và từ tốn toát lên từ cái nhìn chứa đầy yêu thương, ba mẹ đã mang đến một hành trang vào đời mà con biết rằng không dễ gì mình có được!
Ba mẹ của con – là cả một khúc vọng!